Kỳ 19
(Tiếp theo kỳ
trước)
….
Một sáng chủ nhật, trên
đường về nhà ông cậu Khánh ghé qua thăm nhà cô gái đau bụng vì
giun chui ống mật bữa trước. Bà mẹ thấy anh lại chơi mừng lắm. "Này, hôm
nay thằng cháu phải ở đây ăn bữa cơm "đoàn kết" với cô và em đấy nhá...Cô không cho từ chối đâu đấy!". Khánh lúng túng,
tính chối khéo mà thấy không tiện. Anh đành xin
phép: "Cô cho con về qua nhà xin phép gia đình rồi con qua ngay. Con không
dám từ chối đâu ạ!" Nói vậy rồi anh chạy nhanh qua nhà, nói chuyện với bà
mợ xin phép, hứa chủ nhật sau về nhà rồi quay lại.
- Thằng cháu đây rồi. Cô thấy mến thằng cháu thật rồi đấy. Nói
làm là làm, thật đàn ông...
Khánh miệng dạ, tay đưa bọc thịt heo quay mua góc phố cho bà
chủ: "Cô cho con góp chút đồ ăn, con thấy ngon mà còn đang nóng sốt nên lấy
ngay..."
- Này, cô coi con như con cái trong nhà nên nhận đó. Lần sau
làm thế này là khách sáo đấy nhé...
- Dạ, cô bỏ qua cho con. Con đâu có
dám...
Bữa ăn thật vui vẻ và ấm cúng. Thảo, tên cô gái anh đưa lên viện
hôm nào bữa nay bớt xa cách. Suốt bữa ăn, cô thi thoảng góp đôi ba câu chuyện,
nhưng mắt nhìn Khánh thật gần gũi. Đôi lúc, Khánh chợt đờ người. Nhìn nghiêng
Thảo có đôi nét hao hao Út Thương. Có điều dáng ngồi, lời ăn tiếng nói dịu dàng
mềm mỏng hơn ...Út Thương của anh ngày nào ...Tự dưng, anh chùng người xuống,
nhớ người xưa đến quay quắt.
- Thằng cháu! Ăn bình thường lên chứ, nghĩ gì mà ngơ ngẩn cả
người vậy...
- Dạ! Con vẫn dùng bữa mà cô.
Bữa cơm chỉ có ba người. Mẹ con Thảo sống với nhau thế này đã
gần chục năm nay rồi. Bố cô, nguyên là lái xe cho một công ty vận tải hàng hóa
Tây bắc gặp một tai nạn lở đất bất ngờ do một cơn lũ ống đổ xuống con đường
liên tỉnh giữa lúc đang vận chuyển hàng hóa đã chết thương tâm khi mới ngoài bốn
mươi tuổi. Sau khi ông mất, mẹ cô ở vậy nuôi con không muốn đi bước nữa. Vừa
làm hàng gia công may mặc, vừa lo cho Thảo ăn học, tốt nghiệp sư phạm "Mười
cộng ba" ra dạy trung học cơ sở. Cô đang dạy ở một trường học cách nhà một
quả đồi, suốt từ sáng đến chiều sống với học trò và đồng nghiệp ở trường. Bản
tính hiền lành, nhu mì lại ít tiếp xúc bên ngoài. Chưa từng yêu ai, bạn bè khác
giới không nhiều làm Thảo có vẻ ngoài bẽn lẽn, ít nói. Hết giờ lên lớp, cô về
phụ với mẹ may hàng gia công cho một cơ sở may công nghiệp. Bữa gặp Khánh vì
cơn đau tưởng mất mạng, việc gần gũi đến như thế với người khác giới là việc hiếm
gặp với cô. Bữa nay, khi ngồi cùng mâm trong một cuộc gặp không hẹn trước cô bỗng
thấy mình dạn lên. Một phần có cảm giác gần gũi, một phần cảm thấy thân tình mà
tin tưởng nên cô vui thật sự.
- Thưa cô, cám ơn cô đã hỏi chuyện. Những năm rồi cuộc sống
con phải chịu nhiều thiệt thòi vất vả lắm...
Sau bữa cơm, khi yên vị bên bàn trà uống nước Khánh chợt cởi mở
tâm tình như không còn khoảng cách. Anh kể câu chuyện gia đình mình, kể về cuộc
sống hơn chục năm đã qua cho hai mẹ con Thảo nghe một cách chân thành, không ngại
ngần. Hai mẹ con Thảo ngồi lặng nghe câu chuyện của Khánh chăm chú. Nhất là bà
mẹ. Ngồi trước mặt anh, khuôn mặt chùng xuống mắt ngấn lệ răng hàm trên cắn nhẹ
lấy bờ môi dưới, bà trìu mến ngắm anh ánh mắt đầy thương cảm. Sao có người đàn
ông mới trẻ tuổi mà đã lắm truân chuyên vậy. Riêng Thảo, cô nghe như nuốt từng
lời từ người đàn ông ngồi bên. Cũng hoàn cảnh bồ côi cha, cô hiểu tình cảnh của
anh. Lòng rung nhẹ, vừa thương cảm vừa như muốn giang tay bao bọc người trai tốt
bụng, hiền lành...Đêm đó, cô trằn trọc khó ngủ. Từ căn phòng ở tập thể công ty,
Hai Khánh cũng lật qua lật lại mãi mà không tròn giấc. Bữa cơm hồi trưa, câu
chuyện thân tình quanh bàn trà nhà người con gái mới quen khiến anh xao động.
Anh chưa từng thấy lại cảm giác này từ sau những ký ức với Út Thương. Giữa giấc
ngủ không tròn giấc, khuôn mặt Thảo cứ thay nhau chen vô khuôn mặt Út Thương với
chiếc cằm lẹm và đôi mắt đen huyền..."Út, út à...giờ Út sao rồi!...Thảo
..Thảo ơi, sao em không là Út của anh năm nào?!..." Những câu nói mớ trong
đêm, ngày hôm sau bạn cùng phòng kể lại làm anh lúng túng ngượng ngập mãi. Ừ, sao cái nhìn dịu dàng của Thảo cứ nhắc anh nhớ
đến người xưa...Kể từ hôm đó, Khánh là khách thân tình của gia đình mẹ con Thảo.
Tháng đôi ba lần, anh qua lại hỏi han giúp giập việc nọ việc kia, khi thì sửa
chiếc quạt bàn hỏng khi thì đảo lại hàng mái ngói gian bếp bị
kênh xô, thân
tình như con cái trong nhà. Đôi ba lần, anh mạnh dạn xin phép đưa Thảo đi chơi
đây đó. Thảo cũng gần gũi bạo dạn lên nhiều. Bà mẹ cô gái mừng lắm, bà biết hai
đứa đã phải lòng nhau rồi...
Sau
gần hai năm qua lại, gần gũi Khánh và Thảo tiến tới hôn nhân. Gia đình ông cậu
bên ngoại mừng lắm, đứng ra lo cho đôi trẻ một đám cưới đời sống mới đạm bạc
thôi nhưng ấm cúng. Bên nhà Thảo, bà mẹ nói trước đám hỏi: "Nếu anh không
chê nhà mẹ con tôi sập xệ nhỏ hẹp, hãy về đây ăn ở cùng. Đừng bận lo chuyện ở rể
ở đậu gì, tôi chỉ mong anh thay được bố con bé, làm mái nhà này trở nên vững chắc
có công sức chăm lo của người đàn ông!"....Ông cậu bà mợ nghe anh chuyện lại
cũng tỏ ý ủng hộ. Chuyện vậy là thành. Đám cưới toàn công nhân, giáo viên và
các bạn trẻ. Cả nhà ông giám đốc sở Xây dựng về hưu vui vẻ đến dự. Hai cô con
gái tíu tít giúp dập, đón khách, sắp đặt bàn tiệc ngọt chỉ với dăm bảy mâm bánh kẹo thuốc
lá... Sau đám cưới nửa năm, với chỗ tiền tương đương hai chục cây vàng chín sáu
(theo giá trị bắc miền trung thời đó) nhờ
bán ngôi nhà ba má ở Quy nhơn gửi ngân hàng từ ngày ra bắc Khánh xin phép mẹ vợ
phá dỡ căn nhà cũ, xây lên ngôi nhà hai tầng khiêm tốn trên phố. Tầng dưới hai
phòng, một là phòng ngủ, một làm nơi bà mẹ vợ đặt một gian xưởng may công nghiệp
chừng hơn chục bàn máy, thuê thêm người cùng làm. Tầng trên hai phòng ở rộng
rãi giành chỗ cho hai vợ chồng trẻ, dự phòng một gian cho lũ trẻ tương lai. Cuộc
sống của đôi vợ chồng trẻ dần ổn định....Đôi vợ chồng trẻ quấn quýt bên nhau, bà ngoại như trẻ lại khi con trẻ
vui vầy. Cuộc sống cứ vậy trôi, thế kỷ mới đang mỗi lúc xích gần thêm. Gia đình
bé nhỏ đón những năm hai nghìn trong niềm vui hạnh phúc đồng thời với việc sinh
cháu gái đầu lòng. Con bé xinh xắn, dễ thương có đôi mắt đen dài giống mẹ, chiếc
mũi cao giống bố. Hai Khánh từ đơn vị thi công xây dựng đường ống chuyển lên
phòng máy của phân xưởng bơm lọc nước sạch. Cũng nhờ vậy, anh được theo học một
khóa đào tạo đại học tại chức tại trường đại học xây dựng Hà nội. Sau ba năm
theo học, anh có bằng cử nhân, thành đốc công phân xưởng máy bơm. Thảo cũng phải
bổ túc thêm để đạt trình độ đại học sư phạm. Học xong, cô chuyển về một trường
trung học phổ thông dân tộc nội trú. Cuộc sống gia đình nhỏ yên ổn vậy dù không
dư dật hơn mặt bằng cư dân trong vùng. Có điều, sau đứa con đầu, vợ chồng Hai
Khánh không có thêm được đứa con nào nữa...
….
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét