NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

Kỳ 22

(Tiếp theo kỳ trước)

....

       Họ để đám trẻ đi chơi tiếp với nhau. Hai người đàn bà ngấp nghé tuổi bảy mươi chụm đầu sát vai bên nhau thủ thỉ.

       - Hai Quang ra bắc năm đó rồi gửi giấy về Trạm xin nghỉ làm, bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển vùng. Đơn vị chủ quản chấp thuận. Vài năm sau Trạm cũng giải thể do cơ cấu lại mạng lưới đo đạc. Tôi cũng về bắc, chuyển công việc về Hồ Kẻ Gỗ Hà Tĩnh. Tôi và chú Khánh tình cờ gặp lại nhau trong một hội nghị Thủy lợi - thủy điện liên quan đến các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt. Nghe thằng Khánh kể lại chuyện nhà, chuyện mình mà rớt nước mắt. Khánh chuyển vùng sinh sống từ Quy nhơn ra bắc và lập gia đình ở Yên bái đã gần chục năm, có một con gái. Khánh có kể lại câu chuyện sau khi ba má lần lượt qua đời ở Quy nhơn, có quay về nơi cô Thương sinh sống để tìm kiếm mà không được. Sau đó bẵng đi, chị em lại không có cơ hội gặp gỡ lần nào. Mãi tới năm ngoái, tôi mới ráp tìm lại manh mối. Nói đúng hơn là biết được câu chuyện của chú ấy. Hai Khánh mất rồi, mất được hơn ba năm nay cũng một nguyên nhân như bà mẹ cậu ấy. Đột quỵ, đột quỵ do nhồi máu cơ tim. Không biết có phải là nguyên nhân di truyền không, nhưng mất nhanh hơn bà cụ. Nhồi máu cơ tim và ngừng thở ngay tại nhà, không kịp đưa lên bệnh viện. Tôi biết được câu chuyện này nhờ cậu em họ công tác trong ngành tài chính Yên bái nói lại. Hai Khánh về hưu được chưa đầy dăm bảy năm thì mất. Hiện bà vợ và cô con gái vẫn ở Yên bái. Tôi có lên thăm gia đình một lần và có được hai mẹ con đưa ra mộ thắp hương cho chú ấy. Tôi có ghi địa chỉ nghĩa trang và mộ phần đây này...

       Bà Thương lặng người. Lòng quặn lên niềm thương, nỗi nhớ người đàn ông đã gieo vào lòng mình giọt máu trực huyết ngày nào. Ra cơn cớ là vậy. Bà ân hận nghĩ đã có lúc oán hận người yêu thương mình bỏ bê tình cũ, "quất ngựa truy phong"...Giữa lúc cả hai đang lặng người sau câu chuyện Hai Khánh thì Quang cùng vợ con trở lại. Bà Thương chỉ vào Quang: "Thằng Hai nhà tôi đó, giọt máu của ông Khánh đó..." Bà nấc nghẹn, nhưng cầm lòng không khóc trước mặt con cháu. Bà Thắm sững người, tròn mắt ngắm nghía Quang. "Thằng cháu không hề biết chút gì sao?! Con ơi...con ra đời không biết mặt ba con, tội nghiệp!" Hai người đàn bà mỗi người mỗi bên vịn lấy vai Quang nức nở. Đêm đó, bà Thắm được đón về nghỉ một đêm với gia đình Quang. Suốt đêm, khi hai vợ chồng Quang về phòng riêng ngủ, hai người đàn bà có tuổi mới có được không gian riêng. Họ lại ràn rụa nước mắt nhớ về những ngày xưa cũ, nhớ về người đàn ông lành hiền đã khuất. Trong đêm, lời dặn dò rút ruột của dì Ba Hơn lại văng vẳng nhắc nhớ: "Rồi có lúc, có nơi con phải nói rõ cho thằng Hai biết ba nó là ai. Nếu theo được, còn phải dắt díu nó tìm kiếm ba nó..." Kể lại cuộc đời mình, kể lại di nguyện của Dì Ba cho bà Thắm nghe, bà Thương nói với bà Thắm: "Em sẽ tìm mọi cách đưa cháu nó ra thăm mộ ba nó, thắp cho ba nó nén nhang tạ lỗi không làm được sớm chuyện giúp ba con nó gặp nhau..."

       - Lỗi đâu phải của cô! Ngày đó, nếu cuộc sống yên ả, liên lạc thông suốt như bây giờ thì cô cậu đã thành thân được với nhau. Số phận như vậy, cuộc đời ai chả có lúc gặp chuyện trắc trở truân chuyên, xa lìa...Nhưng cô nói phải đó, mình đã đành rồi, nhưng con nó phải biết câu chuyện gốc gác đầu đuôi vậy để nó biết cha nó là ai và đã từng sống như thế nào?!...

       Sau cuộc gặp với bà Thắm hồi đó, khi có điều kiện sắp xếp được bà đã đưa được Hai Quang đến trước mộ người đàn ông của đời mình thắp nắm nhang thơm, đặt lên phần mộ những hoa quả đượm hương vị miền Tây nam bộ để ông yên lòng. Lặng người bên nấm mộ ốp đá, bà thì thầm rủ rỉ: "Ông Hai à, thằng hai của mình đó...Mình tha thứ cho em lỗi lầm đã có lúc trách cứ, day rứt mình vô tình, vô tri vô trách...Con nó đấy, mình ráng phù hộ độ trì cho vợ chồng con cái chúng nó. Từ nay, biết rõ về ba mình rồi, chắc nó sẽ yên lòng...!!!" Từ bữa đó, dần qua mỗi câu chuyện má kể lại Quang biết rõ cuộc đời gia đình mình, biết rõ người cha sinh thành và hứa chắc trong lòng nghĩa vụ cứ có dịp lại ra Bắc lại lên thắp nhang cho ba ruột...

       Nghĩ về câu chuyện má con trong nhà, bà kiểm lại từng việc và lờ mờ nhận ra cuộc đời bà và Hai Quang có vẻ như luôn được hai vong linh phù giúp. Dì Ba và ông Khánh. Họ đã ngày ngày dõi theo từng chặng đường sinh sống, từng biến động trên đường mưu sinh lập nghiệp của hai má con bà. Hai Quang tốt nghiệp đại học bằng ưu, được một cơ quan nghiên cứu cấp bộ có trụ sở đại diện tại Đà nẵng vào tận Đại học Cần thơ tuyển dụng. Thấy con có cơ hội tiến thân, bà theo con chuyển ra Đà nẵng. Sau vài năm công tác, Hai Quang tiến thân vững vàng được đào tạo sau đại học rồi có được học vị Thạc sĩ. Theo chính sách ưu đãi người làm công tác nghiên cứu khoa học của thành phố, anh chàng được cấp nhà ở. Cùng khu chung cư, bà được một cán bộ quân đội về hưu ngỏ lời tái duyên. Ông đang nuôi con một mình, bà vợ mất vì bạo bệnh đã gần chục năm, con ruột vừa tốt nghiệp Cao đẳng nghề...Thấy hoàn cảnh người đàn ông hiền lành đáng thương, lại gà trống nuôi con bà thuận lòng cùng ông "góp gạo thổi cơm". Họ không có thêm con cái vì đã ngót sáu mươi, còn ông cũng ngoài sáu mươi rồi. Kết đôi được dăm năm, họ nhượng lại căn hộ chung cư, chuyển về thị trấn đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn sinh sống. Út Trung, con riêng của ông ra nghề về làm cho một doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ ở đó...Sống được với nhau thêm dăm năm thì ông mất do vết thương cũ tái phát. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông ký thác lại với bà việc gây dựng gia thất cho con riêng. Bà buồn bã nhận lời, nói với vợ chồng Hai Quang việc mình sẽ ở bên Út Trung cho đến cuối đời, để các con cháu yên lòng sinh sống trong thành phố... Khi còn đi lại khỏe mạnh, bà vẫn qua lại chăm nom con cháu nhà Hai Quang, đồng thời lo lắng bảo bọc cho vợ chồng Út Trung. Vợ chồng Hai Quang hiểu ý bà, tôn trọng quyết định sinh sống riêng của bà muốn sống trong môi trường ngoại ô yên tĩnh. Nơi bà ở cùng vợ chồng thằng Út cách khá xa các xưởng chế tác đá mỹ nghệ nên không ồn ào, bụi bậm. Từ trung tâm thành phố vợ chồng Hai Quang đến với bà cũng chỉ vài chục phút xe buyt nội thành nên hai gia đình qua lại thăm nhau luôn. Bên nhà Út Trung trẻ mỏ còn nhỏ, lại đang học tiểu học và trung học cơ sở nên cần bà chăm nom nhiều hơn. Chế độ chính sách của ba Út Trung với ưu đãi sĩ quan quân đội về hưu, người có công và phụ cấp thương tật để lại cho bà và gia đình đủ để bà có một cuộc sống an yên. Hai Quang hàng tháng cũng dành ra một khoản tiền đưa sang biếu bà, nói để bà mở sổ tiết kiệm phòng thân cũng đem lại một khoản lãi thường niên cho bà. Bà bằng lòng yên sống vậy và lặng ngắm con cháu sinh sống ấm êm.

....



(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: