(Tiếp
theo)
…..
Lờ mờ nhận ra dần những vật dụng quanh
mình, thằng Đán biết mình không còn nằm trên bàn phẫu nữa. Gã đang nửa nằm, nửa
dựa lưng vào một chồng gối thật êm. Mở mắt, tấm gương trên tường trước mặt cho
thấy một cái đầu tóc cạo trọc lốc, khuôn mặt băng kín trắng toát chỉ đủ hở mắt,
mũi và miệng. Sát gốc cần cổ, một chiếc ống nhựa mềm đục qua đút sâu xuống tận
dạ dày. Nó đang lấy dinh dưỡng từ bên ngoài qua đường thực quản.
- Ông đã tỉnh rồi phải không. Không nên
mở miệng nói năng. Cần chi viết yêu cầu vào cuốn sổ nhỏ này. Việc tiêu tiểu của
ông đang được lấy ra qua đường các thiết bị chuyên dụng. Không đụng cựa quá
nhiều nghen.
Phía bên giường, khuôn mặt trái xoan
trắng trẻo của cô hộ lý ghé sát bên tai gã, giọng Sài Gòn nhỏ nhẹ.
- Ông Đốc - tờ đã tái tạo thành công
khuôn mặt cho ông. Sẽ phải làm quen với khuôn mặt mới đấy. Ngoài việc kéo dãn
da phẳng lại, có một phần da mặt của ông phải bù bằng một miếng da lấy từ dưới
mông. Sau khi tiếp nhận tốt, đốc tờ sẽ tháo hẳn băng gạc. Hàng ngày, tôi sẽ làm
thuốc và vệ sinh răng miệng cho ông. Hơi khó chịu chút đó, nhưng tôi nghĩ ông
có thể chịu đựng được. Cũng dễ quen thôi.
Thằng Đán cứ trong tình trạng như vậy mất
ba bốn ngày. Hai ngày tiếp theo làm thuốc bổ sung. Hôm nay, đầu giờ chiều sẽ
tháo băng. Vậy là hơn một tuần lễ đã trôi qua. Chiếc gương trên tường đã bị gỡ
đi từ lúc nào. Người bác sĩ tự tay mình tháo băng mặt cho gã. Không thấy đau
đớn gì. Lỗ xông dưới cổ đã đóng lại. Dây dợ, ống hút, các dụng cụ vệ sinh đã
tháo khỏi cơ thể gã từ đầu buổi sáng. Thằng Đán cảm nhận những cảm giác đầu
tiên về những chiếc răng hàm phải trở lại ở vết thương trong miệng.
- Ông thử nhìn mình trong tấm gương này
xem.
Chiếc bàn gương được đẩy tới phía cuối
giường. Trong tấm gương, một khuôn mặt nửa quen nửa lạ nhìn hắn. Mái đầu cạo
trọc đã lên tóc đinh. Khuôn mặt trông có vẻ vuông vức, cân đối với đôi mắt,
cánh mũi, khóe miệng quen thuộc. Quai hàm có vẻ như bạnh ra làm chiếc mũi, mồm
miệng trông gọn ghẽ ưa nhìn hơn trước. Thằng Đán sững người. Gã kia sao? Lại
còn có vẻ như trắng trẻo ra. Má phải nhìn kỹ mới thấy vùng trung tâm màu da hơi
nhợt hơn ở chung quanh. Trong khi góc má phía dưới màu da lại sẫm hơn góc trên
đôi chút, mặt da cũng không mỏng, mềm và bóng như các chỗ khác, nhất là so với
má bên trái. Gã biết rằng, chỗ đó đã được vá bằng miếng da lấy dưới mông lên,
lúc này băng dính và miếng gạc vẫn còn cồm cộm ở đó. Có phải hắn đã được sinh
ra lần nữa không nhỉ. Gã khẽ mấp máy môi, nói khẽ: "Tôi kia…phải không đốc
- tờ". Âm thanh từ vòm họng phát ra không méo mó nữa, mà có vẻ lại mềm ấm
hơn trước. Nước mắt gã trào ra. Hắn chưa bao giờ mơ được như thế này. Hơn bốn
mươi tuổi đầu, quá khứ có vẻ đang tách rời xa gã, bắt đầu từ ngay cái khuôn mặt
mới mẻ này.
Hai hôm sau, một chiếc xe hòm màu trắng
nhẹ nhàng ghé cửa Trạm tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm của xí nghiệp "Làng
tre" tại khu chợ Hoàng Hoa Thám. Không ai để ý đến người đàn ông bước
xuống từ trên xe trong bộ quần áo màu xẫm lịch lãm là lượt phẳng phiu. Cô kế
toán là người nhận ra thằng Đán đầu tiên với cử chỉ mồm chữ O mắt chữ Ô, nghẹn
mãi mới cất tiếng được: "Có phải anh Đán không đấy! Ối giời! Cả nhà ơi, ra
cả đây mà trông ông Đán này!" Mọi người đổ xô lại, ai nấy mặt mũi nửa tin
nửa ngờ. Chỉ đến khi gã mở mồm: "Vâng, tôi đây" thì mọi người mới
đồng thanh cùng ồ lên sửng sốt.
- Ai làm lại cho mày cái mặt bóng bẩy thế
này hả. Trông khá bảnh đấy. Mà có phải chúng tao mơ ngủ không nhỉ. Thằng Đường
hét tướng lên.
- Còn ai vào đây nữa, Đán mặt sẹo đây.
Trong cái tíu tít ồn ã, mọi người ngẩn ra
nghe gã "thổi bong bóng":
- Gia đình tôi có bà mợ bên ngoại vào
trong này cùng ông bà từ năm bốn mươi sáu. Họ hàng, gia đình ngoài Bắc tưởng
mất tích, thất lạc hay di tản mất rồi. Hôm rồi, có thằng con ông bác tới tìm
dẫn tôi tới gặp bả. Mợ cháu cứ ôm lấy nhau mà khóc. Thấy cái mặt tôi quá tệ, bả
bắt nằm lại thuê đôc tờ phẫu cho. Quá may. Mà thôi, mời cả nhà, chiều nay mình
qua quán ông Tư béo nhậu nghe! Coi như liên hoan mừng "cái…mặt mới"
của tôi. Bữa nay mình nhậu tới bến đấy.
Câu chuyện về cái mặt thằng Đán còn làm
nhộn cái hộ tập thể ấy đến cả tháng. Cuối năm, nhận được điện tín bố ốm nặng,
hắn ra Bắc rồi không thấy quay vào. Mọi người ở Trạm chuyền tai nhau mớ tin
nóng sốt: "Thằng Đán xin chuyển công tác sang cơ quan khác rồi. Thôi, thế
cũng mừng cho nó. Được gần vợ gần con!".
*
* *
- Nào, các em gái xinh tươi của tôi đâu
rồi nào!
Mấy căn phòng dưới tầng một nhao nhao dạ
ran. "Sếp về, sếp về đấy chúng mày ơi" "Nhanh lên! Lên xem sếp
cần gì nào!". Đám mấy cô kế toán, hành chính nối nhau vội vã lên phòng
họp.
- Ối giời! Sếp trông khỏe quá. Da dẻ đỏ
au, bóng bẩy! Mà sếp đi đợt này hơi lâu đấy!
- Sếp Phúc Kim hôm nay mặt mũi tươi tỉnh
thế. Quà Nha Trang đâu, hôm nay chúng em đòi nợ quà sếp đấy nhé.
Lão Đán bây giờ thường vẫn được đám cán
bộ nhân viên cấp dưới gọi là Phúc Kim, bằng cái tên được khai trong hồ sơ là bí
danh từ ngày mới chân ướt chân ráo bước về cơ quan này. Có mỗi cái tên ấy thôi
mà lão lăn tăn hàng tháng trời mới quyết lấy làm bí danh cho hợp với môi trường
công tác mới. Tra đủ thứ từ điển tiếng Việt, rồi Hán Việt tự điển, tự điển
chính tả…lão mới "gắp" được cái tên quý hóa ấy ra. Ai muốn hiểu sao
thì hiểu, hiểu là người có phúc quý như vàng, người được vàng giữ phúc, người
có phúc được vàng…đều được. Nghe nửa ta nửa tàu, lại cũng dễ kêu cầu, xưng tụng. Sau chiếc bàn họp, lão ngồi
đó vẫn cái dáng hai tay ôm lấy mang tai, mái đầu tóc bạc trắng xơ xác cũng
chẳng còn mấy sợi. Mấy năm gần đây, lão mắc chứng nấm tóc, nấm da chữa thế nào
cũng không khỏi, lúc nào da đầu cũng mốc lên, lan đến đâu tóc rụng đến đó. Vai
áo lúc nào cũng đầy những vụn trắng mốc thếch rơi xuống bám vào. Đám cán bộ
nhân viên cứ có ai lỡ phải ngồi bên cạnh, khôn hồn cứ từ từ nhích xa ra một
quãng vừa đủ để khỏi dính vào mấy thứ vẩy da gớm ghiếc ấy, lây bệnh có ngày.
Đám đàn bà con gái thì thôi rồi, rất chăm chú giữ cự ly vừa đủ để tay lão không
vơ, không chạm đến mình. Cái lối miệng nói, tay vỗ, tay vuốt của lão đám đàn bà
con gái trong cơ quan ai cũng từng bị với lão một hai lần rồi, hãi lắm. Vì thế,
cái bàn lão thường ngồi trong lúc họp hành lúc nào cũng vắng hoắc vắng hơ mình
lão, chẳng ai ngồi cùng.
- Tôi đã vận động được sự ủng hộ của Ủy
ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư quyết định cho phép trường ta xây tiếp
khu nhà đa năng phục vụ việc đào tạo về lâu dài và phù hợp với mục tiêu phát triển
lên cơ sở đào tạo cao đẳng. Chú hiệu phó cùng mấy cô hành chính, kế toán tài vụ
tiếp tục làm việc với các bên tài chính, bên công ty xây dựng trúng thầu đợt
mời thầu mấy tháng trước lo chuẩn bị động thổ để xây dựng. Bảo với cái thằng
Hợi, phó giám đốc công ty xây dựng Thanh Bình, các ràng buộc trách nhiệm giữa
hai bên cứ như trước mà làm. Toàn bộ công trình mình đã làm với họ như nhà hiệu
bộ, nhà giảng đường và các phòng học trước đây từng quan hệ thế nào nay vẫn
vậy, nói vậy là chúng nó hiểu. Công việc bắt đầu triển khai từ tuần này, cứ thế
mà làm.
- Bác quá giỏi! Em cứ tưởng không xong
được cái vụ này trong năm nay kia đấy.
Tay hiệu phó nịnh khéo. Cặp mắt trắng dã
của hắn mở to kính cẩn, trông cũng thấy rõ vẻ quỵ lụy, cúc cung tận tụy. Tuy
vậy, trong bụng hắn lại nghĩ: "Thằng dê già này quá đáo để, sống chết chạy
bằng được việc xây sướng nhà cửa. Chỉ còn ngót hai năm nữa là về hưu chứ mấy.
Thằng cha tính ăn tham, ăn mặn bữa cuối chầu đây. Đến lượt mình, chắc chỉ còn
mớ vỏ ốc!". Bụng nghĩ vậy, xong đôi môi thâm sì của hắn vẫn nặn được nụ
cười giả lả.
- Ô mà này, các chị ngắm kỹ xem kìa. Xếp
nhà mình lại thay răng mới rồi. Trông trẻ đến cả chục tuổi ấy chứ.
Cô tạp vụ nhanh nhảu phát hiện. Lão Phúc
Kim cười tươi, một bên mặt dãn ra hể hả:
- Trông được đấy chứ hả? Mất năm ngày
chầu chực đợi mỏi cổ mới xong đấy. May mà sếp Phó sở cũng muốn ở lại vui vẻ cho
hết tuần nên thày trò ở chơi Nha Trang được gần hai tuần. Hội nghị, hội thảo
chỉ mất khoảng ba ngày, hai ngày nữa dành để tham quan học tập mấy đơn vị tiên
tiến. Toàn bộ là răng sứ nghiêm. Khá tốn kém với bộ răng này đấy. Cô cậu nào
muốn răng đẹp lóng lánh thì cứ đi Nha Trang! Tôi còn giữ cái cạc - vi - dít của
tay bác sĩ nha khoa đây này. Tu nghiệp nước ngoài, có bằng cấp quốc tế hẳn hoi
nhá. Thôi, mời các cô các cậu về phòng cho, cô Xuân báo với nhà bếp chiều cho
tôi ăn cơm, tối nay tôi có mấy việc phải làm, nghỉ lại cơ quan không về nhà.
……
(Còn nữa)