NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

THỜI GIAN NHƯ "BÓNG CÂU"

        Trong sinh hoạt đời thường của người cao tuổi, việc nhớ về những năm tháng đã qua luôn là một thách thức đối với kí ức và tuổi tác. Khi chưa có điểm tựa công nghệ, mọi lưu giữ về thời gian đã qua chỉ trông mong vào trí nhớ và những ghi chép chữ nghĩa. Tuổi càng cao, trí nhớ suy giảm thì kí ức của thời đã qua bị cản trở với thói tật "quên quên, nhớ nhớ". Con trẻ chỉ biết trông cậy vào năng lực hồi nhớ của người cao tuổi để biết về những dấu mốc…"ngày xưa" của cha ông mình. Thật may mắn khi thế giới hiện đại đã cho con người vô số công cụ hữu ích không chỉ hình ảnh mà còn cả âm thanh về những câu chuyện trước đó cả hàng chục năm nhờ vào công nghệ ghi chép văn tự, âm thanh, hình ảnh…Và nhờ thế, kí ức xưa cũ, kỉ niệm qua từng năm tháng… đã có nhiêu phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giúp phục dựng lại những dấu ấn của thời gian đã qua. Nhưng cũng bởi vậy, sự tiếc nuối thời gian đã qua lại trở nên ngày càng sâu đậm, thách thức không chỉ với các sự kiện mà còn cả …với "sức khỏe tinh thần". Cá nhân con người không chỉ thấy tâm trạng 'bồi hồi" trước cảnh xưa người cũ, mà còn "day dứt khôn nguôi" khi thời gian trong "thế giới phẳng" được công nghệ hỗ trợ nhiều khi đến mức "nhẫn tâm", "dày vò" với những sự kiện, sự vật đã trôi qua bởi thời gian và tuổi tác. Và rồi càng hiểu rõ hơn quá khứ đã thách thức và rèn giũa đời sống con người, tâm trạng tình cảm đến đâu khi thấm thía câu "Thời gian như bóng câu ngoài cửa" (thời gian qua nhanh; thời gian như bóng câu qua khe cửa - thời gian qua nhanh như bạch mã lướt nhanh qua khe cửa).- (白驹过隙 Hán Việt: BẠCH CÂU QUÁ KHÍCH) (mời tra trên Google). Người Việt còn nói: “Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ”…Hoặc cảm thán đến mức "Chao ôi! Chỉ mới đó thôi! Vậy mà…". Tuổi càng cao, nỗi niềm này càng trở nên nặng nề trong tâm trí…

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

CÙNG ĐÓN XUÂN VỀ

          Năm Tân Sửu (2021) đang chậm rãi chuyển vận những giờ khắc cuối cùng trước khi "chuyển trạng thái" cho năm Nhâm Dần (2022). Tôi chắc còn nhiều con dân Việt khác đều chưa /không thể quen với khái niệm "bình thường mới" của Tết Việt. Mạch chảy truyền thống văn hóa Việt chắc cũng không tiếp nhận khái niệm này, dù lịch sử đã từng chuyển qua rất nhiều cung bậc trạng thái khác nhau: chiến tranh, hòa bình, giữ nước, dựng nước, rồi...đổi mới, hội nhập. Người Việt chỉ có một khái niệm "Tết" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Người già lo giữ nếp nhà, phong tục; người trẻ lo học hành, tu thân nuôi ước mơ phương trưởng, thành đạt... Khái niệm "bình thường mới" không nằm trong màu sắc hoa đào, hoa mai; trong văn hóa ẩm thực, mâm ngũ quả, tục thờ cúng gia tiên trước thềm năm mới....Hai năm liên tục, dịch bệnh có thể gây xáo trộn cuộc sống thường nhật, đe dọa tới sinh mệnh hàng triệu con người, gây bất ổn trong kiếm kế sinh nhai, gây tổn hại nặng nề cho thu nhập cá nhân, lãi lời buôn bán, thậm chí có thể đình đốn kinh tế...nhưng không thể làm "mất Tết" của người Việt. Tết vẫn là Tết, chỉ có thể to lên hay bé đi, vui nhiều vui ít, háo hức chờ đón hay "phập phồng" lo ngại. Vậy thôi. Xưa vào thời binh đao khói lửa, bom đạn cày xới chẳng thấy người Việt "hoãn Tết, bỏ Tết" bao giờ. Bởi tục lệ xưa vẫn còn đó, thóí quen "người già, con trẻ" thêm tuổi được mừng...vẫn vậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM - NGHĨ VỀ ĐẠO NGHĨA THẦY TRÒ

         Cổ nhân ta xưa từng có câu nói rất hay về việc học và đạo nghĩa thầy trò: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Điều răn lớn nhất của câu này là: Làm người, trước sau như một phải luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những ai đã (nuôi) dạy mình nên người, bởi có ai nên người mà không phải từ những điều đã được dạy, được học?...Trong cuộc sống của mỗi cá nhân ngày nay, việc học làm người, kể cả việc học chữ học nghề…đâu cũng là việc học. Và nhờ đó, quan hệ thày trò luôn được đề cao, ơn nghĩa với những người thầy đã từng dạy dỗ mình trong suốt cuộc đời của mọi thế hệ học trò đều được hiểu là "đạo nghĩa". Còn nói đến sự học thì việc học suốt đời luôn là quá trình theo đuổi không ngưng nghỉ, và nhờ thế cá nhân mỗi người thường được học với rất nhiều người thầy khác nhau. "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân"…Hồ Chí Minh từng có lời dạy mang tầm vóc "nhà văn hóa lớn" trong sự nghiệp của mình như vậy.

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

HOÀNG VĂN AN - TƯ HÌNH ẢNH MỘT NGƯỜI BẠN CÙNG HỌC CỦA TÔI.

            Cách thời điểm những dòng chữ này lên trang vài giờ, các bạn cùng học của tôi ở Hà nội đã đưa lên trang cá nhân của mình (Facebook) một bức ảnh chụp lại một kỷ niệm gặp gỡ đồng môn 5 năm trước của lứa bạn bè cùng học cấp III Hồng Quang (niên khóa 1964 - 1967) cư trú tại Hà nội. Các bạn đại diện cho Hội đồng môn cấp III Hồng Quang sống tại Hải Dương cũng góp mặt trong tấm ảnh này. Một bức ảnh thật đẹp, tươi mới và thân tình. Điều đặc biệt của tấm ảnh này là sự góp mặt của bạn Hoàng Văn An, thời điểm đó đang sinh sống tại thành phố Nha trang có dịp hội ngộ bạn bè nhân chuyến ra thăm Hà nội. Cũng thật đau lòng, Bạn Hoàng Văn An của chúng ta vừa chia biệt bạn bè ngày 29 tháng 3 năm 2021 (tức ngày 17 tháng 02 năm Tân Sửu) sau một thời gian dài chống chọi lại bạo bệnh, hưởng dương 73 tuổi. Thay mặt bạn bè cùng học, BLL Hội đồng môn tại Hải Dương đã đến dự lễ viếng và đưa tiễn bạn mình đến nơi yên nghỉ cuối cùng…Tấm ảnh đăng lên, bên những bình luận nhớ lại kỷ niệm năm năm trước, bạn bè cũng chia sẻ nỗi mất mát mới đây với gia đình, người thân bạn An, nỗi nhớ thương về một người bạn hiền lành, nhân hậu…Nỗi buồn đau thật sâu sắc, những sẻ chia thật chân thành!

          Ngày mai (16 tháng 5 năm 2021), Bà quả phụ Nguyễn Thị Dung cùng các con cháu, anh em trong nhà sẽ làm lễ cúng "Bốn mươi chín ngày" cho Bạn An của chúng ta. Được sự ủy quyền của gia đình, tôi xin chuyển lời cảm ơn của gia tang tới Ban liên lạc hội đồng môn, bạn bè thân hữu đã có mặt tại lễ viếng và chia sẻ nỗi mất mát thương đau của gia đình. Do tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp, lẽ ra đây là dịp bày tỏ sự cảm ơn và đáp lễ sự quan tâm chia sẻ của các ông, các bà bạn bè cùng học, thân hữu xa gần đã đến tiễn đưa ông An về với tiên tổ; song gia đình xin phép được thông cảm và thể thứ vì "lễ cúng Bốn mươi chín ngày" ông Hoàng Văn An sẽ được tiến hành trong khuôn khổ gia đình, tộc họ…Sau "lễ cúng Bốn chín ngày", di ảnh của ông Hoàng Văn An sẽ được gia đình đưa lên an vị tại Chùa Đông Thuần - 20 đại lộ Hồ Chí Minh, thành phố Hải dương.

          Bạn Hoàng Văn An, bạn hiền của anh chị em chúng tôi. Bạn thật gần gũi, Bạn đã có mặt thật đúng lúc trên trang cá nhân bạn bè cùng học trước thời khắc an lành chốn tiên phật. Hãy yên lòng, hãy thụ hưởng niềm an yên chốn cực lạc thanh bình. Mãi mãi, bạn còn hiện hữu trong nỗi nhớ và sự tin yêu của bạn bè cùng trang lứa. Mãi yên lòng, Bạn yêu! Chúng tôi yêu Bạn thật nhiều…



Hải dương, 15 tháng 5 năm 2021


Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

MỪNG NGÀY 8 THÁNG BA

        Liên tục hai năm liền, ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng Ba tưởng chừng bị lỗi nhịp vì đại dịch Covid 19. Dù vậy, trong khó khăn, dịch bệnh vai trò người Bà, người Mẹ, người vợ, người phụ nữ thảo hiền...luôn là nơi dựa yên bình, an toàn cho gia đình con cháu. Nhân ngày đặc biệt này xin giành những lời chúc tốt đẹp, thân thương nhất gửi đến các Cụ, các Bà, các Chị, các em và các con cháu...Mong các Cụ, các Bà, các Chị các em và con cháu luôn bền sức, bền lòng và luôn vui khỏe hạnh phúc bên gia đình và con cháu, phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu cùng cộng đồng và gia đình giữ mãi nếp nhà trong ấm ngoài êm...











Hải dương, 07/03/2021

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 29

(Tiếp theo và …hết)

….

       - Má à! Mấy bữa nay má ổn chứ má?!

       - Thằng Hai đó à con. Mấy hôm rày nghe có sức nhiều con à. Khá lắm rồi. Thế má con sắp nhỏ đâu, không về chơi thăm nội cùng thằng Hai sao?! Vài tháng rồi ít gặp thấy nhớ hung rồi…

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 28

(Tiếp theo kỳ trước)

       Kia, họ kia rồi. Giữa khuôn cửa buồng thang máy dẫn xuống không gian khu vực "Tư vấn và hướng dẫn y tế" của bệnh viện Huyết học truyền máu ở tầng một, lần lượt thấy một cô điều dưỡng viên nhẹ bước dẫn Nhàn và bà Thảo bước ra. Ngay sau đó là giáo sư Khương trong bộ blu trắng quen thuộc, bên cạnh còn có Thành chồng Nhàn với vẻ mặt tươi tắn mãn nguyện. Sơn và Quang bước vội tới đón. Họ đợi ở đây từ đầu giờ làm việc buổi sáng. Từ ca trực đêm tại bệnh viện Đại học y Sơn đến khá sớm, còn Quang đến sau đôi chút trên chiếc taxi công nghệ. Nhàn được ra viện đúng dịp Quang đi cùng lãnh đạo đơn vị có mặt dự tổng kết cuối năm của cơ quan Bộ. Họp thì xong rồi, nhưng được Sơn báo trước hai ngày nên Quang nán lại Hà nội để cùng Sơn đến chúc mừng Nhàn và gia đình. Tâm trạng Quang hồi hộp chờ đợi, vòng tay ôm bó hoa hồng nhung còn đọng vài giọt nước lấm tấm bắt sáng lóng lánh mua từ một cửa hàng hoa tươi gần đó khẽ run lên. Đây là lần đầu anh được giáp mặt gia đình và người thân của Nhàn. Khuôn mặt của Nhàn thật hồn hậu, tươi trẻ, da dẻ hồng hào tươi tắn để mộc không trang điểm trông giản dị dễ gần. Bà Thảo cũng vậy, miệng cười tươi an yên lành hiền. Hơi sững người trước bó hoa đẹp trong tay người đàn ông lạ, bà chợt khẽ hỏi Sơn: "Đây là Quang sao cháu?!..."

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

Kỳ 27

(Tiếp theo kỳ trước)

….

       Tối khuya, Thanh Hương chỉ quấn quanh người tấm khăn tắm rộng mềm mại loay hoay dọn giường ngủ. Vợ chồng cô vẫn thế, cứ tắm xong trước giờ nghỉ đêm thế này chỉ choàng thêm tấm khăn bên ngoài rồi "lượn" khắp nhà. Căn hộ trên tầng tám chung cư rộng rãi tới 70 m2 ở khu Trung hòa - Nhân chính này chỉ trần có hai người lớn với nhau mà có đến ba phòng. Con cái chưa có nên họ sinh hoạt với nhau thật thoải mái. "Tự do muôn năm!", hứng lên Sơn thường hét toáng lên như vậy. Sau đó lại vờ "mếu máo"…"dưng mà buồn đến cô ni". Mỗi khi như vậy, hai vợ chồng chợt chùng xuống thoáng buồn rồi sau đó lại trêu chọc nhau cho…quên!

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

"TẾ BÀO GỐC" (TRUYỆN) - BÌNH DƯƠNG

 Kỳ 26

(Tiếp theo kỳ trước)

….

       Cuối tuần lễ đó, Quang điện lại cho Sơn và xin đặt lịch hẹn với giáo sư Khương. Với năm ngày phép năm, anh bay ra Hà nội. Không phải chờ đợi lâu, ngay hôm sau anh được Sơn đón tại phòng làm việc của mình ở Bệnh viện Đại học Y. Tại đó, anh và Sơn được gặp giáo sư Khương khoảng hơn ba mươi phút.