NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)

........(Tiếp theo)
       Trận mưa hồi đêm chỉ dứt cơn giận dữ ầm ào khi bình minh ló rạng. Rừng núi ướt đẫm nước. Quần áo bốc ẩm hôi rình. Không một tiếng trao qua đổi lại, chỉ thấy tiếng bước chân nhóp nhép úng sũng trong đôi giày bộ đội bó chặt. Chiếc mũ cối trên đầu cũng hóa nặng trịch. Đoàn quân đã tiếp tục chuyển động được vài tiếng. Bị dựng dậy giữa cơn mưa như trút, bộ đội được lệnh hành quân tiếp. Vùng đất lạ lẫm không biết tên- mà có tên đám lính mới cũng không được biết. Gọi là lính mới là mới theo quân ngũ, chứ ngoài đám lính trẻ mới bổ sung tháng trước, bọn thằng Đán cũng kể như đã là cánh cựu trào. Mới hai tháng trước, đoàn quân rời con sông vạm vỡ đi sâu vào những cánh rừng Trường Sơn xen giữa vô vàn đèo cao dốc hiểm. Họ cứ ngày đi, đêm nghỉ. Hết leo ngược lên dốc đá trơn trượt, lại đổ xuống đèo dốc cheo leo. Sau khi đã phiên chế lại cơ ngũ, đơn vị cũ của gã nay chỉ còn dăm mươi người. A8, B5, C7,D2, E141 dãy ký tự dài dằng dặc này là phiên hiệu mới của họ. Lính cũ, lính mới làm quen dần với nhau. Đám cũ, như bọn thằng Đán chủ yếu là công nhân, nhân viên cơ quan được gọi nhập ngũ. Đám mới, trông trí thức hơn nhiều. Họ sôi động, trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Họ là sinh viên đại học. Chia tay với bạn bè cùng học ở giảng đường, họ lên đường khi vừa kết thúc năm thứ ba ở các trường đại học. Chạm vào khó khăn của người lính thời chiến mà họ vẫn rất mơ mộng, yêu đời. Có lẽ lối sống tập thể dưới mái trường đại học đã sớm rèn luyện và cố kết họ lại. Tươi trẻ, tràn đầy nhựa sống, họ háo hức đem tuổi xuân vào chiến trường, lúc nào cũng mơ đến ngày chiến thắng trở về để học tiếp, đi tiếp con đường học vấn. Sống giữa họ, đám lính cũ như thằng Đán trông như những đứa trẻ lớn gộc mà tâm tính lại già nua. Đám sinh viên, thân mật gọi họ là anh,  các "anh trai". Lúc tếu táo, lại kính cẩn gọi là "các quan bác", các "cụ lính" dù chỉ chênh nhau dăm ba tuổi. Có đám lính trẻ, đám lính cựu ra chừng đạo mạo, "lên lão" sớm. Song quen nhau rồi, đám lính cũ bị cuốn vào cái náo nức cống hiến của bọn trẻ lúc nào không biết nữa. Bắt đầu đã có những thân mật đồng đội. Vài "quan anh" bắt bạn được với đồng hương cũng nhộn lên. Mở miệng là "ới đồng hương, đồng khói à!", rồi "nào, dân quê mình đâu nào!", "quê tớ ấy à, gái đẹp phải biết nhá, có đúng không ông lão hàng xóm?!". "Cậu nào ở Hà Tây cho tớ nhận đồng hương nào!". "Ối giời! Gái Hà tây ngực lây mông lở đây. Quý hóa quá, đồng hương ơi."  Tình đồng ngũ trải qua từng ngày, từng bước hành quân, từng buổi sinh hoạt tập thể gắn họ lại với nhau. Nỗi nhớ nhà nguôi dần, mọi người coi nhau như anh em trong nhà. Giữa chặng nghỉ ngắn ngủi, tiếng thì thào chuyện vặt cứ là nhặng xị lên.
       - Ngữ này, đằng ấy học chế tạo máy chắc khó lắm phải không?
       - Vâng, bọn em học nặng lắm, đại học Bách khoa mà. Mỗi năm hàng trăm tiết toán, lý. Có những môn học cứ lên đến giảng đường là ngợp rồi. Những kết cấu máy, cơ học, động lực học, rồi nào là kết cấu kim loại, chi tiết máy, vẽ cơ khí…. Rồi tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, triết học, chính trị kinh tế học cứ là chất chồng ngập cổ. Có thằng đêm ngủ nói mớ tiếng nước ngoài nhau nháu, tây không ra tây, ta không ra ta. Thế mà lên lớp, thày hỏi bằng tiếng Nga trong giờ hội thoại, mặt cứ đần dại ra "câm văn tịt"?!. "Bốn năm là tám lần thi, một lần tốt nghiệp còn gì là xuân!". Giờ ở đây, trên đường vào chiến trường thế này, em lại nhớ trường hơn nhớ nhà. Lũ bạn em, hồi em nhập ngũ, có thằng vào giờ đưa tiễn bọn em mà khóc rống lên như trẻ nít. Có đứa, lấy máu viết đơn tình nguyện mà không được gọi nhập ngũ ủ rũ hàng mấy tuần giời, trông héo hắt còn hơn cả thất tình. Lũ con gái, đứa nào có người yêu nhập ngũ thì mọng mắt vì khóc, nhưng đến giờ bọn em lên đường lại trốn biến không thấy mặt. Sợ "người êu" yếu vía không đi được.
       - Chẳng bù cho tớ, học chày vảy không lên được cấp ba, chăn trâu cắt cỏ, cầm cày theo đít trâu mãi mới đi được công nhân. Làm cái chân chiếu bóng lưu động đang yên chỗ thì vào đây.
       - Ối giời! Ông anh sao mà sướng thế. Suốt ngày phim ảnh. Này, thế là dân "nghệ" đấy nhé. Em nhớ học suốt ba năm đại học mà mỗi năm chỉ được xem phim đâu có vài ba lần. Em thích "Thép đã tôi thế đấy", thích "Sông Đông êm đềm", "Đội cận vệ thanh niên", "Số  phận một con người", "Bài ca sư phạm". Thích "Bạch mao nữ", "Hoa mộc lan"…Học ở Hà nội thì xem phim rạp ở "Công nhân", "Tháng Tám", "Đại đồng", "Dân chủ"…Chỉ hồi đi sơ tán mới được xem chiếu bóng bãi. Xem chiếu bóng bãi thế mà lại sướng hơn xem rạp. Còn vui hơn họp chợ phiên.
       Được khen, thằng Đán phởn chí kể chuyện về nghề của gã như thể chưa bao giờ thấy đời thằng công nhân chiếu bóng lại vinh hanh đến thế. Chuyện lang thang khắp thôn, xóm hết xã này đến xã khác. Chuyện về những buổi chiếu bóng ngoài trời đông cả nút người. Chuyện về những cô  gái quê mê tài kể chuyện của chàng chiếu phim đến mức bỏ cả nhà đi theo xin làm chân cấp dưỡng…
       Trong đêm, giữa chặng nghỉ hiếm hoi, thằng Đán thì thào hể hả kể chuyện trước mấy cặp mắt mở tròn xếp dẹt háo hức của đám lính trẻ "học đường". Giữa lô xô tăng võng, đám lính nghỉ đêm rầm rì tán chuyện nhà, chuyện quê. Vùng quê heo hút của thằng Đán cứ luẩn quẩn trước mắt gã. Giờ thì gã không còn ứa nước mắt nước mũi nhớ nhà nữa, nhưng ngực lại trĩu nặng nỗi nhớ bố mẹ, gia đình, nhớ đội chiếu bóng của gã. Hình ảnh anh Thông, đứa em gái, cục xà phòng thơm gói vội giữa lớp giấy đánh máy thuyết minh phim anh Thông giúi cho trước giờ xe chạy cứ nhoang nhoáng ướt trước mắt gã. Nghĩ đến anh Thông, nó lại nhớ cái cách anh rèn dập nó khi mới bước vào nghề. Bát cháo hành nóng nấu vội đổ cho nó chặp ốm lăn ốm lóc sau đêm chiếu bên đò Hội huyện Hà. Mới đó mà đã xa lắc…
       Đêm như lặng đi giữa tán rừng lạ lẫm. Phía trước là con đường chiến trận. Những người lính nín lặng chờ đợi giờ phút tiến vào vùng đất ồn ào tiếng súng tiếng bom. Họ tận dụng những khoảnh khắc im lặng rừng già để ôm ấp kỷ niệm, mơ hồ tách ra từ màn đêm những khuôn mặt người thân chập chờn đâu đó nơi phía sau trận chiến. Họ chưa hình dung được những ngày sắp tới ra sao, song cũng từng trải quá nhiều những vất vả đã qua trên đường ra mặt trận. Phút yên ắng trước mũi tên hòn đạn tưởng như  mãi dài ra. Phía xa, tiếng ầm ì đâu đó của đường xe ra tiền tuyến vọng về. Họ đã ở rất gần sự cuồng nộ của hận thù bom đạn.
......
(Còn nữa)

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


…..(Tiếp theo)
       - Lệnh của tiểu đoàn trưởng! Cán bộ chiến sĩ xuống tàu, nhanh chóng tập kết thành từng tiểu đội. Theo hướng dẫn của cán bộ địa phương, nhận chỗ nghỉ đêm tại nơi đóng quân. Chú ý thực hiện nghiêm nguyên tắc bí mật, giữ gìn quan hệ quân dân. Lệnh tiếp theo sẽ được truyền đạt qua liên lạc đại đội.
       Trong đêm, giữa sân ga dã chiến vắng lặng, thằng Đán theo mọi người "miệng cắm tăm, chân bước êm" tập hợp thành từng tiểu đội tác chiến. Không nghe thấy tiếng thì thào bàn tán, chỉ thấy tiếng va chạm hết sức ghìm nén của quân trang, quân dụng. Bóng cán bộ, nhân dân địa phương lố nhố, thoăn thoắt đi lại nhận quân, dẫn đi. Chỉ đoán vụng với nhau rằng đang ở trên đất quân khu Bốn qua tiếng địa phương nằng nặng, nghe lạ tai. Tới địa điểm đóng quân thì đã gần hai giờ sáng. Cùng với hai người bạn đồng ngũ, thằng Đán nhận một chỗ nghỉ trên chiếc giường kê tạm bởi sáu tấm ván dày dặn. Nhanh chóng mắc màn, trải chiếu, thu gọn ba lô súng ống, mấy đứa lên giường lặng lẽ. Căn nhà ba gian hai chái lờ mờ vật dụng ít ỏi dưới ánh đèn hột vịt vặn thật nhỏ. Đêm muộn, cũng chẳng kịp nhìn mặt gia chủ. Nằm đấy, nhưng khi mấy đồng đội đặt lưng là đứa ngáy, đứa khụt khịt ngủ ngay thì thằng Đán mắt cứ thô lố, không ngủ được. Nỗi nhớ nhà ập đến, nước mắt nó ứa ra. Đầu óc nghĩ trở ngược về mấy tháng trước….
       Từ lúc rời khỏi phố núi sang huyện Hà, thằng Đán đã làm công nhân chiếu bóng lưu động được vài bốn năm. Mọi thứ xuôi chèo mát mái, bố nó tưởng đã êm việc. Đùng một cái, thằng Đán có giấy gọi nhập ngũ. Ông trưởng phòng tổ chức Quốc doanh chiếu bóng tỉnh gọi đích danh nó lên thị xã. Bước chân vào ngôi nhà cũ hỉn, tối om trên con phố Tàu chật chội, thằng Đán lúc đầu không biết chuyện gì sắp đến. Nó lách qua con ngõ chật hẹp để vào khu vực phía sau, nơi có phòng hành chính quản trị của cơ quan quốc doanh. Dưới ánh sáng lờ nhờ của căn phòng được rọi xuống từ tấm kính gài lẫn giữa các hàng ngói ống trên mái, nó chỉ kịp ậm ạ chào người đàn ông bên chiếc bàn ngổn ngang đầy giấy tờ.   
       - Anh là anh Đán công nhân chiếu bóng lưu động khu Nam, huyện Hà? Anh có giấy gọi nhập ngũ. Theo quy định, anh được nghỉ 5 ngày để bàn giao công việc với Đội và nghỉ ngơi chia tay với gia đình. Ngày hai mươi tháng này, anh phải có mặt trên Quốc doanh để Ban chỉ huy quân sự tỉnh tiếp thu, phiên chế. Nhớ có mặt đúng giờ. Đây là giấy gọi nhập ngũ, giấy thôi trả lương, giấy tạm ứng lương tháng này cộng chi phí đi đường theo chế độ và giấy báo tập trung của đơn vị mới. Anh qua bên kế toán tài vụ làm việc với họ để nhận các tiêu chuẩn được hưởng. Việc chỉ có thế, nếu không có thắc mắc gì anh có thể về.
       Chỉ vậy thôi. Thằng Đán ra đến ngoài phố mà tay cầm tấm giấy gọi nhập ngũ cứ run bần bật. Dọc đường về, gần như không nghĩ được cái gì cho ra hồn, nó chỉ tìm được một "ý khôn" là ghé qua cơ quan bố nó trước.
       - Cứ theo lời ông lang Mỡi ở làng, thì mạng số mày đã không ra gì từ lúc lọt lòng. Tao biết chuyện này thế nào rồi cũng xảy ra. Nơi tao lo lót cho mày là để ở quê người ta không đưa mày đi nghĩa vụ. Nhưng ở cơ quan mày thì tao chịu. Đang chiến trận ầm ã ở Quảng Trị, nam Lào kia. Nước này thì phải đi thôi, con ạ! Đi đi đã, để tao xem có cách nào lo chạy được cho mày không phải vào chiến trường không. Giờ thì về đội trả đồ đoàn và nhận các thủ tục, chính sách. Sau đó về nhà thăm bu mày và các em. Khi đi, không phải qua đây nữa. Nói với bu mày không phải đợi tao về. Hôm nào trên tỉnh nhận quân, nếu thu xếp được, tao sẽ tới.
       Ông Kính nói vậy chứ hôm nó về Quốc doanh tập trung để giao quân thì bố nó không có mặt. Chắc ông không muốn bịn rịn với nó. Cả nhà, chỉ có đứa em gái, vừa học hết cấp hai sắp đi trung cấp sư phạm trên tỉnh là theo anh đến địa điểm nhập ngũ. Duy có điều làm nó bất ngờ là, trước lúc chiếc xe quân sự chuyển bánh, gã nhìn ra anh Thông "béo" giữa đám người lố nhố dưới đường. Thấy thằng Đán hua hua tay, anh nhào tới, dúi vội vào tay nó gói giấy nhỏ nắn cưng cứng. Miệng nói vội :"Anh chúc chú mày ra đi chân cứng đá mềm!" mồm cười nụ như mếu. Lần đầu tiên trong đời, thằng Đán thấy mắt mình cay cay. Gạt vội giọt nước mắt chực rớt xuống, nó lắp bắp "Em cám ơn Anh!". Xe chuyển bánh. Giữa đám đông bên đường, hình ảnh anh Thông và con em gái đứng bên nhau vẫy với theo chỉ chực muốn kéo gã nhào xuống, chạy trở lại. Giở gói giấy nhỏ anh Thông gúi cho, nó nhìn thấy cục xà phòng thơm "Hoa hồng". Thứ đồ hết sức sa xỉ lúc đó. Nước mắt nó lại chực trào ra.
        Chia tay nháo nhào với người thân sau buổi giao quân, thằng Đán theo đơn vị đi thẳng ra ga lên tàu và bây giờ nằm đây. Nghe nói đơn vị vừa đi vừa huấn luyện để kịp phiên chế với quân đoàn. Cứ "binh tình" này, nó biết bố nó chẳng kịp làm điều gì cho nó được. Vừa hành quân, vừa làm quen với nghiệp lính. Nghe mấy đứa "hóng hớt" thì cứ thế này chẳng mấy mà "vô", mà là B dài đấy.
       Sáng sớm, vừa mắt nhắm mắt mở đã thấy điểm danh. Chưa kịp ngó kỹ chỗ trọ đêm qua, có lệnh "Chuẩn bị hành quân gấp!". Thằng Đán chỉ kịp quay mặt về phía đông, gọi thầm: "Thày u ơi, con vào chiến trường đây. Chào cả nhà!". Đoàn quân rời khỏi nơi vừa đến, nhanh chóng chuyển đi. Hành quân bộ, với ba lô và vũ khí trên vai. Toàn bộ quân trang, quân dụng gần bốn chục ký. Nghe loáng thoáng mấy thằng ngủ chung gường hôm trước kháo nhau "Đêm qua mấy thằng mình nằm trên tấm hậu sự của cụ chủ. Hãi bỏ mẹ!". Bắt đầu từ hôm đó, thằng Đán mới thật sự nếm trải nỗi vất vả của người lính bước vào nơi chiến trận. Dù vậy, cũng không biết từ lúc nào nữa, lúc cất bước lên đường hành quân, trong đầu thằng Đán đã len lỏi sự tính toán: "Biết khi nào đi ngược lại phía sau đây? Hay…"
       Cuộc hành quân kéo dài ròng rã gần hai tháng. Bộ đội ngày đi, đêm nghỉ. Đang thời gian bọn Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, đoàn quân cứ thế mải miết đi. Gió nóng, dân địa phương gọi là "gió phơn" chỉ chưa hết ngày đã làm héo vàng quắt lá ngụy trang. Mồ hôi hết ướt lại khô để lại trên mình mẩy một thứ cảm giác khô nhám không ra nhám, ướt không ra ướt. Vuốt đến đâu, thịt da như xoa cát đến đó. Chiều xuống, khi tắt hẳn nắng rát rồi mà trời vẫn còn đỏ hực. Dừng chân là kiếm chỗ dội nước. Nước ruộng, nước mương máng đều dùng hết, bất kể trong đục, sạch bẩn. Cứ có nước là dội đã, dội như muốn cố làm trôi nắng gió miền Trung đi mà đâu có được. Vừa dội xong, lại đã thấy da khô như muốn bóc vỏ. Mắt đứa nào đứa ấy mọng lên, sưng không ra sưng mà con ngươi chỉ chực muốn lồi ra ngoài tròng. Hai bàn chân hết bong tróc, lại phồng rộp, chai sần, sứt sẹo. Đôi vai ê ẩm, chỉ có chiếc ba lô, bao tượng gạo rồi xẻng, cuốc xà beng thìa và khẩu súng thôi mà sao nặng hơn đeo đá. Đã thế, quai khẩu "K bốn bốn" cứ siết hằn xuống vai ngày lại  ngày như dao cứa. Đến chỗ nghỉ, có thằng quăng cả người và mọi thứ trên người xuống đất đánh "huỵch", chân tay dãng ngang. Chẳng biết đau biết bẩn sạch là gì sất, chỉ cốt được nằm xõa chân xõa tay cho dãn cơn mệt. Đến ăn cũng nhếu nháo nuốt cho nhanh, bữa nào cũng có canh nhưng cứ gọi là húp canh trước cái đã, cơm nuốt vo sau. Đêm xuống, lăn người ra là thiếp đi, người bải hoải chẳng thiết làm gì. Song kỷ luật quân đội lại ép siết mỗi lúc mỗi chặt. Tối nào cũng sinh hoạt tiểu đội, đến mức có thằng miệng vừa báo "có mặt" mắt đã chực nhíp chặt rồi. Trong nỗi nhớ nhà đâu đó, thằng Đán lại nhớ chiếc xe  kéo bánh hơi và con bò cái già của đội chiếu bóng lưu động. Đối với nó lúc này, những tháng ngày lang thang, "vãi đám" khắp huyện Hà trước đây tưởng xa lắc xa lơ mà thật đáng mơ ước.
       Ngày qua ngày, cái vất vả gấp gáp cũng bắt các chú tân binh phải quen dần. Các kiểu mệt mỏi mất dần, mồm miệng bắt đầu đóng mở tếu táo. Số cây số đi bộ từng chặng bắt đầu dài ra, nhịp nghỉ giữa chừng cũng bắt đầu ngắn lại. Đầu óc quen dần với việc "đi và đi", chẳng còn hơi sức đâu mà nhớ nhà nhớ thày u nữa. Cho đến bữa đoàn quân tấp đến bên dòng sông rộng giữa đôi bên rừng núi chập chùng thì mọi người mới biết rằng, chỉ qua một lần chuyển quân nữa thôi bằng thuyền, núi rừng Trường Sơn sẽ tiếp nhận họ. Đi bộ rã rời, song chưa có ai trong đám lính trẻ nghĩ được rằng, họ còn phải leo núi nữa. Chưa leo núi, cán bộ đã báo trước "Khổ và mất sức gấp trăm lần đoạn đi bộ đã qua". Bên bờ con sông nước cuồn cuộn xám ngoét, lần đầu tiên sau chừng ấy ngày hành quân bộ, đám lính khu Ba được nghỉ ngơi ít ngày. Còn phải qua một đợt chỉnh cán rèn quân với vũ khí nữa, chờ lớp tân binh phía ngoài vào thêm, trung đoàn mới hợp quân để đi tiếp.
*

*    *
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


.....(Tiếp theo kỳ trước)       
          Thằng Tĩnh vốn là cái kết quả có phần hối hận của bố nó sau cái vụ đánh vợ làm trụy đi cái thai đầu năm nào. Cái sự cố trời đánh ấy của thằng Đán làm cho ông Kính, bố sau đó bệnh mất mấy tháng trời. Mặt mũi hóp xuống, lúc nào cũng thấy ôm ngực vuốt lên vuốt xuống như muốn nuốt trôi cục máu "thất đức" mà thằng con mất dạy gây nên cho cái sinh linh bé nhỏ mới nhú mầm phải oan ức không có ngày thành hình hài cho dòng họ gia tộc này. Dễ đến nửa năm, thằng Đán mới mò về vái lạy ông già tha tội, và sang bên ông bà nhạc đón con Xoan về dưỡng thuốc. Suốt mấy tháng trời tự hành hạ bằng công việc đập đá hùng hục, về nhà vào một buổi chiều nhập nhoạng tối. Đôi tay đầy chai,  sần sẹo. Khuôn mặt dãi dầu nắng gió trông như quắt lại, má hõm sâu với vết sẹo khủng khiếp trông dị dạng hẳn. Đôi mắt tối sẫm, miệng mím chặt lí nhí xin bố tha lỗi, hứa sẽ đối xử với vợ con tử tế, đúng phận. Từ nay, thi thoảng sẽ về thăm nhà, bằng lòng với công việc vất vả đã chọn, mong có được một công việc khả dĩ với chút lương đủ ăn, khỏi cái tiếng ăn bám váy vợ và mâm cơm của bà mẹ hàng ngày. Dù rất giận thằng con khùng dại, ông Kính cũng lại không nói không rằng, chỉ thắp thêm nén nhang trên bàn thờ có ý xin lỗi tổ tiên vì đã không dạy dỗ nó được như mong muốn. Nửa năm sau, vợ thằng Đán mang bầu lại. Chuyện đẻ đái của vợ thằng Đán xuôi chèo mát mái. Ông Kính có đứa cháu đích tôn, thái độ đối với thằng con nhờ thế bớt đi phần nào chút ghẻ lạnh. Ông không về nhà thưa thớt như trước, mà có vẻ siêng năng đi về hơn. Thằng cháu có vẻ làm cho ông nó vui lên đôi chút. 
       Công việc tại mỏ đá làm cho thằng Đán đàn ông hơn so với những ngày tháng vật vờ bên chiếc máy may của vợ. Ngày lại ngày, chỉ một búa một choòng cùng đám công nhân khai thác đá, gã cố gắng mãi cũng thành quen với chỉ tiêu mỗi ngày công nửa khối đá hộc mà xí nghiệp khoán cho. Đêm xuống, hết một ngày làm việc hùng hục, gã lăn ra ngủ mê mệt như mọi người. Lán trại công nhân khai thác đá cũng đơn sơ. Hai hàng sạp tre chạy dài theo vách lán làm giường, chỉ có phân biệt người nằm bằng từng chiếc chiếu giăng màn cá nhân do xí nghiệp cấp phát. Đầu chiếu mỗi người sang thì hòm sắt, xoàng thì hòm gỗ tạp, không hòm xiểng thì ba lô, tay đẫy…chứa đồ dùng cá nhân tối thiểu. Quần áo bảo hộ mỗi năm hai bộ, kèm theo là chiếc mũ cứng và đôi găng tay dày cộp. Hồi mới làm, thằng Đán còn cất giữ áo quần tính bán bớt lấy tiền, sau rồi nắng rát, mưa lạnh quá cũng đem ra mặc tất. Bộ quần áo nào cũng mồ hôi đóng muối trắng xóa, dày cộp. Bụi đá vụn thành bột ngày ngày ngấm theo mồ hôi bết trên da xám ngoét. Tay chân hồi đầu còn tướp da, chằng chịt vết cắt xước rướm máu, lâu dần thành sẹo thành chai trông gã cũng lam lũ như mọi người. Lương tháng bốn mươi hai đồng, gạo ăn hai mốt cân, khéo lắm cũng chỉ dư được gần chục bạc tiêu vặt. Gã cũng không tiêu pha mấy, chỉ lo găm tiền giắt thắt lưng. Mà cái chốn thâm sơn cùng cốc của mỏ đá này có chợ búa gì đâu mà mua sắm. Từ xí nghiệp tới chợ huyện còn xa gần gấp đôi đường về nhà gã. Vài ba tháng về thăm vợ con một bữa, gã cũng có đôi chục bạc giúi cho vợ thêm cặp tiêu pha. Bạn bè ở nơi làm việc cùng thằng Đán cũng không có quan hệ nhiều. Gã sống khép kín, lầm lì, im lặng. Trong đám công nhân cùng xí nghiệp, cũng có vài tay từng đi chiến trường. Song người thì giải ngũ do bệnh tật, người thì lạc đơn vị rồi không được thu dung để ghép với các phiên hiệu mới được thu gom tại các chiến trường nên cho giải ngũ về địa phương, có người tình nguyện chuyển ngành về làm công nhân khai thác đá. Số còn lại, đa phần không đủ điều kiện sức khỏe nhập ngũ, hoặc có bệnh kinh niên mãn tính hay thành phần lý lịch không thích hợp. Trong cái tập thể ấy, chẳng ai tò mò dò hỏi ai điều gì về cá nhân nên thằng Đán cũng không mấy bị quấy rầy, hỏi han. Gã yên tâm vì điều đó và ngày lại ngày vắt mồ hôi đổi lấy đồng lương ăn đấu làm khoán, chí ít cũng nuôi đủ cái thân gã.
       Đến khi thằng Tĩnh - đứa cháu đích tôn tròn ba tuổi, ông Kính lại một lần nữa lo "chạy" được cho gã chuyển việc đến một xí nghiệp gốm, thủy tinh của tỉnh đóng tại một huyện khác, cách nhà gần bốn chục cây số. Lần này, thằng Đán không còn phải vật vã lao động chân tay nữa, nó được ông lo cho một chân trong phòng hành chính của xí nghiệp, làm nhân viên lao động tiền lương. Ba tháng học nghề mới, cuộc đời thằng Đán có vẻ bước ngoặt vào một ngã rẽ khác. Lần đầu tiên kể từ khi cho thằng con đi thoát li lần đầu, ông Kính có một buổi ngồi với con. Ông truyền cho nó những mưu cao kế sâu của người từng trải việc chạy chọt các cửa mà ông đã ngậm răng làm cho nó. Không biết hai bố con nói với nhau những gì, vợ thằng Đán chỉ thoảng nghe được câu cuối: "Từ nay, phận nhà anh, anh lo. Tôi chỉ làm được đến thế thôi đấy. Năm nay anh cũng hơn ba chục tuổi đầu rồi, "tam thập nhi lập" các cụ ngày xưa từng dạy thế. Liều liệu mà tính, không ai sống thay cho nhà anh mãi được". Điều mà thằng Đán mãi sau này mới biết, là hồ sơ lý lịch của nó đã được ông Kính lo có người "sửa lỗi" cho cũng sạch sẽ hẳn. Thậm chí, đến khai sinh cũng sửa được, nó "trẻ thêm" được những… 4 tuổi.
........
(Còn tiếp) 
*
*       *

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)



       ……(Tiếp theo kỳ trước)
       Có tiếng động khẽ. Rất khẽ. Hé mắt, lão Đán thấy thằng con len lén rời chỗ. Thằng ôn con chắc đói chịu không nổi nữa rồi. Giá như cái lúc nó mới về, mặt mũi đói vàng ra, lão để nó dằn bụng vài bát mì nấu vội thì tướng tá nó đâu có thảm hại đến vậy. Bụng lão chợt quặn lên. Chút tình máu mủ ẩn đâu đó trong lòng đang hành hạ lão. Nó về giờ trước, giờ sau cái trát sét đánh của Viện kiểm sát quân sự khu vực do một quân nhân trẻ tuổi đem đến tận nhà làm lão suýt quỵ xuống. Tờ trát đòi thằng Tĩnh phải trình diện sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ theo lệnh truy nã khẩn của Cơ quan điều tra quân sự. Chết rồi, thế là nó chết thật rồi, cái thằng giời vật ấy. Nó đã gây ra cái sự gì mà khủng khiếp vậy không biết. Truy nã. Cái lệnh mà chỉ kẻ tội đồ mới phải chịu lại ập đến nhà lão dễ vậy sao? Song nhìn cái ánh mắt tối dại đi của thằng con, lão Đán biết không có cái sự nhầm lẫn gì ở đây cả. Đó là sự thật. Tưởng có thể gào lên, lão lại nghẹn tiếng lào thào với nó: "Cút lên gác ngay, rồi tao hỏi tội mày trước!". Ôm mạng sườn để chặn lại cơn đau nhói khoan thẳng vào chỗ hai cái giẻ sườn gẫy ngậm năm nào, lão vặn người vịn cầu thang lên tầng trên. Vậy mà, hơn năm tiếng đồng hồ đã trôi qua, lão và thằng con mắc dịch chưa ai nói được với ai câu gì. Người ta đã biết quá rõ nó đang có mặt trong cái nhà này. Giờ thì chạy đâu thoát được hả thằng ôn vật? Thế nào, lực nào giúp được bố mày gỡ cho mày cái án truy nã đây. Tiền nào, của nào có thể kịp trát trét chỗ rạn vỡ sẽ rất to, rất rất to của nếp nhà lão mà cái cốt nhục ấy gây ra cho lão bây giờ. Chưa thấy nó nói gì từ đầu giờ đến giờ, nhưng lão biết chuyện của nó chắc phải là tày trời. Nó, thằng con cả biết bao trông đợi của lão, nó đã gây ra cái gì mà khủng khiếp thế. Lão đã từng tự hào về cái khôn, cái túc trí đa mưu khi lót cho thằng con một cái ổ "lụa" êm đến như thế. Tình nguyện đi bộ đội nghĩa vụ nhé, và lại còn xung phong đến nơi vùng sâu, vùng xa nhé, nơi biên giới hẳn hoi. Nơi tuy không có những miếng ngon bằng thằng con lão Cục trưởng cục thuế- thằng cha chạy được cho con cái chân hải quan sân bay. Thằng Tĩnh nhà lão, chỉ sau ngót chục năm, nhờ "thời vận" cũng có mà nhờ chăm "vịn" cũng có, thằng con cũng lên "vai". Hết thời hạn, nó chuyển ngành xin gia nhập lực lượng kiểm lâm. Lão Đán biết chuyện, chẳng đã gầm lên :"Sao nó ngu thế không biết?". Mặc ông bố mắng mỏ, từng được chỉ huy đơn vị đồn biên phòng vận động tiếp tục tại ngũ để cử đi học sĩ quan, nó lại làm bộ vướng "gia cảnh", "bố già, mẹ bệnh" để từ chối khéo. Ở lại cửa khẩu biên giới Việt - Lào, nó xin được chuyển ngành làm kiểm lâm viên của một trạm kiểm lâm khu vực. Những năm ấy, Nghệ - Tĩnh được giới làm ăn phía Bắc gọi tên là "thủ đô hồng ngọc". Khi hiểu ra chủ ý của thằng ranh con, lão Đán lại khen khéo nó: "Bố khỉ cái thằng, nó có máu làm ăn đấy. Trong nhà này, chắc nó giống tôi quá à!". Ở cái nơi quanh năm heo hút, mưa rừng buốt lạnh, gió Lào khô nóng ấy, cực thì quá cực đi nhưng lộc đâu có ít, lại kín nữa. Nhờ tài xoay trở, tận dụng hết các quan hệ có được do công việc đem đến và hàng chục tờ xanh đi tìm nơi sở hữu mới, lão lo cho thằng con "lợp ngói" vị trí mới bằng cách mua cho "thằng cu con" cái bằng trung cấp nghề rừng. Giục nó vợ con mãi mà hơn ba mươi tuổi rồi nó cứ ừ ào bỏ ngoài tai. Tiền của không biết nó thu được ít nhiều ra sao, nhưng cái vốn mà nó nhờ lão giữ hộ dăm năm vừa qua trong ngân hàng cũng gần gấp ba cái ngôi nhà hai tầng đẹp đẽ này của lão. Cu cậu đang tính năm sau, "chạy" vào nội địa chuyển ngành ri vợ con một thể. Bỏ triển vọng thăng quan tiến chức, nó tính cái gì thế không biết.
       Giờ thì thằng con lão đứng đấy, trông như đọt chuối thối mềm nhũn, câm nín. Ừ mà thôi! Cứ để nó xuống dưới bếp hốc lấy chút gì đó cho đầy cái bụng chắc đã lép kẹp vì chui nhủi trốn tránh tới vài ba ngày đêm từ miền Trung về đây, hy vọng bố nó gỡ được tội cho nó. Riêng lão, lão cũng chẳng hào hứng gì với cái sự ăn ung vào giờ này. Lão tịnh không thấy đói, chỉ thấy miệng khô khốc, đắng ngắt. Hoang mang về sự kiện bất thường trông thấy đang đổ xuống ngôi nhà tưởng đã hết sóng gió, lão bỗng thấy bất lực oặt mềm hết cả người. Song, trước khi nhìn thấy cái cơ đồ này sụp xuống, cũng phải biết cơn cớ gì đã tạo nên vụ "sụp đất" này chứ. Chẳng nhẽ chịu chết mà không biết được vì sao lại chết nữa sao? Lão chẳng đã từng tưởng chết mà lại thoát hiểm đó sao?
……

(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


(Tiếp theo kỳ trước)
…..Thằng Đán về đội khu Nam được vài tháng thì quen với thằng Củng bên đội khu Tây trong một buổi nghe nói chuyện chính trị thời sự trên huyện. Mới quen nhau vài tiếng mà hai thằng đã kết thân. Mọi chuyện trên giời dưới đất, tử tế có, đểu cáng có được thằng Củng nhanh chóng "tắm gội" cho chú lính mới. Nào mánh gạt bớt dầu chạy máy dành để "rót" ra ngoài, cách giả ốm giả bệnh trốn khám nghĩa vụ. Nào mánh bám đeo, miệng nịnh tay vơ với đám chủ nhiệm hợp tác kiếm nắm đạm nắm lân về quê làm quà. Hoặc "moi" mấy gói thuốc lào Vĩnh Bảo, vài gói chè vụn loại hai chỗ mấy mẹ "cứ thấy đàn ông là ngứa lưng, ngứa ngực" bên cửa hàng hợp tác xã mua bán xã mỗi khi xuống điểm chiếu. Rồi cả đến chiêu tán tỉnh gái nhớn gái bé, gái già gái non khi qua các vùng quê. Tất tật chỉ nội có hai ngày tập trung học nghị quyết mà nó sang tay bằng được cho chú Đán. Thằng Đán phục nó sát đất, và cứ hễ gặp nhau là chúng bám lấy nhau như mật ruồi.
       Uống hết hai bát nước vối, bắn đến vài ba phát Vĩnh Bảo, thằng Củng giả lả:
-        Tao biết làm sao mày "phủi" được sang đây rồi. Ông "khốt" nhà mày cũng biết võ đấy. Ở huyện thì ông "khốt" nhà mày lộ, song trên tỉnh cái quan hệ mà ông chú họ mày sang tên cho bố mày là khá đấy. Dân "văn phòng Ban" thời buổi này oai phải biết. Hai năm hai suất đũa xe đạp và mấy bộ săm lốp xe máy phân phối bố mày chạy được giúp cho vợ cái lão trên tỉnh ấy có giá đấy. Thời buổi nào cũng vậy, máy mó điều động được mấy "hào" cho "có chân, biết chạy" là khỏe đủ.
       Thằng Đán giật mình. Sao cái thằng mãnh này hóng hơi được ở đâu mà nhanh vậy? Nó thuộc cỡ "ma xó" sao. Gã còn nhớ như in cái nhà ông ấy. Cái ông mắt him híp, miệng mỏng như hai sợi chỉ mà bố gã dẫn đi gặp một lần trên tỉnh trước khi chạy được suất công nhân ngày ấy, liếc hờ qua gã cứ như nhìn thấy mớ rau héo vậy. Mồm lão ừ à, mắt cứ nhìn ngược lên trần nhà, tay xoa cằm mặc cho bố con nhà gã khúm núm miệng dạ tay xoa trông hãi hãi là. Chỉ có mụ vợ lão là nhanh mồm giảo miệng. Một điều chú, hai điều chị. Cứ mỗi lúc cất tiếng cười lanh lảnh là cả khoảng ngực trắng lốp dưới cổ áo rộng của thị cứ vồng lên, nhóa cả mắt. Hôm ấy, khoen vàng giắt lưng của mẹ thằng Đán khi lồng vào ngón tay búp măng trắng trẻo của con mẹ trông sang trọng hẳn ra. May phúc sao, hắn đi công nhân vừa kịp. Sau đó gần hai tháng, mấy thằng bạn cùng học cấp hai ngày nào nhận được giấy khám tuyển và nhập ngũ. Về thăm nhà được mỗn một lần sau ba tháng huấn luyện lính mới, mấy đứa lên đường đi B cả. Hình ảnh chiếc nhẫn vàng trên ngón tay người đàn bà ngoại tứ tuần mặt tươi như hoa, da dẻ mượt mà no đầy ngày nào vỡ lòng cho thằng Đán bài học dằn đời đầu tiên: tiền bạc "có chân để đi, có cửa để đến cả đấy".
       - Cái thằng khỉ này nghĩ xa gần gì mà mặt nghệt dại ra thế?
       Thằng Đán giật mình khi dòng suy tưởng bị thằng Củng cắt ngang. Gã ậm à ậm ừ:
       - Chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ không biết đến khi nào thì tao đến lượt lên cái ba sáu (lương ba mươi sáu đồng). Sao thấy khó khó là.
       - Có cái đếch gì mà khó, cái gì phải đến khắc nó đến. À, mà mày có muốn nó đến sớm không? Tao giúp.
       - Mày giúp tao? Thật hay bịa đấy. Mà làm kiểu gì?
       - Bí mật. Chỉ có điều phải có chút đếm.
       Hai ngón trỏ ngón cái tay thằng Củng vê vê với nhau. Khuôn mặt vác lên, cặp mắt ti hí nheo nheo lại trông đến tức mắt. Thế là lại phải lót tiền. Mặt thằng Đán thộn hẳn ra. Bỗng Củng chỉ tay ra đường:
       - Mày có trông thấy cái gì phía trước kia không? Bên mé đường bên phải ấy.
       - Thấy cái gì? Tao thấy có mỗn bà già còng gập còng queo, tay chống gậy khập khiễng lóc cóc trên đường thôi.
       - Vớ vẩn. Bà cụ lưng còng ấy không kéo nổi cái mắt mày to lên sao? Nếu là mày thì mày đi đứng ra làm sao hả?
       - Cái thằng ví von loạng quạng. Tao đang lưng dài vai rộng, tay chân khỏe mạnh thế này mà mày so sánh với bà lão gù. So kiểu gì lạ vậy!
       - Ấy, cái lí mà mày phải vành mắt vành tai ra để biết là chính ở chỗ đó đấy. Nếu là mày, để đi được cho thẳng thớm, dù là chậm hay nhanh mày có phải nhờ đến cái gậy tre như bà già móm mém ấy mới đi được không? Hoặc giả không có gậy, mày cũng phải vịn được vai người khác mới đi được chứ. Mày chưa biết "cái sự chân gỗ" là thế nào à.
       Thằng Đán ngẩn cái mặt đần của gã ra. Thằng Củng phá lên cười:
       - Thằng này đến là ngu lâu. Là nếu mày muốn có được cái gì nhanh phải biết tìm chỗ dựa, chỗ vịn mới tốt việc nghe không con. Đã chịu chưa?!
       Ra thế, con mẹ cái thằng miệng gàu dai này. Cứ nói ụych toẹt ra là phải nhờ người "chạy" cho nó xong. Vẽ sự ví với von. Thằng Đán nhăn mặt:
       - Thì chơi, bao nhiêu? Mà liệu có bảo đảm không thế.
       - Tao thèm bịp mày sao. Hai sập, ưng thì đầu tháng lĩnh lương để đấy tao kí sổ lương cho. Tháng sau mày có giấy đi học. Thôi, mày tính tiền với bà lão chỗ thuốc nước nhé. Tao đi đây, muộn mẹ nó rồi!
       Mồm nói, tay móc lọ kẹo lạc trên bàn nó moi lấy bốn chiếc. Mắt nháy lệch cả mồm, nó cười khì khì thản nhiên bước đi. Thằng Đán bóp bụng trả tiền, bước tới chỗ chiếc xe, vụt roi đánh "chíu" mé trên đầu chị bò cái, hai đứa lại lững thững hành tiến.
       Hai tháng sau, thằng Đán cầm trong tay mảnh giấy đánh máy chỉ to gấp bốn bao thuốc lá Trường Sơn, cuối góc phải có dấu son đỏ choét của Quốc doanh chiếu bóng tỉnh, "…Tập trung tại rạp chiếu bóng thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây học lớp nghiệp vụ chiếu bóng do Quốc Doanh trung ương triệu tập".
       Chuyến đi học nghiệp vụ máy chiếu có hơn tháng trời, ngót hai phần ba thời gian là học mấy bài chính trị, đường lối chính sách. Số ngày còn lại học sơ sơ về kết cấu máy móc, tập mở máy, đóng máy. Lắp vào tháo ra các chi tiết ổ đựng phim, chạc ba chân đỡ máy, cắm con dọi cân chỉnh vị trí đặt máy cho bằng bặn, lau chùi ống kính, lắp phim và tập đọc mấy bản thuyết minh phim sao cho có giọng. Thêm ít phương pháp bảo quản phim, bảo dưỡng máy móc, cắt dán phim cháy, phim rách…Đám thợ máy nổ, thuyết minh chính học riêng và thời gian học của họ là sáu tháng. Chuyến đi đầu tiên trong đời ra ngoài tỉnh cùng gần chục thằng đến từ các đội chiếu bóng các nơi là vậy. Vụ đi học làm gã ngấm thêm một bài học nóng nữa mà thằng Củng dạy cho có hơn nửa tiếng dọc đường tình cờ gặp nhau uống nước bên đường cái hôm nào: "Muốn sống hơn người, ngoài việc biết đẩy đồng tiền đi trước, phải biết tìm lấy cái chỗ vịn, dù đó chỉ là cái chân gỗ."
       Học xong, vị thế thằng Đán vẫn vậy. Vẫn chăn bò, theo xe cùng máy móc đi trước. Có hơn trước thì hơn ở chỗ thi thoảng đứng máy phụ anh Thông, hoặc mỏi mồm đọc quảng cáo phim, tin tức thời sự chiến sự đầu buổi chiếu giúp tay thuyết minh đỡ mệt hơi khi vào phim chính. Và không thể thiếu việc, ngoài lương tháng lên được ba mươi sáu đồng, thi thoảng nhỡ gặp thằng Củng trên huyện lại phải bóp bụng biếu nó bao thuốc lá Trường Sơn bao bạc.

*

**
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo kỳ trước)


……     
       Leng khreng…khọt khlọt… Leng khreng…khọt khlọt…
       Chuỗi âm thanh buồn ngủ đều đều chen giữa những cú lắc nhẹ đong đưa. Trên xe gã đàn ông ngất ngư nửa thức nửa ngủ, để mặc chiếc xe bò kéo thong thả trôi trên đường. Lục lạc buộc cổ, chiếc xô méo mó buộc hứng dưới đuôi, chị bò cái già kéo chiếc xe chất đầy đồ đạc cùng thằng Đán lười biếng nuốt từng mét đường tiến về phía trước. Thấm thoắt vậy mà cũng hơn hai năm trời lùi lại đằng sau chiếc xe. Thằng Đán trông đã cứng cáp lên nhiều. Da mặt nhuộm nắng đồng bằng nâu rám làm cho chiếc cằm vuông bạnh của gã trông có ra cái chất thợ hơn dù chưa một ngày được sờ mó vào những thứ máy móc quý giá của đội chiếu phim lưu động. Đơn giản chỉ vì gã phải đợi lốt đi huấn nghiệp. Gọi là huấn nghiệp cho nó oai, chứ thật ra đó chỉ là hơn một tháng huấn luyện tập trung trên Quốc doanh chiếu bóng trung ương để được cấp một cái giấy chứng nhận qua đào tạo sơ cấp tương đương anh thợ bậc một, đánh dấu hết ba năm học việc của đám công nhân chiếu bóng. Lương bổng sẽ lên thêm chục đồng bạc nữa, những ba mươi sáu đồng. Nhưng cái quan trọng là biết dỡ, biết lắp những chiếc máy chiếu kềnh càng khi đến điểm dừng đỗ, biết phụ đỡ người đứng máy chiếu những việc đơn giản như đưa phim, nhận cuộn và đặt lên bàn quay tua ngược lại. Cao hơn một chút thì phụ máy chiếu, phụ trực máy phát điện, lắp dựng màn ảnh, đặt dỡ loa đài…. Hoặc giả tốt giọng thì phụ thuyết minh phát thanh tin chiến sự, thời sự, chính sách và quảng cáo đầu giờ chiếu. Chỉ vậy thôi, nhưng chưa đến lượt thì cũng chưa được cử đi huấn nghiệp. Thằng Đán được nhắc nhở như vậy, kèm thêm mấy lời động viên "Cứ làm tốt công việc với anh em, có thành tích tốt mới sớm được đi!". Trong đội, gã ít tuổi nhất và đương nhiên chuyện "điếu đóm" cho đám công nhân có nghề nghiệp là chuyện bình thường, vì nó vốn phải thế. Khác hẳn thời ở nhà là gã được đối xử ngang bằng hơn, không bị bắt nạt nữa mà ngồi ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với mọi người. Không còn thằng Đán ù lì ngày trước nữa. Bây giờ hắn mồm mép hơn, đi tới địa bàn nào cũng biết dẻo mồm tán gái. Có ối đứa con gái ở các điểm dừng chiếu ỡm ờ với gã nhé. Lại có cả đám đàn bà vắng chồng, ngứa người còn cho hắn…"yêu" nữa. Trai tráng nhà quê, thành phố vợi ngót đi nhiều do chiến sự cứ mỗi lúc mỗi căng lên. Đồng ruộng chỉ còn rặt đàn bà, người già và trẻ con. Đàn ông khỏe mạnh hiếm vắng hẳn. Song gã cũng đủ khôn để không bị "buộc cọc" với bất kể con cái nào. Gã vẫn biết sợ ông Kính, bố gã. Vớ vẩn lang bang "giai trên gái dưới" ôm vạ là chết với ông cụ. Ít ra, trong con mắt làng xóm, gia đình nhà hắn cũng là số ít nếp nhà có gốc gác nho nhe. Ông nội gã đâu ngày xưa cũng có chữ, có bậc trong đám tiên chỉ làng kia đấy. Không biết được tôn xưng thật hay bỏ tiền ra mua, nhưng cứ nhìn bàn thờ nhà gã người ngoài cũng có đôi chút nể vì. Gã cũng mang máng biết đâu đó rằng, vì cái vai vế hàng xã ấy của ông nội mà bố gã bây giờ bị liên lụy. Trong họ mạc nếu chẳng có người nọ người kia, hoặc biết cách chạy vạy đôn đáo thì đến bố gã cũng mất việc chứ chả chơi. Thế cho nên, biết thân biết phận gã cũng chẳng dám đòi hỏi nhiều. Lí lịch vậy, thời chiến giữ được cái vai cán bộ nhà nước như bố gã cũng là đại may rồi. Cho hắn thoát ly, thâm tâm ông bố thằng Đán cũng mong "thằng trưởng" thoát được những trói buộc lí lịch chính trị ở quê nhà. Biết đâu nhờ thế mà lên ông lên bà được. Thời buổi này, khôn sống mống chết.
       Cú xóc nảy của chiếc xe qua rãnh xẻ tát nước ruộng ngang đường làm thằng Đán giật mình mở mắt. Con bò cái già thế mà khôn. Hơn hai năm cầm roi trụ sau đít nó, hắn cấm có thấy lần nào con bò đi sai đường. Tháng ba mươi ngày thì ngót hai chục ngày la tha làng trên, xã dưới khiến con bò thuộc đường hơn cả gã. Cứ đến điểm chiếu quen thuộc là nó dừng, cái đầu lắc ngang ý không muốn đi nữa. Đến trẻ con, bà già trong cái huyện này, nhìn thấy cái xe và con bò là biết ngay tối đến thể nào cũng được bữa "chớp bóng" bãi. Đang lững thững bước, bỗng con bò cái dừng lại. Hai chân nó hơi giạng ra, thằng Đán rủa thầm trong bụng "Ăn đ…gì mà mới đi có nửa buổi đã muốn ị rồi!". Ấy là nói thế thôi, chứ nhờ cái điệu giạng ra của con "đầm già" này mà gã được tuyên dương đến hai ba bận kia đấy. Chả là có lần về tỉnh nhận phim với anh Thông, hắn ngạc nhiên thấy con bò kéo xe nào đi trong phố cũng ngoắc sau đuôi một cái xô sắt. Hỏi ra mới biết ở thị xã, người ta cấm đám xe bò đuôi để bò phóng uế bừa bãi trên đường. Trong đầu thằng Đán nhớ lại có lần đi trên đường về xã nọ, cứ thấy lũ trẻ tay gạt, tay mê chạy theo léo nhéo "Anh chiếu bóng ơi, cho bò dừng lại làm cho bọn em một bãi lấy thóc". Hỏi ra mới biết, phân gio bây giờ cũng là thóc. Các gia đình cứ thấy trẻ hết buổi học là hét đi nhặt phân, trâu bò gì cũng được, miễn là phân gom, lại phải còn tươi nhé. Hết ngày đem về giao cho mấy "ông đội"- đội trưởng sản xuất- là cuối tháng có tính sổ để sau này trả thóc. Trâu hợp tác có phải nhà nào cũng có suất được chăn dắt đâu mà có phân đổi thóc được. Thế cho nên trẻ con các làng ven đường cái cứ thấy đám xe bò kéo xuất hiện là í ới gọi nhau bám theo. Xe của hợp tác vận tải thô sơ, xe của các "anh nuôi" bộ đội đi lấy hàng, xe của chiếu bóng, kho bãi vật tư, xe của các bếp ăn xí nghiệp sơ tán….ối ra đấy trên đường. Thoáng thấy bãi phân trâu, phân bò nào là chúng bạt mạng chạy tới, tranh nhau xí phần. Đám trẻ trâu cũng không kém cạnh, ngoài trâu được giao chăn dắt, đứa nào cũng thủ sẵn cặp dẻ sườn trâu bò cộng với hoặc cái nón mê rách, hoặc cái mẹt méo gãy cạp, trên lót ít cỏ rác. Thế là "alê hấp", đâu có trâu bò dừng lại "ị" là chúng chạy vội tới chí chóe giành giựt, gạt lấy gạt để lấy về. Thóc cả đấy. Thế là gã bắt chước, ngoài cái xô méo ngoắc sau đít con bò, dưới gầm xe gã còn buộc thêm cả một chiếc xô tôn Liên xô hỏng của đám thợ máy nổ đựng dầu loại ra. Chẳng có đám phân bò nào rớt xuống đường nữa. Đầy xô là gã trút vào chiếc thùng gầm xe. Đến điểm chiếu, hắn gạ gẫm đám trẻ trâu, đổi được nào rạ, nào củi thậm chí cả rau muống ao, khúc bí đao, góc bí ngô hoặc quả bầu dành nấu bữa chiều cho đội. Thế là được tuyên dương với lí do rất kêu là…"góp phần cải thiện bữa ăn". Theo gã, các xe khác đội khác cũng có ối anh bắt chước. Chi đoàn thanh niên còn ghi công gã để phát triển đoàn viên nữa chứ. Chỉ vậy thôi mà đâm có thành tích, được kết nạp Đoàn. Cũng nở mặt, nở mũi.
       Chờ con bò ị xong, gã lại gại khẽ đầu roi vào lưng nó thúc đi. Cái bộ dạng "ị" của chị bò cái bây giờ đối với thằng Đán cũng đâm quen. Cái đuôi nó cong lên, đám phân nóng hổi đen đúa đùn ra nhớp nhúa đưa theo mùi nồng nồng ngai ngái. Hồi mới nghĩ ra "sáng kiến" hứng phân, dù là con nhà nông mà nhìn cái cảnh ấy, thằng Đán cũng cồn cào cả người ọe ra cả đống mật xanh mật vàng. Sau rồi cũng quen đi, lắm lúc đang gà gật bên càng xe, thấy xe đột ngột dừng lại, hé mắt thấy bãi cứt đùn ra sau đít con bò, gã còn tủm tỉm nhếch mép xem chừng có vẻ thích thú. Cuộc sống lang thang đây đó của gã, lúc có người cùng đi, lúc chỉ một thân một mình đi trước, cung cách giạng chân giữa đường của chị bò cái như một phần không thể thiếu được trong hành trình của gã. Mạch nghĩ lan man của gã đang phơ phới bỗng nhợt nhòe đi trước một khuôn mặt nhăn nhúm chen vào. Thì ra đó là thẳng Củng, đội viên đội khu Tây. Chưa kịp mở miệng, thằng Đán đã nghe cái giọng nhừa nhựa của nó:
       - Ê, thằng dưa khú. Đêm nay đội mày "vãi đám" ở đâu?
       - Qua giáp mé đò Gáy chứ đi đâu. Mày làm gì mà lang thang cuốc bộ vậy?
       - Tao về Quốc doanh nhận giấy lĩnh dầu nhờn. Cả đội có chiếc xe công, lão Khương đội trưởng xách về nhà với vợ từ hôm kia đã thấy mặt mũi lên đâu. Thằng cha gù thế mà đá khỏe. Cứ tăm tắp tuần hai lần về cơm ngon bò cưỡi. Đợi không được, tao đành cuốc bộ, mai đi nhờ đám thằng Tới bên khu Bắc về vậy. Mà mày nằm mãi thế không buồn sao. Vứt mẹ nó đấy, dạt vào quán nước bên đường kia làm bát nước vối cho mát người. Giờ này còn sớm chán.
       Nghe cái giọng rủ rê ấy của thằng bạn, gã ngoắc dây mũi ra dấu dừng. Con bò cái biết ý chủ, lững thững đi thêm chục bước nữa rồi chụm bước dừng lại trước quán nước bên đường. Dưới gốc bàng có tán lá rộng mát mẻ, bà chủ quán nước vồn vã chào mời hai thằng. Vừa đặt đít xuống ghế, thằng Củng "quai" mở máy liền một mạch:
       - Bà cho hai chúng con mỗi thằng một bát vối nguội, giời nắng nôi này, uống nước nóng trong ấm giỏ nóng rát mồm lắm. Ê, mày đưa tao cái "ba dô ca" đây, tao "bắn" một hơi cái đã.
       Miệng nói tay đỡ, nhoáng cái đã thấy nó làm cái soạt hết lưng bát nước. Rồi tay điếu tay đóm, thằng Củng hóp má làm một hơi thuốc lào ròn tanh tách và điệu đà hất mặt xéo ngang. Bã thuốc bắn một quãng rõ xa. Từ cái miệng lởm khởm đám răng vàng khựa há rõ rộng phả ra cả một đám khói thuốc đặc sệt kèm theo tiếng hít hà khoái trá. Mắt díu vào lờ đờ, nhìn cũng biết đây là hơi thuốc mới nhất đầu giờ chiều của nó. Thằng Đán nhìn thằng bạn bằng ánh mắt khâm phục. Trông thế mới oách chứ! Dưới cái mũ vải xanh công nhân, cái mặt thằng Củng dãn ra khiến đôi mắt ti hí và cái miệng rộng toác của nó nhìn vừa đểu vừa thâm.
…….
(Còn nữa)

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


........       
Rời phố núi. Câu chuyện như gió đổi mùa ùa ập đến quá nhanh ngoài cả sức tưởng tượng của thằng Đán. Sự biến đổi nhanh chóng ấy quả có làm cho thằng Đán ngợp cả người hàng tháng trời khi mới rời nhà "đi thoát ly". Gã bây giờ oách lắm nhé. Bộ dạng ngó ra hình ra nét hẳn. Đi công nhân, có nghĩa là ngày có hai bữa ăn chắc bụng với tiêu chuẩn mười tám ký gạo mỗi tháng. Là có lương tháng hẳn hoi, những hai mươi bốn đồng bạc với một năm hai bộ quần áo bảo hộ lao động. Một cái "túi dết" đeo chéo vai đủ đựng cuốn sổ tay, cây bút máy Trường Sơn đen, tấm vải nhựa xanh nhạt và cây đèn pin Trung Quốc mạ kền sáng loáng. Trước mắt, gã mới chỉ làm cái anh thợ học việc. Mà học việc cũng đồng nghĩa với cái vai phu phen bốc vác, xăng xái dẹp người lớn trẻ con, chăng dây dọn bãi giữ trật tự trong buổi chiếu. Đội của gã có sáu người, gồm bốn thằng trai đinh dưới quyền điều khiển của hai thợ máy chiếu trung tuổi. Là người được tuyển vào đội muộn nhất, lại không được đào tạo gì, có mong được làm thợ máy nổ, máy chiếu hay thuyết minh cũng còn sơi mới tới lượt gã. Cái vai của thằng Đán được giao gắn với chiếc xe bò kéo chuyên chở toàn bộ cơ ngơi của đội. Cũng lỉnh kỉnh ra phết. Hai bộ máy chiếu, chiếc máy nổ công suất nhỏ bảy mã lực Liên Xô nặng trịch, bộ màn ảnh bằng vải một mặt trắng một mặt xanh công nhân. Chung quanh viền vải xanh to tổ bố cỡ tám chiếc chiếu đại ghép lại luồn hai đầu hai ống tre lên nước bóng láng. Non chục gọng tre căng cột, vài cuộn dây chão, chiếc tăng âm màu đen có nắp đậy như chiếc va li quân sự cộng với đôi loa nén miệng bằng chiếc rổ cái vớt bèo trông có hơi móp méo nhưng khi phát ra thì to mồm. Vài thứ nồi niêu xoong chảo, xô chậu, chiếc ruột tượng đựng hơn chục bò gạo để nấu nướng xì xụp vài ba ngày một đợt đi xã. Và không thể thiếu ít thì hơn chục, nhiều thì hai, ba chục chiếc hộp đựng phim, vỏ hộp màu trắng trong chứa những cuộn phim đen quánh nặng trịch mà mỗi khi mở nắp ra lại tỏa ra mùi hăng hắc, cay cay như mùi mấy viên băng phiến gã thấy trên mẹt hàng của các mẹ hàng xén phố huyện.
       Buổi đi chiếu bóng lưu động đầu tiên trong đời bên chiếc xe bò kéo đối với thằng Đán là một dấu ấn đến già nó không sao quên được. Nhận chiếc xe kéo bánh hơi, tròng con bò cái già vào đôi càng, gã lên đường trong tâm trạng lâng lâng đến ngộp thở khiến anh Thông "béo" thợ máy nổ khi nhìn thấy bộ dạng nó cũng tò mò không hiểu thằng khỉ này hôm nay có "ấm đầu" không? Mắt nó mọng lên như chỉ chực khóc, quần áo chĩnh chiện. Chiếc mũ lưỡi trai mềm cỏ úa bạc màu xin được của ông chú họ xa là sĩ quan hậu cần chuyển ngành, đội xếch nghiêng có chút điệu đà khiến cái vẻ ngoài làng nhàng của gã chững chạc hẳn. Tay nhăm nhăm chiếc roi tre cong và dài như chiếc cần câu cá rô, đầu buộc vài dải vải xanh đỏ, hắn lên đường long trọng như người ra mặt trận. Ngất ngưởng nằm trên mấy chiếc thùng đựng máy chiếu, sau cả chục phút ngạc nhiên về nó, anh Thông "béo" thản nhiên úp cái nón lên mặt ngủ gà gật, mặc nó cứng người tay hua roi tre đi cạnh càng xe "vặt, diệt" chị bò cái lững thững bước một cách lười biếng trên đường. Mới đầu giờ chiều, cái nắng chênh gắt trên đầu như nóng thêm mỗi khi trên con đường rải đá liên huyện rung lên đám xe quân sự ào qua. Cái thì chở đạn, chiếc thì kéo theo súng cao xạ, súng thượng liên cài đầy cành lá ngụy trang ngóc mũi lên trời. Cũng có những chiếc chở toàn lính trẻ, áo mũ mới coong vụt đi như cơn lốc hắt lại đám bụi mù mịt trắng xóa lên đầu lên cổ thằng Đán. Nó lững thững đi bên con bò cái, đầu óc phiêu diêu phởn chí. Đôi dép cao su đen tám quai dưới chân nó mới coong, đầu giờ còn nhún nhảy sau một hai tiếng đã thấy nằng nặng.   Bất chợt, trên không trung có tiếng rít căng nghe như xé vải. Rhet……rhet….goai..rrrrr!!! Anh Thông "béo" nhanh như sóc nhảy xuống, miệng hét thằng Đán "Dẹp ngay xe vào bụi tre bên đường kia, muốn vỡ gáo à?". Thằng Đán quýnh quáng hối hả kéo căng sợi dây mũi, con bò ậm ạch kéo theo cái xe dạt sang vệ đường. Chưa kịp biết điều gì sẽ xảy ra, thằng Đán quăng đại người sụp xuống đoạn mương cạn. Trên đầu, tốp máy bay "thần sấm" vọt qua, chứng tỏ chúng chẳng thừa hơi mà nhòm ngó chiếc xe bò trên đường. Thế nhưng mặt thằng Đán thì xanh ngoét, miệng méo xệch như mếu, ánh mắt thất thần lạc dại hẳn đi. Bợp tai nó một cái, anh Thông béo mắng nó: "Cái thằng này trông vậy mà nhát gan quá thỏ đế. Đã vãi đái ra quần chưa mà trông mày thảm hại thế! Mày kém thua hơn cả con bò cái này. Trông thử nó xem, nó có đến nỗi như mày không?"
       Quả thật nhìn con bò cái vẫn vênh váo như chẳng có biểu hiện dao động gì. Trông nó thật lười biếng nhàn tản, mõm dũi giựt đám cỏ ven đường, hàm trệu trạo nhai lơ đãng như chẳng có gì đáng phải quan tâm. Chỉ có thằng Đán là chưa hết tim đập, chân run. Tay roi rung bần bật. Trong đôi ống quần bộ bảo hộ bê bết bùn đất, hai đầu gối gã cũng rung theo như không sao giữ yên được. Cặp mắt sụm xuống nhìn anh Thông vẻ khẩn khoản thảm hại của người biết lỗi, thoạt nhìn cũng biết gã còn chưa qua được cơn sợ hú hồn. Ở nhà, chẳng khi nào nó được mắt thấy tai nghe máy bay Mỹ bay thấp và rú rít to như thế. Phố núi nhà nó như nắm xôi bé tẹo trên đường bay rút ra biển của đám giặc lái, chẳng đáng cho lũ máy bay để ý làm gì. Song bên này lại là một bầu trời khác. Trời cao xanh ngăn ngắt. Ba bề bốn bên những sông nước cầu cống phà đò, đất đai phẳng lì trải rộng ngút mắt, đến cái búi tre vệ đê trông có vẻ cũng "tầm cỡ" hơn ở quê nhà gã. Ruộng đất rặt một màu nâu phù sa nhìn đến sướng con mắt. Chả bù cho mấy mảnh ruộng trông như bị băm vụn ở quê gã, rặt một thứ đất đá lổn nhổn gan gà. Nơi đây bờ xôi ruộng mật, cây cỏ trông cũng mướt lá như khoe. Song cũng thật đáng sợ mỗi khi có máy bay Mỹ quần đảo trên trời. Không biết dúi dụi vào đâu cả, lúc nào cũng thấy như phơi lộ thân xác giữa đồng, giá trong đám máy bay có thằng nào chơi ngang xà thấp xuống, không khéo sức gió đem theo dám lột hết áo sống đám người bé nhỏ dưới đồng chứ chả chơi. Ấy vậy mà ở đây mọi người cứ bình chân như vại. Gấp gáp thì trú xuống hầm phòng không nhan nhản bên đường cái hoặc bờ đê. Thư thả thì nép tạm dưới những bụi tre chắn sóng kết dày, hoặc đơn giản hơn có thể nằm ép cạnh bờ ruộng. Dân núi như hắn xuống đồng bằng cứ như cá phơi mình trên thớt, hãi lắm. Mãi cho đến khi cùng chiếc xe bò tiếp tục rong ruổi lên đường, trống ngực thằng Đán mới thấy dịu lại. Nó ngượng ngập, thèm muốn trước cái dáng phong trần của anh Thông. Ngoái ngược lại phía sau, dưới vành nón đậy ngang mặt, tiếng ngáy kho kho của anh ấy nghe lại đã đều đều. Sướng thế! Hình như đám "thần sấm" vừa rồi chẳng là cái thá gì đối với sự vô tư của anh ấy cả. Đêm qua, sau buổi họp nhanh của đội trưởng Thành, tướng Thông cùng đám trẻ chúi đầu chúi cổ chơi "tú" bôi râu dễ đến quá nửa đêm. Thằng Đán tuy không dám mon men chầu rìa bên chiếu như mọi lần, song nghĩ đến chuyến đi ngày mai cũng không ngủ được. Thế mà, chuyến đi xã đầu tiên này của gã lại phải bữa hồn xiêu phách lạc đến thế. Cho đến tận sau này, mỗi khi nhớ đến nỗi sợ hãi bom đạn ấy, gã lại giật mình. Nỗi sợ cứ như một ám ảnh tiền định cứ lẵng nhẵng bám theo hắn suốt đời, kể cả những lúc phải đối đầu với những thay đổi bất thường trong cuộc sống.
                                                                                     ...
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


…..




(Tiếp theo) 



     Sau tiếng cọt kẹt nơi cửa ra vào, căn phòng lại đen đặc lại. Lão Đán biết mụ vợ đã len lén xuống tầng dưới. Bóng tối làm dịu đi cái khối nóng sực trong lồng ngực lão. Không phải chỉ mới từ bây giờ, mà từ hồi còn là đứa trẻ nhóc, tóc vàng cháy nắng đồi, cái thân còm của thằng Đán luôn có cảm giác chỉ được an toàn mỗi khi màn đêm buông xuống. Đêm tối có nghĩa là không còn bị lũ trẻ trâu bắt nạt, mẹ nó cũng nguội cơn bực bõ bí bách và sẽ chẳng còn ai hạch sách, quát nạt nó nữa. Ngay cả mỗi khi ông bố tạt về cuối tháng, bữa cơm rượu chiều tối hình như cũng làm dịu đi cái sự cách bức cha con, nó vốn biết thừa bố nó chẳng ưa gì nó. Trong đêm tối, thằng Đán thấy mình được tự do. Khi biết rõ bố mẹ nó mệt mỏi chẳng còn để mắt đến nó là nó lủi ra khỏi nhà thật nhanh. Cái chỗ làm nó có cảm giác yên ổn chính là cái hốc tối om dưới gốc đa to cỡ cả chục người ôm, tuổi dễ đến gần trăm nơi bờ giếng thơi đầu làng. Trong bóng đêm đặc quánh, nó ngồi thu lu đầu óc lơ ngơ tận hưởng sự an toàn của đứa trẻ không mấy khi được chiều chuộng, đối xử ngang bằng giữa trang lứa. Ai cũng có thể bắt nạt được nó, chỉ cần người lớn to tiếng, nghiến răng trợn mắt, hoặc bạn bè cùng học rút ngón nắm tay lại là nó tự thấy mình thật nhỏ bé và dễ bị đập nát bét như con gián vậy. Trong những phút gian nguy ấy, phản xạ tức thời của nó là nhắm chặt mắt mũi lại, hai tay ôm cứng lấy vành tai bụng mong sao trời tối cho nhanh để nó hoà ẩn vào bóng đêm, lẩn tránh mọi người. Thường thì cứ đêm xuống là nó lỉnh ra đó, ngồi chán một mình rồi lại khẽ khàng lẩn vội vào nhà như con chuột. Lũ em nó có đứa biết có đứa không, nhưng cũng chẳng đứa nào mách mẹ làm gì. Những cuộc rúc hốc cây như thế cũng đâu có mấy thú vị. Đơn giản chỉ vì nó muốn ngồi một mình, đầu óc lan man ước ao khi thì có được chiếc quần tây màu xám như thằng Tèo con lão chủ nhiệm hợp tác, lúc lại mơ có được chiếc xe thiếu nhi Liên Xô màu xanh của thằng cu Nhớn con bà cán bộ Thuế trên huyện … Những thứ mà nó biết thừa chẳng khi nào được quyền sở hữu.  Cuộc sống lãng nhách kiểu đó chỉ bừng khởi mỗi khi đám chiếu bóng lưu động về làng. Trong đám trẻ con bu quanh mấy anh công nhân chiếu bóng, đố đứa nào thấy mặt thằng Đán. Sức mấy mà nó được diễm phúc đứng lẫn vào đó, chỉ cần vào gần là khắc có đứa nhe nanh, nắm đấm con con giơ lên dậm doạ, thậm chí có đứa còn kéo tai nó lôi ra làm nó hãi đến vãi đái. Chỗ của nó thường là ở trên cành đa, một mình nép sau tán lá rậm rạp đưa cặp mắt thèm thuồng nhìn vọng xuống phía dưới nơi đám trẻ trâu xăng xái giúp các chú "chớp bóng" dựng cột, căng tấm màn trắng, kéo dây mắc hai chiếc loa sắt lên hai cây xoan góc sân giếng. Tiếng "a lố! a lồ!" khuấy rộn lên chút âm thanh hiếm hoi nơi phố núi. Đêm xuống, phải cỡ tám chín giờ buổi chiếu mới bắt đầu. Thằng Đán biết vậy và nó tụt xuống, chạy quàng về nhà, lãnh vài cán chổi oằn người của mẹ nó về tội "bữa cơm tới mồm mà còn la tha tận đẩu tận đâu, khát cổ bỏng họng gọi cũng chẳng thấy thưa". Lùa thật nhanh mấy bát cơm nguội, lựa lúc mọi người đang mải dọn dẹp để ra bãi giếng xem phim, nó lại nhanh chân lỉnh ra gốc đa bờ giếng, leo thật nhanh lên chỗ ngồi quen thuộc, đợi buổi chiếu bắt đầu. Trong bóng tối quây trùm của cành lá, nó nửa nằm nửa ngồi giữa chạc ba, nhấm nháp cái dư vị của kẻ một mình một cõi. Mắt hướng về khoảng sáng trước mặt, nơi có tiếng ồn ào như chợ vỡ những tiếng trẻ nít nô đùa chí chóe và tiếng người lớn gọi trẻ con hoà với tiếng hai chiếc loa sắt rỉ rả, khọt khẹt lúc thì thông báo về bộ phim sắp tới giờ chiếu, lúc thông báo tin chiến sự, tin thu nộp thóc lúa nghĩa vụ, tin huy động dân công...Người nó chỉ giãn ra khi giọng chú thuyết minh đùng đục gióng lên: "Buổi chiếu sắp bắt đầu sau ít phút nữa, yêu cầu bà con và các cháu thiếu nhi trật tự, ổn định chỗ ngồi. Hôm nay đội chúng tôi phục vụ bà con bộ phim…" Từ xa, từ cái chỗ tối tăm của riêng nó, tâm trí nó cuốn theo những tối sáng nhoang nhoáng của màn ảnh phía xa. Vài ba tháng một lần, nó cùng bà con lối xóm được xem "chớp bóng" lưu động một tối. Lần nào cũng vậy, nó ẩn mình trên cành đa, ánh mắt khâm phục nhìn chăm chắm vào nơi có ngọn đèn vàng hạt đỗ bé tí, chỗ mấy người công nhân đứng máy "làm xiếc" với cái hộp có con mắt sáng loà nhả ra bao hình ảnh động đậy biết kể chuyện đời. Trong đầu óc bé tí của nó, công việc đó thật là tài giỏi và thiêng liêng, nhen nhúm mong ước nhớn lên được làm cái anh công nhân chiếu bóng lưu động. Nhà nó rồi cũng quen với cái kiểu cách mất tăm của nó mỗi khi ngoài bãi giếng có chiếu phim cho đến lúc nó lớn khỏi cái tuổi trèo cây, cởi truồng tắm sông.

       Sau nhiều bỡ ngỡ ở tuổi mới lớn, nó thôi không trốn lên cành đa xem phim nữa mà dần dà cũng đánh bạo trà trộn vào đám đông, nơi bọn trẻ cùng lứa bắt đầu vỡ tiếng như nó bắt đầu giở trò gạ gẫm gái làng hàng đêm. Nó cũng dần biết chòng ghẹo đám con gái, rình mò nhìn trộm lũ đàn bà con gái tắm giếng, tắm sông. Đêm nào có chiếu bóng ngoài bãi nó cũng biết len lách, sờ soạng vụng về bọn gái làng mới lớn, nín chịu để lũ con gái mắng nhiếc om sòm mỗi khi sán lại gần. Trong đám đông hỗn độn, đêm tối như đồng loã với chúng để lũ giai  non giở ra bao trò tai quái, chim chuột. Song cu cậu cũng đâu thấy có sự thay đổi gì về thứ bậc trong hàng trẻ trâu ngày nào. Nó luôn phải đi sau hưởng sau chúng bạn, nhằn lại những thứ bọn mạnh hơn nhè ra. Và thật ra thì trong mắt đám con gái mới lớn trong làng, cái bản mặt thằng Đán đâu có đáng chấp làm gì. Vóc người nó có to cao lên thật, nhưng vẫn bị lũ đồng môn, đồng niên coi chẳng hơn mấy đứa con nít. Có thể do cái mặt ngơ ngáo, mất khôn của nó báo hại nó chăng? Nếu nó có bạo tay lần sờ, sàm sỡ mân mó chút xíu thì đám con gái cũng chỉ coi nó như thằng nhỏ miệng chưa hết hôi mùi sữa ham vui bắt chước theo đòi bằng cái kiểu len lén hèn hạ của nó. Có đứa con gái bạo gan săn mặt còn túm chặt lấy tay nó giữ nguyên trên người coi như vớ đại được món đồ chơi hạng bét, chẳng bõ mắng mỏ làm gì. Cứ thế, thằng Đán lớn lên trong cái bầu không khí làng quê uể oải mà hưởng chút vui vẻ dư thừa của đám đàn anh đàn ang trong làng. Nếu gọi là có chút quan hệ, thì nó chỉ thật sự thấy mình có giá mỗi khi đội chiếu bóng về làng. Nó im lặng, lân la quanh chiếc xe bò kéo của đội, dè dặt ghé tay mắc dây, trồng cột với mấy anh thợ máy chiếu và há hốc mồm nghe mấy anh trêu ghẹo gái làng mình. Hình như cũng quen với cung cách của nó mà mỗi khi về làng nó chiếu phim, hôm nào không thấy cái mặt nó đâu là đám chiếu bóng lưu động lại ngóng trước ngó sau. Nó như chân "điếu đóm" tự nguyện cùng đám trai làng quanh quẩn bên mấy cái máy chiếu tróc sơn của đội. Bác già làm máy nổ còn đặt cho nó cái tên ngồ ngộ "cái củ bugi nguội " mỗi khi thấy nó có mặt săng sái giúp bác thùng nước giếng đổ thêm vào hộp nước làm mát của chiếc máy nổ dã chiến, lúc chạy cứ rung lên sần sật. Hoặc quanh quẩn bên tay thuyết minh nghe hóng chuyện "Tam quốc", chờ bữa cơm chiều trước buổi chiếu của đám thợ được dọn ra bên gốc đa làng. Người làng và đám thanh niên sau này chẳng mấy ai ngạc nhiên khi học xong lớp bảy, ở nhà được hơn hai năm theo sau đít trâu "tay vặt, tay diệt" thằng Đán được bố nó nhờ người quen trên tỉnh xin cho đi thoát ly, làm một chân công nhân đội chiếu bóng lưu động huyện bên. Nhờ vậy mà nó biến dạng khỏi mắt người làng. Đám bạn cùng lứa với nó cũng quên dần cái dáng lui khui lòng khòng hèn kém thường ngày của thằng Đán. Khi chiến tranh phá hoại mở rộng, đám bạn trẻ trâu của gã có khối người khoác ba lô ra chiến trường. Còn gã, nhờ tài chạy chọt của họ hàng, nghiễm nhiên ở lại hậu phương ngày này qua ngày khác rong ruổi khắp các làng xa, xã gần bên huyện bạn. Chiến tranh và chiến trường có vẻ như chừa gã lại. Hình như cũng vì vậy mà người ta thấy rất ít khi nó về thăm nhà. Nếu có về, thì tối sậm mặt người họ mới thấy bóng nó, mà rồi sớm hôm sau, chưa nhìn rõ mặt người lại hối hả đi ngay. Người ta bảo nhà nó không muốn để làng xóm móc mói vì sao nó được ưu tiên không phải nhập ngũ trong thời buổi bom đạn ầm ào cuốn hút sức trẻ. Song cũng có tiếng đồn thổi dai dẳng rằng, gia đình thằng Đán lý lịch có chút vết nhọ gì đó nên nó có xung phong tình nguyện đi bộ đội cũng chắc gì được đi. Ông bố nó ngày càng thưa đi về, khuôn mặt lúc nào cũng đượm chút u uất. Những chuyện vậy cứ như chút gió xào xạc trên ngọn đa đầu làng, giữa chốn xóm núi hiu hắt rồi cũng mau chóng nhòe đi. Thời chiến mà, ai dỗi hơi theo mãi mấy cái chuyện của ông nọ bà kia?
*
*    *
(Còn nữa)

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)

(Tiếp theo kỳ trước)
……..
       Mấy tháng sau đó, với một khoen vàng mỏng tang được mẹ giúi cho khi lên xe về nhà chồng, con Xoan nhờ ông bố chồng xin được một suất phiếu phân phối mua chiếc máy may Trung Quốc hiệu "cánh bướm" và cất được gian lều nhỏ góc chợ làng, cùng chồng nhận vá may áo quần. Anh cu Đán suốt ngày quanh quẩn cạnh vợ, cũng để  móng tay ngón cái dài ra như đám thợ may trên phố huyện, chịu làm người học nghề của vợ gã, vừa phụ việc, vừa trông hàng. Cuộc sống cứ vậy chầm chậm trôi. Thi thoảng, ông bố chồng đạp xe từ trên phố huyện về làng, đằng sau cái đèo hàng chất ngất ngư giấy bìa. Thằng Đán lại lúi húi miệt mài ở nhà, để quán xá cho con cái Xoan một mình xoay trở. Khi thì bồi cả đống bìa lịch treo tường, khi thì tay bút tay khuôn bôi mấy cái hình cuốn thư, tranh phong cảnh nhăng nhít mà người phố huyện bắt chước trên tỉnh gọi nhại là “tranh bờ hồ”, mà chẳng cần biết đó là bờ hồ gì. Thời đó muốn làm mấy cái đồ ấy phải có cơ quan nhà nước dành việc cho. Bột màu, giấy bìa đâu có bày bán tự do ngoài chợ. Tất tật đều chỉ có trong mấy cơ quan ngành văn hóa mới có, đâu được gọi là “vật tư chuyên dùng”. Vài cái bút chổi đót, chổi sơn, thậm chí tết vội bằng mấy sợi rơm chổi lúa sơ sài, mấy nắm giẻ rách buộc túm lại làm tay dập, cứ khuấy bột màu với ít hồ bột là được vài bát màu đủ nuốt trôi đám tranh, đám bìa lịch ấy. Xong việc, ông bố lại kỳ cạch cuộn, gói đem đi. Cái cửa hàng sách của huyện nơi ông phụ trách sẽ tiêu thụ chỗ “đồ hàng mã” ấy. Đồng ra đồng vào, vợ chồng con cái Xoan cùng bà mẹ cũng đắp đổi không đến nỗi tồi cho nóc nhà dăm bảy miệng ăn, tiền học hành của lũ trẻ, tiền tiêu pha hàng tháng.
       Nhưng rồi, trận đòn chồng đầu tiên đến với con Xoan cũng thật bất ngờ. Bữa đó, qua Tết dễ đến sau rằm tháng Giêng, vào một buổi trời chạng vạng chiều, mưa phùn lất phất thì con cái Xoan có khách bên nhà ghé qua. Thằng Đán hôm đó không ở ngoài quán. Nó theo mấy cậu trai làng đi quét vôi, kẻ khẩu hiệu cổ động thu nộp thóc nghĩa vụ cho văn hóa xã tận ngoài khu sân kho hợp tác gần Đống Cờ. Khách là bà cô họ của con Xoan. Tiếng là bà cô, nhưng đó là gọi theo thứ bậc họ mạc, chứ cô cháu chỉ chênh nhau vài ba tuổi. Sau một hồi vồn vã thăm hỏi chuyện ăn làm, sức khỏe người thân. Chợt bà cô ghé tai con Xoan nói nhỏ: “Chuyện chồng con mày ở nhà nhiều tiếng xầm xì lạ lắm. Có cái nhà anh Khích từ chiến trường được ra ngoài này nghỉ dưỡng đâu như ở mãi tận Tràng, Chũ về thăm nhà cứ khăng khăng rằng mày lấy phải thằng chồng đào ngũ, bỏ ngũ gì đấy chứ không phải thương binh thương bò gì đâu. Hồi vào chiến trường, chồng mày và anh ta đi cùng một đợt. Bặt nhau hơn năm giời, khi bị thương về nằm trạm xá ngoài bắc, có người cùng huyện mình nói chuyện lại với nhà anh ấy như vậy. Ngày xưa, đâu như thằng chồng mày cũng đi công nhân, có việc làm tận trên tỉnh cơ đấy. Người ta gọi nó nhập ngũ từ trên cơ quan, sao khi rời bộ đội lại về nằm nhà là cái lý gì! Bố mẹ mày hơn tháng nay âu sầu ủ rũ chẳng dám ló mặt đi đâu. Liệu mà về thăm ông bà ấy.” Con Xoan ngẩn người rồi lắp bắp: “Cháu cũng chẳng biết được việc gì. Trong nhà thì chẳng được một ai nói cho đã đành, mà người làng có thấy ai nói qua nói lại gì đâu.” Cô nó dài môi: “Ai người ta nói cho mày hay, quân ngoại tộc, ngoại xã, khác máu tanh lòng. Bố chồng mày đang còn công tác trên huyện sờ sờ đấy, lại có vây có cánh, ai người ta dại gì mà vọc miệng vào. Mày nghĩ xem thử, thời bom rơi đạn nổ thế này, trai tráng đi ra mặt trận cả, được thằng nào về biết thằng ấy. Con người ta về được nhà, có thương có tật vậy, ai dám đụng đến. Thương binh thật thì thời này là vua nghe chưa. Đố có ai dám hạch sách gì. Tao nói sao biết vậy thôi, chuyện đồn đãi nghe đâu biết đấy kẻo khổ thân.” Bà cô nhìn con cái Xoan nước mắt ngắn nước mắt dài an ủi vậy rồi quầy quả ra về sợ trời tối ập xuống lúc nào chẳng hay. Con Xoan líu ríu tiễn bà cô họ, rồi thần người ngồi rũ ra bên bàn may. Bất chợt, nó lén nhìn xuống bụng, thở dài. Kỳ rồi không thấy có máu tháng. Ở quê nó, từ cái đận nghe thấy tiếng kẻng báo động máy bay lần đầu tiên hồi dăm bảy năm về trước đến giờ, nhiều đợt thanh niên lên đường ra trận lắm rồi. Thảng hoặc, vài ba trai làng trở về, song cũng không mấy người lành lặn. Họ là thương bệnh binh, được bà con chòm xóm kính nể, chính quyền chăm lo ưu ái, và thành gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Còn cái đám đảo ngũ, “B quay” cũng có đấy, song người làng coi chúng như lũ chết rồi. Chỉ có không biết xử thế nào thôi, chứ không nhẽ lót lá dắt tay đuổi cổ chúng ra khỏi làng sao! “Xanh cỏ, đỏ ngực” vốn là cái danh dự, là lời thề của người trẻ lúc đó. Kẻ quay về không chính danh thường bị coi là làm nhục ông bà tổ tiên, làm nhơ nhuốc quê hương làng xóm. Chúng sống ru rú góc nhà, có ra đường cái mặt cũng đổ gục xuống, chẳng dám nhìn ai. Gia đình nào có con cái mắc tội ấy, người trong nhà khổ tâm lắm lắm. Lúc nào cũng len lén, câm nín và nếu có dịp tụ họp nào trong làng, trong họ cấm có dám chường cái mặt ra giữa chốn đông người. Họ tủi hổ, lủi thủi giữa ba bề bốn bên người làng, chịu cái nhìn hắt hủi, ghẻ lạnh như kẻ mắc bệnh hủi. Đi không được, ở chẳng nên, đối với làng xóm kẻ trốn chạy cuộc chiến cứ như cái dằm lim dưới gót chân không làm sao nhể ra được. Đêm tân hôn ngày nào lại lờ mờ hiện ra trong tâm trí nó. Trong đêm đó, cái mặt méo mó, mồm miệng sều rãi rớt của thằng chồng và cái lối làm tình như nuốt sống nó cho đến giờ vẫn còn làm con Xoan rùng mình. Dù nhìn mãi cái mặt ấy rồi cũng quen, nhưng sau lần ấy, con cái Xoan cứ đêm nào phải nằm dưới thằng chồng là mắt mũi nhắm nghiền, mặt ngoảnh đi chỗ khác, trân người chịu đựng cho xong cái phận làm vợ, mặc thằng đàn ông làm cho hết cái việc của con đực rồi lăn kềnh xuống ngáy rền. Hàng đêm như vậy rồi, có lần nào vợ chồng chuyện trò gì với nhau đâu. Chợt nhớ hôm nay là thứ bảy cuối tháng, con Xoan lầm lũi dọn quán. Một bên quang gánh để hàng, vải vóc cắt may, một bên chiếc đầu máy khâu tháo rời khỏi bàn theo nó về nhà. Cái quán, chân bàn máy, chiếc bàn cắt đã có nhà chú Dựa, bảo vệ kiêm thu vé chợ lấy làm chỗ nghỉ đêm trông coi. Ở phố núi này, mấy dãy lều chợ ngày nào cũng họp, sáng thì từ tờ mờ, nắng lên vừa nghiêng bóng thì rã đám, chiều thì phải quá buổi mới họp tới xẩm tối. Để tránh máy bay đánh vào giờ cao điểm mà.
       Về đến đầu sân, thấy chiếc xe đạp "Thống nhất" của bố chồng dựng bên thềm, con Xoan bụng bảo dạ đêm nay nhỏ nhẻ hỏi chồng xem thế nào. Bụng thấy vợi được chút nỗi buồn hồi chiều gặp bà cô để lại. Bữa đó, bố chồng nó lại đem về cả đống giấy bìa, vài bọc giấy xi măng đùm mấy loại bột màu. Song trông ông kém vui, mặt mũi buồn buồn, hai mắt trũng sâu, túi mắt như xệ xuống hơn mọi bận. Bà mẹ chồng thì thầm với con Xoan “Dạo này trên cơ quan thày mày có chuyện hay sao ấy, tao thấy đận này thày mày khác lắm.” Cơm nước xong, ông lại ôm cái đài vào giường nằm sớm, chẳng buồn trò chuyện gì. Thằng Đán bữa đó, kẻ xong nửa cái khẩu hiệu trên bờ tường nhà kho hợp tác, phởn chí cùng mấy thằng bạn làm cút rượu, bát lạc rang trong quán nhà bà Tỏ dưới gốc đa đầu giếng. Xong bữa tối, vừa lên giường thằng đàn ông đã vật ngửa con vợ ra, dận huỳnh huỵch chẳng kể việc thày nó đang nằm chái đầu hồi bên kia, chẳng hiểu đã ngủ hay còn thức nghe đài có nghe thấy gì hay không. Con Xoan lần này nghe có vẻ mềm người hơn mọi bận, để thằng chồng xong việc thì thào: “Tôi có chuyện muốn nói với nhà đây”. Thằng chồng đã nằm quay lưng lại với vợ, ậm ừ: “Hôm nay mày dở tính làm sao thế, sao không nói lúc nãy. Mà thôi, nói cái gì thì nói mau đi, tao buồn ngủ lắm rồi đấy!”. Nghe cái giọng cục cằn của thằng chồng, con Xoan định nói việc có mang trước lại thôi. Cứ hỏi chuyện kia đã. “Thế nhà nó đi chiến trường thương tật thế nào mà không được xét thương binh, bệnh binh gì sất? Kể mà được là có khối tiêu chuẩn đấy”. Nhoáng cái, chưa kịp hiểu đầu đuôi ất giáp gì, con Xoan đã thấy bàn tay nhớp nhúa mồ hôi của thằng chồng bịt chặt mồm miệng mình, bên tai có tiếng rít khẽ: “Tổ cha con đượi, ai dạy mày nói vậy. Bố truyền đời cho mày biết, mày nói thêm lần nữa những chuyện thế này, ông bóp chết.” Mới nghe có vậy, con Xoan đã cong người bởi một cùi chỏ đánh thẳng vào mỏ ác, rồi cả một cơn mưa những đấm những đạp, những cấu véo vào ngực, bụng, cả bụng dưới, cả đùi ngoài đùi trong, cả giữa háng đến mụ cả người. Mồm bị bịt chặt nên nó chỉ ú ớ được vài tiếng rồi vừa sợ vừa đau quá, nó ngất xỉu đi. Chỉ đến khi thấy con vợ nhũn như dẻ khoai dưới đầu gối mình, thằng chồng mới hốt hoảng ngừng tay, nằm vật xuống giường thở hồng hộc. Đến gần sáng, khi cái lạnh từ chân đồi sau lưng nhà thấm vào, con Xoan mới tỉnh lại. Giữa cái lạnh lẽo dở đêm dở sáng, nghe phía chái bên kia nhà, tiếng bố chồng nó lụ hụ ho khan, giở mình nặng nề. Thi thoảng, xen vào tiếng thở dài cố nhịn của bà mẹ chồng chứng tỏ họ có biết trận đòn trong đêm con cái Xoan vừa hứng chịu. Vào lúc gà gáy sáng, trời còn chưa rõ mặt người, ông bố chồng đã dắt xe đạp lên huyện. Sau lúc ông đi, người nhà để ý thấy bát hương trên bàn thờ, có thêm nén hương ông cắm còn ngun ngún khói. Trận đòn đau làm con vợ thằng Đán bỏ buổi chợ, nằm bệt. Giữa buổi, con Xoan hốt hoảng thấy bụng dưới rút quặn lên, chút máu đen rỉ ra giữa háng. Bà mẹ chồng hốt hoảng gọi người võng ra trạm xá xã, con Xoan thế là không giữ nổi cái thai đầu. Thằng chồng nó, mặt xạm đen lại, cả ngày ngồi thu lu góc hè chẳng nói chẳng rằng. Sáng sớm ngày hôm sau, khi con Xoan và bà mẹ chồng còn đang trên trạm xá xã, thằng Đán lặng lẽ ra khỏi nhà rồi chiều tối và cả vài ngày sau không thấy nó quay về. Dễ đến vài tháng sau, mới thấy người làng nhắn về là có thấy thằng Đán đang đập đá trên xí nghiệp đá cuối huyện. Trận đòn đêm từ đó, không chỉ có vậy mà thường xảy ra mỗi khi thằng chồng say máu, đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hồn cho con Xoan, mãi đến tận sau này.

*
*    *

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


(Tiếp theo kỳ trước)
……
       Khi cái Xoan thay lại bộ quần áo mặc thường ngày xuống bếp cùng mấy bà già lo dọn bữa cỗ cưới thết đãi người trong họ thì nó mới biết nhà chồng cũng không đông người gì. Ngoài ông bố, bà mẹ chồng ra thì nó là dâu trưởng. Mấy cô cậu em chồng đứa thì mới lớn, đứa còn đang tuổi đi học, cỡ dăm ba người. Ông bố chồng có khuôn mặt hiền lành nhẫn nhịn,  mắt sâu mũi thẳng trông có dáng cán bộ thoát ly nhưng tịnh không mấy khi thấy ông cười. Đôi mắt thoáng có sắc u tối, buồn bã. Bà mẹ trông có vẻ già trước tuổi, dáng vất vả, người thấp nhỏ khép nép. Bữa cỗ cưới cũng không to tát gì, vài ba mâm với dăm món ăn được nấu nướng cẩn thận và cỗ món hơn ngày thường. Ông bố chồng, chồng nó và mấy ông già trong họ ngồi mâm trên, đặt trên chiếc giường cánh quạt duy nhất trong nhà. Bà mẹ chồng, mấy bà cô, bà dì, cô con dâu mới cưới và lũ trẻ con lau nhau ngồi ba bốn mâm dưới, mâm bát để cả dưới nền đất nện nứt nẻ, người ăn ngồi lên mấy cái đòn kê, gộc tre, chổi lúa…Bữa cơm không mấy ồn ào, đám đàn bà trẻ con ăn xong trước dọn mâm rồi lui. Mâm trên mọi người ăn uống chậm rãi, thỉnh thoảng mới thoáng nghe vài câu chuyện đưa đẩy. Trong gian chái nhỏ đầu hồi, từ nay là buồng riêng của vợ chồng nó, cái Xoan căng tai lắng nghe mà tịnh không thấy tiếng chồng đâu cả. Mặc dù chưa được nghe lời nói nào của anh ta với mình, song nó đoán biết được vì thấy toàn giọng người già trao qua đổi lại với nhau lẫn giữa tiếng thìa bát lách cách. Xong bữa, con Xoan và hai đứa em gái chồng dọn dẹp mâm bát xuống bếp, mấy đứa trẻ con xúm vào mút mát thêm chút đồ ăn thừa thì trời tối sụp. Họ hàng chú bác cô dì, anh chị em họ về dần hết cả. Nghe cữ đã hơn bảy giờ tối, tiếng loa chiếc bán dẫn để trên ban thờ của ông bố chồng đã bắt vào “câu chuyện cảnh giác” được một lúc. Gian giữa nhà trên, chiếc đèn dầu cao chân được treo trên chiếc quang tết bằng dây thép móc lên xà nhà hắt ra sân chút ánh sáng vàng mờ.
       Nghe tiếng mẹ chồng gọi, con Xoan vội ra ngoài gian giữa. Trên bộ bàn ghế tre, nó thấy ông bố chồng ngồi lặng lẽ bên chiếc điếu bát màu da lươn. Chồng nó ngồi phía đối diện, sát góc trong cạnh chiếc hòm gian đựng thóc, phần còn lại của khuôn mặt lúc đám cưới bị bàn tay che khuất giờ mới lộ rõ. Con Xoan bước vào, nhìn sững thằng chồng rồi đứng chết lặng đầu ghế. Trước mắt nó, một bên mặt người chồng nhìn không giống với bên kia. Một vết sẹo sâu hoắm găm giữa má làm khuôn mặt thằng đàn ông bị kéo lệch xuống. Xương hàm phía dưới nhìn như bị vặn lệch đi, sau làn da má phải không cần nhìn kỹ cũng đủ biết số răng bên trong không còn được mấy chiếc. Có lẽ vì vậy mà con mắt bên phải như bị đặt sai chỗ, trông vừa dài dại, vừa gian trá, ác độc. Không còn sức để làm gì hơn, nó sụm xuống mặt ghế, và nín lặng. Nó xấu xí, đen đủi kể có lấy được người đẹp đẽ tài cao thì cũng chỉ như “đũa mốc quài mâm son”, nhưng phải sống suốt đời với một khuôn mặt dị dạng như vậy thì chưa bao giờ nó dám nghĩ tới. Không khí chết lặng, nghe phía chái nhà bên kia, tiếng thở dài của bà mẹ chồng dù cố nín mà nghe sao nằng nặng. Con Xoan không khóc được, mà có muốn nó cũng chẳng dám. Trong ngôi nhà này, dẫu sao vào lúc này nó vẫn còn là người lạ, thân cô thế cô. Thời gian như dài ra, chờ đợi. Mãi rồi nó mới nghe thấy tiếng ông bố chồng nói, giọng nhẹ bấc:
       - Tôi mong nhà chị cả đừng có buồn quá. Thật tình tôi chẳng muốn thế này. Nó đi chiến trường, giữa mũi tên hòn đạn mà chỉ sơ sẩy vậy cũng còn là đại phúc. Trai lớn có vợ, gái lớn phải gả chồng. Đũa có đôi, chim có cặp. Tôi cần phải nói để hai vợ chồng biết thế để sống sao cho có phận. Thời buổi bom đạn, sống chết bất thường này giữ được mạng sống rồi cũng phải biết vo cho tròn cái bổn phận. Làm thế nào thì làm, cố mà thu xếp ăn ở cho có trước có sau, có trên có dưới. Ông bà bên nhà chị, do công tác xa nhà mà tôi chưa có lúc sang gặp được. Nhưng rồi thế nào cũng có dịp gặp nhau, tôi chắc ông bà thông gia cũng thông cảm. Từ nay, chị là dâu con trong nhà, thằng cả Đán liệu mà làm ăn, khi nào dư sức muốn ăn ở riêng tây tôi cũng cho, không có ngăn. Song lúc này, khi tôi còn vắng nhà, anh chị liệu mà chăm sóc gia đình, góp công góp sức cùng bu anh gìn giữ nếp nhà. Làm ăn sao cho nó phải đạo, tằn tiện phụ giúp nuôi các em đừng để phải thiếu đói. Mai tôi lên cơ quan, thi thoảng tôi về, có việc gì tôi tìm cách thêm cặp cho. Tối nay, hẵng biết vậy. Vợ chồng liệu mà sống với nhau cho vui vẻ.
       Ông chỉ nói vậy rồi đứng lên với tay vặn nhỏ bấc ngọn đèn dầu, nách cắp chiếc đài bán dẫn "Xiêng Mao" lững thững đi vào buồng ngủ, không để ý tiếng thằng con lí nhí vâng dạ. Gian nhà im phắc, nghe rõ tiếng ông ngả lưng xuống chiếc giường tre cọt kẹt. Trong bóng tối, vợ chồng con cái Xoan ngồi cứng người, chẳng đứa nào nói với đứa nào lấy một câu. Mãi sau, thằng chồng đứng lên, con Xoan theo sau khẽ khàng bước vào buồng chái. Trong gian buồng ẩm ướt, trên chiếc giường tre có trải chiếc chiếu viền cạp điều, bộ màn đôi nhuộm nâu, thứ được xem là sang trọng thời đó, trong ánh đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, con Xoan cứng người câm lặng chịu đựng thời khắc giã biệt đời con gái. Suốt đêm, bên thằng chồng ngáy to như kéo gỗ, con Xoan mới để nước mắt tràn ra ướt đẫm chiếc khăn tay nó mất hơn ba tháng trời thêu thùa vụng về hình đôi chim câu và hàng chữ hạnh phúc run rẩy bằng chỉ thêu màu vàng.
*
*      *
……
(Còn tiếp)