NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

XUÂN NÀY - TRỞ LẠI NHA TRANG


       Xuân này, tôi lại có dịp trở lại thành phố Nha Trang biển đẹp. Sau gần 20 năm rời xa, nay tôi trở lại gặp một Nha Trang đang mang trên mình một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn du khách. Từng con đường, từng công trình cũ mới đan xen nhau gợi nhớ bao kỷ niệm một thời. Hãy cùng tôi ngắm những hình ảnh chụp từ những khoảnh khắc phiêu du kỷ niệm.



Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 4.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Hóa ra câu chuyện không đến nỗi "phức tạp" như Chị tưởng tượng. Anh có một cô bạn gái người Hà Nội, học lớp dưới cùng khoa có gia đình sơ tán về xã bên cùng huyện này. Nhân gặp nhau khi cùng đi Bách thảo chơi chủ nhật. Anh bùi tai nghe cô bạn rủ về thăm nhà một buổi, tiện thể đưa cô em về thăm mẹ. Hăng hái, Anh lấy xe đạp chở cô về nhà nơi sơ tán thật. Đã ăn chiều rồi mới đi mà khi đưa cô bạn về đến nhà, thấy mẹ nấu bữa cháo lươn quá ngon, cô bạn ép Anh ăn thêm bằng được một bát. Ngon thì ngon thật, vì từ bé đến lớn Anh chưa từng được ăn thứ cháo này bao giờ. Ăn xong, ngồi chơi đến hơn chín giờ tối, Anh xin phép về rồi đi thẳng đến địa điểm thực tập cách đó hơn năm cây số. Vừa đem cất các thứ và xe cộ vào phòng thì Anh thấy đau bụng. Cơn đau bụng âm ỉ rồi cộn lên khó chịu. Chỉ vừa kịp nghĩ: "Thôi rồi, tại cháo lươn rồi", Anh cứ thế đi ra nhà vệ sinh sau khi khóa cửa lại cẩn thận. Giải quyết xong hậu quả của bát cháo đêm, trở lại phòng Anh mới giật mình. Anh đã vội đi ra, tay bấm khóa mà…để quên chùm chìa khóa trong nhà. Loay hoay một mình trước dãy nhà tập thể cán bộ huyện vắng teo vắng ngắt vì mọi người đều về nghỉ chủ nhật chưa lên. Đêm xuống, không còn cách nào hơn, Anh đánh liều ngồi dựa cột thềm chờ …sáng. Không biết vì sương lạnh hay vì mất sức sau trận "Tào Tháo đuổi" mà khi tỉnh lại, Anh đã thấy mình nằm tại phòng cấp cứu bệnh viện rồi. Cũng hú vía, vì cũng chỉ bị choáng nhẹ do ngấm lạnh mất sức mà thôi, chứ nếu nặng hơn thì…

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 3.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       - Này, Nhung! Mày chạy đâu mà như ma đuổi thế!
       - Mày theo tao nhanh lên. Ngoài phòng khám có một ca cấp cứu. Ông Tiền trưởng khoa đang gọi mình ồi ồi kia kìa.
       Ca cấp cứu là một thanh niên. Khuôn mặt trắng bệch, đôi mắt nhắm nghiền trên chiếc cáng thương. Nhìn qua biết ngay là bệnh nhân rất mệt. Trán dịn mồ hôi lạnh mà chân tay lại nóng rãy. Mấy người đàn ông, đa phần trạc tuổi bệnh nhân trông có vẻ hốt hoảng.
       - Bọn tôi lên đến cơ quan thì thấy cậu ta nằm vật bên thềm dãy nhà nghỉ của cơ quan huyện. Vừa rồi cậu ấy tỉnh lại mới biết cậu ấy lên đây từ tối hôm qua. Vậy mà phòng nghỉ thì khóa, còn người thì nằm ngoài thềm. Các bác sĩ bệnh viện chăm sóc giúp chúng tôi. Cả đoàn sinh viên thực tập chỉ có sáu anh chị em. Chúng tôi gửi cậu ấy điều trị tại đây, hôm nay sẽ có người về Hà Nội báo cáo với khoa và nhà trường.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 2


(Tiếp theo)
       …….

       - Con chào Bà! Con chào Bà! Con Út mập của Bà đây! Con Bớp đây Bà nè!
       Lũ trẻ nhao nhao, tíu tít. Đứa chạy lại ôm cổ, đứa ghé miệng thơm dây cả nước miếng lên mặt. Chị giang tay ôm tất cả lũ nhóc vào lòng, tay móc quà phân phát cho từng đứa.
       - Con chào dì ạ. Mấy đứa từ từ để Bà yên chỗ đã nào, chưa chi đã xúm xít bám quanh bà vậy thì Bà mệt còn chi. Hôm nay dì qua sớm, không đi chơi đâu sao? Má con trên lầu. Mấy bữa nay bả kêu đau đầu, nhức mỏi tay chân suốt. Bỏ tập dưỡng sinh với mấy bà hàng xóm cả mấy hôm rồi. Dì lên lầu trên chơi với má con. Nào! Mấy đứa, dang ra cho Bà lên lầu chơi với ngoại nào!
       Rời đám con nít, Chị nhẹ bước lên lầu. Trên chiếc giường đôi rộng rãi, chị Hai nằm đó, miệng nở nụ cười buồn.
       - Dì qua chơi đấy à. Bữa nay chị đỡ chút chút rồi. Huyết áp tụt thấp suốt, không lên đủ mức khiến đầu nặng như đá đeo mấy hôm liền.
       - Chị phải chịu khó dùng thuốc, chứ đừng bữa uống bữa bỏ. Chứng thiếu máu não hại sức lắm đấy. Mà phải chịu khó ăn uống chứ. Em nghe bọn nhỏ kêu má chẳng chịu ăn uống gì. Lấy sức đâu mà thuốc thang. Mà Anh đâu chị?
       - Ổng qua mấy ông bạn cựu chiến binh cùng sư đoàn. Mấy hôm vợ ốm quanh quẩn bên chị chắc tù túng, cuồng chân mỏi cẳng sao mà sáng nay thấy vợ đỡ đỡ, bạn gọi là đi liền. Đàn ông bạn bè, đàn đúm quen rồi, ngồi một mình lâu chịu đâu có nổi.

      

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (HAY NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU) - KỲ 1


          Lời người viết:
          Tôi chọn hôm nay, mồng 5 Tết Quý Tỵ - "ngày Tình yêu" (Valentine's Day) để lên trang ngày đầu năm mới với hy vọng một năm mới an lành, tràn đầy yêu thương. Xin gửi tặng đến bạn đọc gần xa, những người đã từng yêu, đang yêu và sẽ yêu một sáng tác văn chương nho nhỏ, truyện dài kỳ:

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 1

          Mông lung, tăm tối không cùng. Giữa muôn vàn va chạm của bản năng sinh tồn, người đàn bà chầm chậm bước ra khỏi thế giới vô thức. Mọi thứ xung quanh chị trông thấy đấy mà không thể gọi được tên. Trong tâm thức, chị không biết mình đang ở đâu. Mọi thứ cứ xa xa, gần gần hình cốt méo mó, vặn vẹo. Đâu đó chợt le lói chút ánh sáng yếu ớt nhập nhoạng. Chị hốt hoảng khi thấy mình không thể cụng cựa được tay chân. Cơ thể chìm xuống, chìm xuống rồi lại bỗng như bồng bềnh, bồng bềnh trỗi lên. Không thể ý thức được không gian, thời gian. Không thể định hình được vật thể trước mắt. Phía xa, từ cõi mịt mùng mê muội, mờ nhòa bỗng hiện dần lên những góc cạnh hình khối vật dụng xa lạ. Chị tỉnh lại chậm chạp sau cơn mê. Trong mớ hỗn độn cảm xúc trở lại chị mơ hồ chợt hiểu và nhớ ra, mình vừa trải qua một cuộc phẫu thuật. Xen giữa màu trắng sạch sẽ của bệnh phòng, những máy móc, dụng cụ gì đó lấp loáng. Trên bàn tay xanh xao, ống truyền mềm nối cơ thể chị với bình thuốc trên giá đỡ đầu giường. Giờ là đêm hay ngày? sao chỉ có mình chị nằm đây. Cùng với sự trở lại của nhận thức, cảm giác cơ thể chậm rãi nhận biết sự mỏi mệt nặng trĩu, mơ hồ những đánh động chai tê của cảm nhận cái đau. Lúc đầu chỉ thoáng qua như vết chạm nhẹ, càng về sau càng rõ ràng hơn sự mất vắng đâu đó của một bộ phận cơ thể. Cuối cùng thì mọi thứ cũng trở về chi tiết hơn, rõ ràng hơn. Sau lớp bông gạc, những co giật nhè nhẹ râm ran phía bụng dưới đã có thể cảm nhận được vị trí của vết mổ. Phải rồi, Chị vừa bị cắt bỏ bộ phận quan trọng nhất của thiên chức làm mẹ. Chứng bệnh u xơ dạ con quái quỷ đã dẫn đến cuộc phẫu thuật này. Với người bác sĩ phẫu thuật, chẳng qua  đây cũng chỉ là một ca mổ bình thường giữa hàng trăm, hàng nghìn lần đưa dao can thiệp vào cơ thể người bệnh. Nhưng với người đàn bà như chị, thế là chấm dứt những mong đợi làm mẹ, chấm dứt những phập phồng trông đợi. Và hơn thế, đó có phải là dấu chấm hết của những giấc mơ yêu thương đôi lứa, kết thúc những trông đợi hân hoan của hạnh phúc làm vợ, của thiên chức làm mẹ? Phải, thế là hết! Chị yêu, đã yêu thật nhiều nhưng sẽ khó, rất khó thậm chí có thể là không bao giờ những yên ấm gia đình chồng vợ đến với chị được nữa. Mà cho đến lúc này, chị đã được làm vợ ai đâu! Ở đâu đó ngoài kia, ở rất xa nơi này người chị hằng yêu dấu hồi nào đâu biết được ca phẫu thuật bình thường này?! Và Anh cũng đâu biết, ca mổ đã lấy đi từ cuộc đời của Chị những gì? Chị biết chỉ mình chị phải chịu đựng điều kinh khủng này. Và mang nó suốt đời, đóng kín niêm phong niềm mong ước đàn bà, có chồng và có những đứa con. Nước mắt tràn mi, chị nghiêng mặt bên gối, để mặc những dòng nước mắt tiếc nuối pha chút tủi hờn thấm loang trên mặt vải chiếc gối mềm.


         

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM (Tiếp) - Truyện ngắn.

(Tiếp theo và hết)
.........

       Tôi quay sang cô nhân viên trực toa:
       - Phiền chị thế này nhé. Tôi vừa cho cô gái dùng trứng, gừng để đánh cảm từ bên trong. Chị khẽ nhắc cô gái chỉ chỗ lấy quần áo ra để cạnh gối. Đắp chăn kín ngang miệng cho cô ấy. Khoảng nửa tiếng nữa, cô ấy sẽ đổ rất nhiều mồ hôi. Khi nào thấy ướt hết quần áo, chị giúp cô ấy cởi bỏ ra, mặc bộ khác vào. Cứ như vậy, ướt lại thay. Chỉ ba lần là thấm hết mồ hôi ra, nếu tốt, cô ấy sẽ được giải cảm. Tôi là đàn ông, không tiện làm việc này.
       - Vâng, anh cứ để tôi.
       Quả nhiên, sau nửa tiếng, cô gái đã ra mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo đang mặc. Cô nhân viên giúp cô gái lau khô người, thay bộ khác xong thì tàu vào ga Vinh.
       - Anh trông nom cố ấy một lúc nhé, tôi phải làm nhiệm vụ đón khách lên tàu.
       Cô nhân viên đường sắt kéo tay tôi lên ngồi ghé bên chiếc giường tầng trên rồi nhảy xuống, ra đầu toa chuẩn bị đón khách. Bà cụ già cùng anh bộ đội nhẹ nhàng chào tôi rồi tiến ra cửa toa. Tàu dừng bánh. Tiếng hành khách lên xuống toa tàu lao xao. Toa tôi chỉ thêm có một hành khách. Một phụ nữ trung tuổi lên toa thay vào chiếc giường của bà cụ. Thế là toa của tôi chỉ có ba hành khách, trong đó, chỉ có mỗi tôi là đàn ông.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM - (Truyện ngắn.)


         Một ngày đầu mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngồi yên lặng trước ly cà phê đen nóng. Tiệm Café Trung Nguyên Sport trên đường Trần Quốc Toản, giáp ngã ba Hai Bà Trưng, quận 1, gần Chợ Tân Định nhìn ra đường phố bên ngoài qua ô cửa sổ kính dày, trong suốt. Mới đầu giờ sáng mà quán đã khá đông khách. Trong tiếng nhạc êm nhẹ, tôi chợt cảm giác có người đang nhìn mình. Kia rồi, chỉ cách nơi tôi ngồi hai dãy bàn, có một người thiếu phụ đang nhìn về phía tôi chăm chú. Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, người thiếu phụ bỏ đôi kiếng mát, lộ rõ toàn bộ gương mặt thanh tú. Trông quen quen. Lục tìm trong ký ức, giữa bao nhiêu khuôn mặt quen biết tôi không thể nhớ ra người thiếu phụ nọ. Nhưng vẻ mặt rất quen, ít nhất là đã được gặp ở đâu đó. Chợt người thiếu phụ bưng ly nước hoa quả rời chỗ tiến đến chiếc ghế còn trống nơi bàn tôi ngồi. Nghiêng mình lịch sự, chị hỏi nhỏ:"Anh cho phép em ngồi cùng bàn nha!". Tôi vội đáp: "Xin chị cứ tự nhiên, tôi chỉ có một mình ở bàn này". Chị nhẹ nhàng ngồi xuống, miệng cười mỉm duyên dáng. Nụ cười, phải rồi…nụ cười này trông thật quen thuộc. Song tôi vẫn chịu, không nhận ra người thiếu phụ là ai.
      

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

LỄ HỘI ĐÌNH CHÙA DƯỠNG THÁI XÃ PHÚC THÀNH, HUYỆN KIM THÀNH TỈNH HẢI DƯƠNG


           Vào thế kỷ 18, 19 làng Dưỡng Thái còn thuộc tổng Bất Nạo, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8/1945 thôn Dưỡng Thái thuộc xã Phúc Thành, Hải Dương. Xã Phúc Thành nằm ở phía Bắc huyện Kim Thành, có hai thôn là Dưỡng Thái và An Thái. Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 07/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ tách thôn An Thái và một phần xóm 3 thôn Dưỡng Thái thành lập Thị trấn Phú Thái. Phần còn lại của thôn Dưỡng Thái là xã Phúc Thành ngày nay. Xã Phúc Thành nằm bên đường Quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải phòng, có vị trí chiến lược  hết sức quan trọng cho giao thương, kinh tế và phát triển văn hóa, du lịch. Phía Bắc, giáp sông Kinh Môn nhìn về phía đỉnh An Phụ nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Phía Nam giáp với xã Kim Anh. Phía Đông giáp thị trấn Phú Thái và sông Kinh Môn. Phía Tây giáp với xã Kim Xuyên. Xã Phúc Thành có cụm di tích lịch sử quốc gia là Đình - Chùa Dưỡng Thái, là một trong số ít các di tích bao gồm cả đình và chùa (toàn tỉnh chỉ có 11 di tích đình - chùa là DTLSQG)([1])cùng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1568 QĐ/BT ngày 20-4-1995. Đình - Chùa Dưỡng Thái còn có vị trí mở đầu tuyến các di tích quan trọng trong tiểu vùng Kim Thành - Kinh Môn với một loạt di tích quan trọng, có ý nghĩa vùng văn hóa trọng điểm của tỉnh Hải Dương như Đình Huề Trì, khu di tích An Phụ - Tượng đài Trần Hưng Đạo, động Kính Chủ…Đó là những địa danh quá quen thuộc đối với khách thập phương và xứng đáng  được coi là một trong những tài nguyên du lịch của tỉnh.
         

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG MỘT MÌNH TRONG CĂN NHÀ CUỐI NGÕ. - (Truyện ngắn.) BÌNH DƯƠNG


       Đêm mùa đông thật lạnh. Chị kéo chiếc chăn len dày lên ngang cổ, khẽ xuýt xoa. Mùa đông năm nay sao lạnh thế. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ cứ chập chờn mãi không chịu đến. Ngoài sân, có tiếng lá rụng thật khẽ. Lại một đêm dài nữa, người đàn bà nằm nghe lá rụng. Căn hộ ba tầng, mỗi tầng chỉ mười lăm mét vuông như quá rộng đối với một mình chị. Thêm một mùa đông nữa, chị mong Anh đến trong nỗi nhớ nhung cồn cào.
       Mùa đông này là mùa đông thứ hai, không không phải vậy. Phải nói rằng đã hơn hai năm nay, Anh không ra Hà Nội. Trong ngăn tủ đứng kia, mấy bộ quần áo của Anh vẫn treo đó. Có cả bộ mặc hè, thu có cả bộ mặc mùa đông. Tất cả đều sạch sẽ, thơm tho in dấu tay Chị giặt giũ. Những bộ quần áo treo trên mắc, nhắc đến Anh thật nhiều, mỗi khi chị mở tủ lấy đồ. Phải, hơn hai năm rồi, không thấy Anh bay ra Hà Nội.
      

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

LỄ HỘI ĐÌNH NGỌC UYÊN


        Đình Ngọc Uyên thuộc Phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương. Ngôi đình xưa đẹp đến mức bia "Ngọc đình bi ký" được lưu giữ trong Đình làng Ngọc Uyên mô tả với rất nhiều mỹ tự:
          …."Ngôi đình ở phía đông thành Phượng, đó chính là Đình Ngọc Uyên. Bao quanh đình hai bên tả hữu là sông Thái Bình. Xa xa cảnh đẹp thu vào tầm mắt là án Ngọc Lặc cao chót vót. Phía trước giao lưu chảy xiết với sông Lục Đầu. Phía sau cây cối tươi tốt xum xuê. Nổi gần đẹp mắt đó là điền Triều (ruộng Triều). Trên dưới phì nhiêu tươi tốt. Nghìn cây cổ thụ râm mát là nơi chim chóc tụ hội véo von. Đường rộng thênh thang, ngựa xe qua lại tấp nập. Ngôi đình quả là một danh lam thắng cảnh vậy"…
          Làng Ngọc Uyên (玉淵)(tên Nôm là làng Đũi) xưa còn một ngôi văn chỉ cạnh đình Ngọc Uyên bây giờ. "Từ chỉ bi ký" - Bia ghi công đức của Hội tư văn bản xã có bài minh chép hai câu như sau:([1])
林 勝 地 第 一 玉 淵
文 風 初 振 逃 脈 永 傳
才 世 出 科 甲 步 聯
碑 成 之 後 福 享 憶 年
          Phiên âm như sau:
          Minh viết:
          Thanh Lâm thắng địa đệ nhất Ngọc Uyên.
          Văn phong sơ chấn đạo mạch vĩnh truyền
          Nhân tài thế xuất khoa giáp bộ niên
          Bi thành chi hậu phúc hưởng ức niên
          Dịch nghĩa rằng:
          Đất Ngọc Uyên là nơi thắng cảnh đẹp nhất huyện Thanh Lâm
          Văn hóa phong tục thuần hậu nổi tiếng mạch đất mãi lưu truyền
          Nhân tài xuất thế qua các khoa giáp đều kế tiếp nhau đỗ đạt
          Ghi lại trên bia để muôn đời, phúc hưởng ngàn năm.
….