NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM - (Truyện ngắn.)


         Một ngày đầu mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngồi yên lặng trước ly cà phê đen nóng. Tiệm Café Trung Nguyên Sport trên đường Trần Quốc Toản, giáp ngã ba Hai Bà Trưng, quận 1, gần Chợ Tân Định nhìn ra đường phố bên ngoài qua ô cửa sổ kính dày, trong suốt. Mới đầu giờ sáng mà quán đã khá đông khách. Trong tiếng nhạc êm nhẹ, tôi chợt cảm giác có người đang nhìn mình. Kia rồi, chỉ cách nơi tôi ngồi hai dãy bàn, có một người thiếu phụ đang nhìn về phía tôi chăm chú. Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, người thiếu phụ bỏ đôi kiếng mát, lộ rõ toàn bộ gương mặt thanh tú. Trông quen quen. Lục tìm trong ký ức, giữa bao nhiêu khuôn mặt quen biết tôi không thể nhớ ra người thiếu phụ nọ. Nhưng vẻ mặt rất quen, ít nhất là đã được gặp ở đâu đó. Chợt người thiếu phụ bưng ly nước hoa quả rời chỗ tiến đến chiếc ghế còn trống nơi bàn tôi ngồi. Nghiêng mình lịch sự, chị hỏi nhỏ:"Anh cho phép em ngồi cùng bàn nha!". Tôi vội đáp: "Xin chị cứ tự nhiên, tôi chỉ có một mình ở bàn này". Chị nhẹ nhàng ngồi xuống, miệng cười mỉm duyên dáng. Nụ cười, phải rồi…nụ cười này trông thật quen thuộc. Song tôi vẫn chịu, không nhận ra người thiếu phụ là ai.
      

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

LỄ HỘI ĐÌNH CHÙA DƯỠNG THÁI XÃ PHÚC THÀNH, HUYỆN KIM THÀNH TỈNH HẢI DƯƠNG


           Vào thế kỷ 18, 19 làng Dưỡng Thái còn thuộc tổng Bất Nạo, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8/1945 thôn Dưỡng Thái thuộc xã Phúc Thành, Hải Dương. Xã Phúc Thành nằm ở phía Bắc huyện Kim Thành, có hai thôn là Dưỡng Thái và An Thái. Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 07/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ tách thôn An Thái và một phần xóm 3 thôn Dưỡng Thái thành lập Thị trấn Phú Thái. Phần còn lại của thôn Dưỡng Thái là xã Phúc Thành ngày nay. Xã Phúc Thành nằm bên đường Quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải phòng, có vị trí chiến lược  hết sức quan trọng cho giao thương, kinh tế và phát triển văn hóa, du lịch. Phía Bắc, giáp sông Kinh Môn nhìn về phía đỉnh An Phụ nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Phía Nam giáp với xã Kim Anh. Phía Đông giáp thị trấn Phú Thái và sông Kinh Môn. Phía Tây giáp với xã Kim Xuyên. Xã Phúc Thành có cụm di tích lịch sử quốc gia là Đình - Chùa Dưỡng Thái, là một trong số ít các di tích bao gồm cả đình và chùa (toàn tỉnh chỉ có 11 di tích đình - chùa là DTLSQG)([1])cùng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1568 QĐ/BT ngày 20-4-1995. Đình - Chùa Dưỡng Thái còn có vị trí mở đầu tuyến các di tích quan trọng trong tiểu vùng Kim Thành - Kinh Môn với một loạt di tích quan trọng, có ý nghĩa vùng văn hóa trọng điểm của tỉnh Hải Dương như Đình Huề Trì, khu di tích An Phụ - Tượng đài Trần Hưng Đạo, động Kính Chủ…Đó là những địa danh quá quen thuộc đối với khách thập phương và xứng đáng  được coi là một trong những tài nguyên du lịch của tỉnh.
         

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG MỘT MÌNH TRONG CĂN NHÀ CUỐI NGÕ. - (Truyện ngắn.) BÌNH DƯƠNG


       Đêm mùa đông thật lạnh. Chị kéo chiếc chăn len dày lên ngang cổ, khẽ xuýt xoa. Mùa đông năm nay sao lạnh thế. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ cứ chập chờn mãi không chịu đến. Ngoài sân, có tiếng lá rụng thật khẽ. Lại một đêm dài nữa, người đàn bà nằm nghe lá rụng. Căn hộ ba tầng, mỗi tầng chỉ mười lăm mét vuông như quá rộng đối với một mình chị. Thêm một mùa đông nữa, chị mong Anh đến trong nỗi nhớ nhung cồn cào.
       Mùa đông này là mùa đông thứ hai, không không phải vậy. Phải nói rằng đã hơn hai năm nay, Anh không ra Hà Nội. Trong ngăn tủ đứng kia, mấy bộ quần áo của Anh vẫn treo đó. Có cả bộ mặc hè, thu có cả bộ mặc mùa đông. Tất cả đều sạch sẽ, thơm tho in dấu tay Chị giặt giũ. Những bộ quần áo treo trên mắc, nhắc đến Anh thật nhiều, mỗi khi chị mở tủ lấy đồ. Phải, hơn hai năm rồi, không thấy Anh bay ra Hà Nội.
      

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

LỄ HỘI ĐÌNH NGỌC UYÊN


        Đình Ngọc Uyên thuộc Phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương. Ngôi đình xưa đẹp đến mức bia "Ngọc đình bi ký" được lưu giữ trong Đình làng Ngọc Uyên mô tả với rất nhiều mỹ tự:
          …."Ngôi đình ở phía đông thành Phượng, đó chính là Đình Ngọc Uyên. Bao quanh đình hai bên tả hữu là sông Thái Bình. Xa xa cảnh đẹp thu vào tầm mắt là án Ngọc Lặc cao chót vót. Phía trước giao lưu chảy xiết với sông Lục Đầu. Phía sau cây cối tươi tốt xum xuê. Nổi gần đẹp mắt đó là điền Triều (ruộng Triều). Trên dưới phì nhiêu tươi tốt. Nghìn cây cổ thụ râm mát là nơi chim chóc tụ hội véo von. Đường rộng thênh thang, ngựa xe qua lại tấp nập. Ngôi đình quả là một danh lam thắng cảnh vậy"…
          Làng Ngọc Uyên (玉淵)(tên Nôm là làng Đũi) xưa còn một ngôi văn chỉ cạnh đình Ngọc Uyên bây giờ. "Từ chỉ bi ký" - Bia ghi công đức của Hội tư văn bản xã có bài minh chép hai câu như sau:([1])
林 勝 地 第 一 玉 淵
文 風 初 振 逃 脈 永 傳
才 世 出 科 甲 步 聯
碑 成 之 後 福 享 憶 年
          Phiên âm như sau:
          Minh viết:
          Thanh Lâm thắng địa đệ nhất Ngọc Uyên.
          Văn phong sơ chấn đạo mạch vĩnh truyền
          Nhân tài thế xuất khoa giáp bộ niên
          Bi thành chi hậu phúc hưởng ức niên
          Dịch nghĩa rằng:
          Đất Ngọc Uyên là nơi thắng cảnh đẹp nhất huyện Thanh Lâm
          Văn hóa phong tục thuần hậu nổi tiếng mạch đất mãi lưu truyền
          Nhân tài xuất thế qua các khoa giáp đều kế tiếp nhau đỗ đạt
          Ghi lại trên bia để muôn đời, phúc hưởng ngàn năm.
….
         

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo và hết)

       Sau cú ngã phải nằm viện đến hơn nửa tháng, lúc ra viện mạng sườn lão Đán còn phải bó bằng băng dính bản rộng mất vài tháng sau nữa. Nghỉ nhà thêm hai chục ngày, lão ra cơ quan. Cô tạp vụ được lệnh sắm cho thủ trưởng chiếc ấm sắc thuốc dùng điện. Ngày nào cũng vậy, suốt ba tháng liền, bất kể sớm tối từ phòng lão bay ra mùi thuốc bắc nhức mũi. Đến cả con chó lai to tướng của nhà bác Đổng bảo vệ đi làm theo chủ cũng đâm nghiện cái mùi thuốc bắc theo gió thoảng xuống góc sân. Nó thường nằm phục dưới góc nhà bảo vệ, mắt ươn ướt lim dim hấc hấc mũi tìm hương thuốc trong gió. Dễ đến vài ba tháng sau khi sếp hết dùng thuốc bắc, con chó vẫn còn có thói quen hướng cái mõm nhễu rớt rãi lên tầng hai, tìm hơi thuốc quen thuộc, miệng tru từng hồi khe khẽ não nề. Đám thanh niên cơ quan cứ đùa ông Đổng: "Khi nào nó muốn ăn riềng, bác cho chúng cháu đụng với nhé. Có miếng rựa mận của nó, chắc tốt xương lắm đấy!"
      

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Đây là cơ quan thứ hai mà lão Đán chuyển đến từ sau cái đận chạy từ huyện lên tỉnh. Cơ quan đầu tiên là một cơ quan tuyên truyền. Làm việc được đâu dăm năm, đơn thư từ các địa phương, đơn vị gửi tới cứ ào ào. Nội dung đơn thư khoét sâu vào nghi án "B quay" của lão, và không tán thành với vị trí và công việc của lão hiện nay. Họ kiện về tư cách đạo đức, về vị thế tuyên truyền viên của lão, kiện cả đến cái cách ăn nói "phộng phạo", "khôn không ra khôn, ngu không ra ngu" của lão khi xuống địa phương, cơ sở. Lại hì hụi kiếm cách "chạy chỗ". Vẫn "chỗ vịn" cũ, vốn đã "thăng lên" bậc trung ương hơn chục năm rồi. Chỉ với vẻn vẹn có mỗi dòng thư tay ghi chéo bên lá đơn liên hệ chuyển cơ quan công tác "Các đồng chí lưu ý giúp đỡ - Đoàn Suyền". Guồng máy chạy êm thít, tổ chức chuyển lão về đơn vị này, một cơ sở đào tạo nghề. Lại vẫn tiếp tục đơn thư như bươm bướm đổ về các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng có lẽ việc lão chỉ còn dăm ba năm công tác nên đơn thư được găm nằm "ngủ quên" ở đâu đó, không thấy giải quyết gì. Mãi rồi cũng yên. May mà vừa vào đơn vị trước được một năm, lão cũng được kết nạp đảng, nhờ mảnh giấy giới thiệu đã qua lớp bồi dưỡng  đối tượng kết nạp "mua" được từ lão Diên - trạm trưởng Trạm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp thủy tinh "Làng Tre" ngày nào. Duy có điều, chưa bao giờ lão được giới thiệu vào cấp ủy, chưa bao giờ được bầu làm bí thư chi bộ. Ở đâu cũng vậy, cả cơ quan cũ lẫn ở đây, cơ sở đào tạo nghề này. Là trưởng đơn vị thật, nhưng cứ đụng đến cái vai phải ngồi dự hội nghị thành lập hoặc đại hội hội cựu chiến binh là lão đánh bài tránh mặt, ủy quyền dự cho người khác trong ban giám hiệu. Ngày lễ thành lập quân đội, ngày thương binh liệt sĩ, đố có thấy mặt lão. Trong sở, có lẽ duy nhất chỉ có đơn vị này cấp trưởng không phải là bí thư chi bộ, không nằm trong cấp ủy. "Chỉ còn gần hai năm nữa thôi, mình thu xếp hạ cánh thật êm là yên chuyện, hết phim!". Lão nghĩ bụng vậy khi cô cấp dưỡng nhà ăn gõ cửa bưng mâm cơm riêng của lão đưa vào. Với tay mở tủ, ôm vò rượu "Ama Kông" nhờ tay hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên ở Buôn Mê Thuột mua giúp gửi ra, lão rót lấy một chén to. Xong bữa, lão mở cánh cửa sau, định bước ra ngoài hành lang, đi về phía toilet cuối dãy rửa mặt mũi.
       - Chào sếp! Hôm nay sếp ở lại không về với "hoa hậu phường" à?
       - Ô! Cô giáo đấy à, tôi có việc làm thêm buổi tối. Thế nào, mai về Hà Nội phải không?
       - Vâng, em vừa xong học trình chiều nay rồi. Mai tạm biệt bác, Em "xuôi".
       Nhìn người thiếu phụ trẻ vai vắt chiếc khăn tắm tươi rói bước vào toilet cuối hành lang, lão khép cửa phòng riêng lại. Theo luồng gió nam, mùi nước hoa Chanel thoảng tới, lão nhắm mắt hít nhẹ. Phụ nữ bây giờ sung sướng mà sành điệu thật.
      

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ……….
       Chờ đám nhân viên lục tục tản về phòng làm việc. Lão Phúc Kim mở cánh cửa ngách thông sang phòng Hiệu trưởng. Mở máy lạnh, lão ngả người trên chiếc ghế xoay gãi gãi đầu mỹ mãn. Nếu tiến độ công việc chạy được tốt, khu nhà bên kia xây xong, cũng vừa lúc còn được hơn hai tháng vẽ trò khai trương, khánh thành công trình thật xôm tụ trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu là vừa. Nghiêng người về phía chiếc tủ gương, gã tự ngắm mình. "Ừ! Mà cái thằng bác sĩ nha khoa làm quá khéo, trông cái mặt mình có vẻ trẻ ra thật. Giá như không có…"
        Chương trình hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức tại Nha Trang sau hơn hơn hai ngày thì kết thúc. Bữa chiều, Sở giáo dục Khánh Hòa chiêu đãi tiệc mừng hội nghị tại Công ty cổ phần khách sạn Nha Trang - Lầu 7, nằm trên đường Thống Nhất. Con đường buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố, có nhiều cửa hiệu nhà hàng sang trọng, ngon và hấp dẫn du khách có tiếng của Nha Trang. Phòng ăn được thuê đặt trên tầng cao nhất của ngôi nhà. Đứng từ đó, có thể ngắm toàn thành phố rực lên dưới ánh đèn đêm. Phía xa bức tượng Phật ngồi trên tòa sen màu trắng chùa Long Sơn cao ngang ngôi nhà năm tầng, sừng sững trong đêm hắt ánh sáng lade xanh mạ lên bầu trời. Phía biển, từng quầng sáng, quầng sáng tàu cá, tàu du lịch như trôi trong đêm. Vị Giám đốc sở Giáo dục Khánh Hòa nâng ly Chivas Rigan mở lời mời chào thực khách. Với danh nghĩa đơn vị đăng cai, ông ta đã cho gọi riêng mỗi bàn một chai Chivas để chúc sức khỏe các quan chức và đại biểu các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp các tỉnh thành ngồi dự tiệc. Cùng lúc, chức sắc các trường Đại học thủy sản, Cao đẳng Văn hóa Du lịch, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng nghề, Cao đẳng sư phạm….Nha Trang được bố trí ngồi với từng dãy bàn đồng loạt làm theo để chúc rượu hơn một trăm đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Bộ. Không khí bữa tiệc bừng lên, rộn tiếng chúc tụng, hỏi han, nói cười. Bóng nhân viên nhà hàng thướt tha giữa các dãy bàn phủ vải đỏ booc - đô. Trên bục sân khấu, các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn phục vụ trong tiếng nhạc nhẹ êm ái. Bữa tiệc kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc. Khi thày trò Phúc Kim lên xe về tới khách sạn Hải Yến nằm trên đường Trần Phú thì đã hơn mười hai giờ đêm, đầu óc mấy thày trò đã "tây tây". Trước khi lên gường, lão Phúc Kim  còn tháo bộ răng giả nhựa gắn trong vòm miệng phía bên phải rửa cẩn thận bằng nước phích rồi ngâm vào chiếc cốc vại thủy tinh duy nhất có trên chiếc bàn ngủ đầu gường. Sáng sớm ra, khi mở mắt dậy, việc đầu tiên lão làm trong ngày là tìm bộ răng để lắp vào. Hôm nay, lão định rủ cậu lái xe của Sở đi chợ Đầm mua sắm, sau khi đưa sếp phó Sở đi thăm bạn ở Cao đẳng Văn hóa Du lịch bên Đồng Đế. Song lão không tin vào mắt mình khi tìm mãi mới nhìn thấy chiếc cốc cạn trơ đáy nằm chỏng trơ trong bàn gương toilet. Hoảng hồn, hỏi cậu lái xe, nó nói tỉnh queo: "Cái cốc nước bẩn trên bàn ngủ đầu gường bác chứ gì? em đổ nước bẩn trong trong cốc vào bồn cầu rồi. Đêm qua, khát quá mò dậy lấy nước uống, em thấy cốc chứa thứ gì lềnh phềnh, em đổ luôn rồi rửa sạch để lấy nước sạch uống. Uống xong em để cốc trong toilet mà!". "Chết dở, bộ răng của tao, thằng chết dẫm", lão chỉ muốn thét lên mắng nó mà miệng thì im thít không nói được tiếng nào. Mở nắp bồn cầu xem, đã có người xả nước đi từ bao giờ rồi. Trong vắt, chẳng còn gì. Dở khóc dở cười, lão đành bỏ dở cuộc đi, nói cậu lái xe cứ chở sếp đi chơi. "Hôm nay tớ thấy đau răng nhức đầu quá, nghỉ đã".
       Khi sếp sở và lái xe đi rồi, lão mới xuống quầy tiếp tân, nhờ nhân viên khách sạn chỉ chỗ và gọi xe giúp đến phòng khám nha khoa tư nhân. Tại đó, sau chút đắn đo, lão đồng ý làm tuốt cả hàm răng mới, làm cỏ luôn số răng lởm khởm còn lại từ thuở thiếu thời. Mất đúng bốn ngày. Ngày ngày, Sếp sở cứ đi chơi với cậu lái xe, tiện đâu ăn đấy. Còn lão, với chiếc khẩu trang bịt kín mồm đi làm hàm răng mới, đến bữa lại kiếm bát cháo ngao, cháo cá dằn bụng. Làm xong răng, ngắm hóa ra được, không đến nỗi nào. Mà cái thằng nha sĩ làm đến khéo. Răng sứ nhé, cứ là bóng mịn, sáng láng đào sâu chôn chặt. Không còn phải tháo ra tra vào nữa, rách việc. Đắt sắt ra miếng, mất toi chiếc nhẫn năm chỉ vàng. Lão liếc nhìn tấm ảnh ông bố đặt trên nóc tủ cùng chiếc bát hương nhỏ. Dù ở nhà đã đặt bàn thờ, song lão vẫn cứ đặt thêm một bát hương ở đây, những thầm muốn ông cụ tiếp tục đỡ cho mình hàng ngày.
       Ông Kính mất chỉ vài tháng sau khi thằng Đán chuyển ra từ phía nam. Trong những ngày quanh quẩn bên ông già, thằng Đán được ông kể lại gốc gác gia đình mình.
       Họ không phải là cư dân bản địa của vùng đất này. Họ vốn gốc ở bên Bắc Giang. Ông nội gã trước cũng chẳng làm quan nhiêu to tát gì, chỉ là tay trương tuần quèn chốn hương thôn. Mất đến gần ba quan tiền để mua lấy vai tiên chỉ lúc ngoại tứ tuần chẳng qua cũng để ne nẹt dân làng. Cách mạng tháng tám như gió cuốn bốc trôi đám hương hào bá lý, gia đình gã cùng họ hàng trôi dạt mỗi người mỗi xứ. Ông nội gã đem cả nhà sang ở phố núi bên này. Lớn lên, ông Kính lớ ngớ thế nào, đang học đệ tứ trường làng thì bị bắt đi lính. Tưởng mất xác ở Điện Biên Phủ thì Pháp thua trận, ông chạy thoát được về nhà. Việc tham gia dạy bình dân học vụ ở địa phương vài năm sau hòa bình như một cơ may để ông Kính được nhận một chân nhân viên cửa hàng sách huyện. Sau khi hoàn thành công tư hợp doanh, ông được giao phụ trách cửa hàng cho đến lúc nghỉ một cục. Một lý lịch không mấy sạch sẽ, công thêm hơn ba tháng "đi nhầm giày" khiến ông ta chẳng được cất nhắc gì đã đành mà cứ mỗi lần sắp xếp lại tổ chức, cơ quan phát hành sách tỉnh lại đưa ông vào danh sách cho dãn biên. Về được như ông cũng là quá may rồi.
       Ông Kính hoàn thành được việc lo chạy cho gã lên một cơ quan trên tỉnh xong thì chợt lăn ra ốm. Ông cụ mất vào một đêm trời chuyển gió mùa đông bắc. Trước lúc mất vài tiếng, ông chỉ nói được với thằng Đán: "Cẩn thận đấy! Cái mặt của nhà anh cả…". Bỏ dở câu nói ông thở dài. Đám ma ông diễn ra không ồn ào, số người đưa ông ra đồng cũng không đông. Ấy vậy mà mấy bà trong thôn cũng xì xầm.
       - Bà có trông thấy thằng cả Đán nhà ông lão không?
       - Tôi tìm mãi đâu thấy nó.
       - Bà này mắt mũi kèm nhèm, cái thằng có cái mặt nửa nọ nửa kia ấy chống gậy đi ngay sau cữu chứ đâu nữa.
       - Sao cái mặt nó trông là lạ thế nào ấy nhỉ?
       - Nó mất tiền chữa cái mặt sẹo từ hồi trong Sài Goòng kia. Nhưng nói thật chứ tôi nhìn cái mặt mới của nó cứ thấy sờ sợ thế nào ấy. Không giống với cái mặt người. Nó đơ đơ dài dại, mà bì bì thế nào ấy. Trông đểu cáng, ác ác là.
       Không chỉ mấy bà hàng xóm thấy thế mà ngay cả người nhà nó cũng thấy vậy. Bọn trẻ con thì sợ ra mặt. Nếu để bố nó vằn mắt lên thì đó là cái mặt đáng dùng để hù trẻ con. Thằng Đán lúc đầu không để ý lắm. Nhưng chỉ vài năm sau, tự gã cũng thấy cái mặt mình nó thế nào ấy. Bên mổ tái tạo trơ cứng dần đi. Khi có điều gì không vừa lòng, mặt nó bên đỏ bên tái, bên giật giật còn một bên cứ lì ra. Chỗ da cấy từ mông lên còn tệ hơn. Nó cứ như miếng da ngựa chứ không phải da người nữa. Lúc thâm, lúc đen, lúc xanh tái đến nó soi gương trông cũng thấy khó chịu nữa là người ngoài. Và cái cười thì thật là thảm. Mếu không ra mếu, cười không ra cười. Cái mặt ghép đã phản chủ. Nó biết, lão bác sĩ chỉ kéo đắp, dãn căng sẹo mà không cứu được các chân rễ thần kinh trên đó. Lúc nào cũng một cảm giác, nóng một bên và lì, lạnh một bên. Quen thì quen, mà lão không bao giờ điều khiển được nửa mặt bên phải.
.....
(Còn nữa)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ….. 
       Lờ mờ nhận ra dần những vật dụng quanh mình, thằng Đán biết mình không còn nằm trên bàn phẫu nữa. Gã đang nửa nằm, nửa dựa lưng vào một chồng gối thật êm. Mở mắt, tấm gương trên tường trước mặt cho thấy một cái đầu tóc cạo trọc lốc, khuôn mặt băng kín trắng toát chỉ đủ hở mắt, mũi và miệng. Sát gốc cần cổ, một chiếc ống nhựa mềm đục qua đút sâu xuống tận dạ dày. Nó đang lấy dinh dưỡng từ bên ngoài qua đường thực quản.
       - Ông đã tỉnh rồi phải không. Không nên mở miệng nói năng. Cần chi viết yêu cầu vào cuốn sổ nhỏ này. Việc tiêu tiểu của ông đang được lấy ra qua đường các thiết bị chuyên dụng. Không đụng cựa quá nhiều nghen.
       Phía bên giường, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo của cô hộ lý ghé sát bên tai gã, giọng Sài Gòn nhỏ nhẹ.
       - Ông Đốc - tờ đã tái tạo thành công khuôn mặt cho ông. Sẽ phải làm quen với khuôn mặt mới đấy. Ngoài việc kéo dãn da phẳng lại, có một phần da mặt của ông phải bù bằng một miếng da lấy từ dưới mông. Sau khi tiếp nhận tốt, đốc tờ sẽ tháo hẳn băng gạc. Hàng ngày, tôi sẽ làm thuốc và vệ sinh răng miệng cho ông. Hơi khó chịu chút đó, nhưng tôi nghĩ ông có thể chịu đựng được. Cũng dễ quen thôi.
       Thằng Đán cứ trong tình trạng như vậy mất ba bốn ngày. Hai ngày tiếp theo làm thuốc bổ sung. Hôm nay, đầu giờ chiều sẽ tháo băng. Vậy là hơn một tuần lễ đã trôi qua. Chiếc gương trên tường đã bị gỡ đi từ lúc nào. Người bác sĩ tự tay mình tháo băng mặt cho gã. Không thấy đau đớn gì. Lỗ xông dưới cổ đã đóng lại. Dây dợ, ống hút, các dụng cụ vệ sinh đã tháo khỏi cơ thể gã từ đầu buổi sáng. Thằng Đán cảm nhận những cảm giác đầu tiên về những chiếc răng hàm phải trở lại ở vết thương trong miệng.
       - Ông thử nhìn mình trong tấm gương này xem.
       Chiếc bàn gương được đẩy tới phía cuối giường. Trong tấm gương, một khuôn mặt nửa quen nửa lạ nhìn hắn. Mái đầu cạo trọc đã lên tóc đinh. Khuôn mặt trông có vẻ vuông vức, cân đối với đôi mắt, cánh mũi, khóe miệng quen thuộc. Quai hàm có vẻ như bạnh ra làm chiếc mũi, mồm miệng trông gọn ghẽ ưa nhìn hơn trước. Thằng Đán sững người. Gã kia sao? Lại còn có vẻ như trắng trẻo ra. Má phải nhìn kỹ mới thấy vùng trung tâm màu da hơi nhợt hơn ở chung quanh. Trong khi góc má phía dưới màu da lại sẫm hơn góc trên đôi chút, mặt da cũng không mỏng, mềm và bóng như các chỗ khác, nhất là so với má bên trái. Gã biết rằng, chỗ đó đã được vá bằng miếng da lấy dưới mông lên, lúc này băng dính và miếng gạc vẫn còn cồm cộm ở đó. Có phải hắn đã được sinh ra lần nữa không nhỉ. Gã khẽ mấp máy môi, nói khẽ: "Tôi kia…phải không đốc - tờ". Âm thanh từ vòm họng phát ra không méo mó nữa, mà có vẻ lại mềm ấm hơn trước. Nước mắt gã trào ra. Hắn chưa bao giờ mơ được như thế này. Hơn bốn mươi tuổi đầu, quá khứ có vẻ đang tách rời xa gã, bắt đầu từ ngay cái khuôn mặt mới mẻ này.
       Hai hôm sau, một chiếc xe hòm màu trắng nhẹ nhàng ghé cửa Trạm tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm của xí nghiệp "Làng tre" tại khu chợ Hoàng Hoa Thám. Không ai để ý đến người đàn ông bước xuống từ trên xe trong bộ quần áo màu xẫm lịch lãm là lượt phẳng phiu. Cô kế toán là người nhận ra thằng Đán đầu tiên với cử chỉ mồm chữ O mắt chữ Ô, nghẹn mãi mới cất tiếng được: "Có phải anh Đán không đấy! Ối giời! Cả nhà ơi, ra cả đây mà trông ông Đán này!" Mọi người đổ xô lại, ai nấy mặt mũi nửa tin nửa ngờ. Chỉ đến khi gã mở mồm: "Vâng, tôi đây" thì mọi người mới đồng thanh cùng ồ lên sửng sốt.
       - Ai làm lại cho mày cái mặt bóng bẩy thế này hả. Trông khá bảnh đấy. Mà có phải chúng tao mơ ngủ không nhỉ. Thằng Đường hét tướng lên.
       - Còn ai vào đây nữa, Đán mặt sẹo đây.
       Trong cái tíu tít ồn ã, mọi người ngẩn ra nghe gã "thổi bong bóng":
       - Gia đình tôi có bà mợ bên ngoại vào trong này cùng ông bà từ năm bốn mươi sáu. Họ hàng, gia đình ngoài Bắc tưởng mất tích, thất lạc hay di tản mất rồi. Hôm rồi, có thằng con ông bác tới tìm dẫn tôi tới gặp bả. Mợ cháu cứ ôm lấy nhau mà khóc. Thấy cái mặt tôi quá tệ, bả bắt nằm lại thuê đôc tờ phẫu cho. Quá may. Mà thôi, mời cả nhà, chiều nay mình qua quán ông Tư béo nhậu nghe! Coi như liên hoan mừng "cái…mặt mới" của tôi. Bữa nay mình nhậu tới bến đấy.
       Câu chuyện về cái mặt thằng Đán còn làm nhộn cái hộ tập thể ấy đến cả tháng. Cuối năm, nhận được điện tín bố ốm nặng, hắn ra Bắc rồi không thấy quay vào. Mọi người ở Trạm chuyền tai nhau mớ tin nóng sốt: "Thằng Đán xin chuyển công tác sang cơ quan khác rồi. Thôi, thế cũng mừng cho nó. Được gần vợ gần con!". 

*
*    *
       - Nào, các em gái xinh tươi của tôi đâu rồi nào!
       Mấy căn phòng dưới tầng một nhao nhao dạ ran. "Sếp về, sếp về đấy chúng mày ơi" "Nhanh lên! Lên xem sếp cần gì nào!". Đám mấy cô kế toán, hành chính nối nhau vội vã lên phòng họp.
       - Ối giời! Sếp trông khỏe quá. Da dẻ đỏ au, bóng bẩy! Mà sếp đi đợt này hơi lâu đấy!
       - Sếp Phúc Kim hôm nay mặt mũi tươi tỉnh thế. Quà Nha Trang đâu, hôm nay chúng em đòi nợ quà sếp đấy nhé.
       Lão Đán bây giờ thường vẫn được đám cán bộ nhân viên cấp dưới gọi là Phúc Kim, bằng cái tên được khai trong hồ sơ là bí danh từ ngày mới chân ướt chân ráo bước về cơ quan này. Có mỗi cái tên ấy thôi mà lão lăn tăn hàng tháng trời mới quyết lấy làm bí danh cho hợp với môi trường công tác mới. Tra đủ thứ từ điển tiếng Việt, rồi Hán Việt tự điển, tự điển chính tả…lão mới "gắp" được cái tên quý hóa ấy ra. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, hiểu là người có phúc quý như vàng, người được vàng giữ phúc, người có phúc được vàng…đều được. Nghe nửa ta nửa tàu, lại cũng dễ kêu  cầu, xưng tụng. Sau chiếc bàn họp, lão ngồi đó vẫn cái dáng hai tay ôm lấy mang tai, mái đầu tóc bạc trắng xơ xác cũng chẳng còn mấy sợi. Mấy năm gần đây, lão mắc chứng nấm tóc, nấm da chữa thế nào cũng không khỏi, lúc nào da đầu cũng mốc lên, lan đến đâu tóc rụng đến đó. Vai áo lúc nào cũng đầy những vụn trắng mốc thếch rơi xuống bám vào. Đám cán bộ nhân viên cứ có ai lỡ phải ngồi bên cạnh, khôn hồn cứ từ từ nhích xa ra một quãng vừa đủ để khỏi dính vào mấy thứ vẩy da gớm ghiếc ấy, lây bệnh có ngày. Đám đàn bà con gái thì thôi rồi, rất chăm chú giữ cự ly vừa đủ để tay lão không vơ, không chạm đến mình. Cái lối miệng nói, tay vỗ, tay vuốt của lão đám đàn bà con gái trong cơ quan ai cũng từng bị với lão một hai lần rồi, hãi lắm. Vì thế, cái bàn lão thường ngồi trong lúc họp hành lúc nào cũng vắng hoắc vắng hơ mình lão, chẳng ai ngồi cùng.
       - Tôi đã vận động được sự ủng hộ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư quyết định cho phép trường ta xây tiếp khu nhà đa năng phục vụ việc đào tạo về lâu dài và phù hợp với mục tiêu phát triển lên cơ sở đào tạo cao đẳng. Chú hiệu phó cùng mấy cô hành chính, kế toán tài vụ tiếp tục làm việc với các bên tài chính, bên công ty xây dựng trúng thầu đợt mời thầu mấy tháng trước lo chuẩn bị động thổ để xây dựng. Bảo với cái thằng Hợi, phó giám đốc công ty xây dựng Thanh Bình, các ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên cứ như trước mà làm. Toàn bộ công trình mình đã làm với họ như nhà hiệu bộ, nhà giảng đường và các phòng học trước đây từng quan hệ thế nào nay vẫn vậy, nói vậy là chúng nó hiểu. Công việc bắt đầu triển khai từ tuần này, cứ thế mà làm.
       - Bác quá giỏi! Em cứ tưởng không xong được cái vụ này trong năm nay kia đấy.
       Tay hiệu phó nịnh khéo. Cặp mắt trắng dã của hắn mở to kính cẩn, trông cũng thấy rõ vẻ quỵ lụy, cúc cung tận tụy. Tuy vậy, trong bụng hắn lại nghĩ: "Thằng dê già này quá đáo để, sống chết chạy bằng được việc xây sướng nhà cửa. Chỉ còn ngót hai năm nữa là về hưu chứ mấy. Thằng cha tính ăn tham, ăn mặn bữa cuối chầu đây. Đến lượt mình, chắc chỉ còn mớ vỏ ốc!". Bụng nghĩ vậy, xong đôi môi thâm sì của hắn vẫn nặn được nụ cười giả lả.
       - Ô mà này, các chị ngắm kỹ xem kìa. Xếp nhà mình lại thay răng mới rồi. Trông trẻ đến cả chục tuổi ấy chứ.
       Cô tạp vụ nhanh nhảu phát hiện. Lão Phúc Kim cười tươi, một bên mặt dãn ra hể hả:
       - Trông được đấy chứ hả? Mất năm ngày chầu chực đợi mỏi cổ mới xong đấy. May mà sếp Phó sở cũng muốn ở lại vui vẻ cho hết tuần nên thày trò ở chơi Nha Trang được gần hai tuần. Hội nghị, hội thảo chỉ mất khoảng ba ngày, hai ngày nữa dành để tham quan học tập mấy đơn vị tiên tiến. Toàn bộ là răng sứ nghiêm. Khá tốn kém với bộ răng này đấy. Cô cậu nào muốn răng đẹp lóng lánh thì cứ đi Nha Trang! Tôi còn giữ cái cạc - vi - dít của tay bác sĩ nha khoa đây này. Tu nghiệp nước ngoài, có bằng cấp quốc tế hẳn hoi nhá. Thôi, mời các cô các cậu về phòng cho, cô Xuân báo với nhà bếp chiều cho tôi ăn cơm, tối nay tôi có mấy việc phải làm, nghỉ lại cơ quan không về nhà.
……


(Còn nữa)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)

       Đêm gần sáng, chiếc xe tải mới xáp vô cửa một nhà nghỉ đầu thị trấn Vạn Giã. Để cậu Lượng tắm trước, thằng Đán ngả lưng xuống chiếc giường ra đệm trắng tinh, thân xác rã dài. Đến lượt mình, trong ngăn toilet giáp cửa ra hành lang, gã lôi từ trong bụng áo lót gói vải. Đó là một chiếc khăn tay lụa màu xanh thiên thanh, viền bốn cạnh đăng ten trắng thơm phức mùi nước hoa. Bốn góc thắt túm lại với nhau cẩn thận thành một nút nhỏ. Bên trong, thằng Đán sững người ngó trân đám nữ trang. Hai chiếc dây, năm chiếc nhẫn và một đôi bông tai lấp lánh hạt đá đỏ to bằng hột đậu ván.
       Hai ngày sau, giữa buổi sáng Quy Nhơn nắng rực, thằng Đán bước chân vào một tiệm vàng trên phố. Chỉ cần mở chiếc khăn ngó qua mớ nữ trang, người chủ tiệm vội nhanh nhảu dẫn khách vào buồng trong. "Tôi dư biết giá trị của số tài sản này. Ông lấy tiền hay lấy vàng miếng"
       - Ông tính ra vàng miếng cho tôi. Cứ năm chỉ một.
       Nhận từ tay người chủ tiệm đủ số vàng miếng, gã bọc lại số vàng vào chiếc khăn lụa. Tất tật là năm cây, ba chỉ vàng chín. Sau hai ngày nhận thêm hàng tại thành phố Quy Nhơn, chiếc xe lên đường ra Hà Nội. Thằng Đán leo lên thùng xe cùng với tay phụ trách cung tiêu. Lão Diên và cô kế toán trưởng ngồi trên ca bin.
       Sau chuyến công tác, tranh thủ chờ xe xếp hàng lo thủ tục chuyển đi, thằng Đán xin nghỉ về thăm nhà vài ba ngày. Ông Kính độ này trông có vẻ ốm. Dáng người còng xuống, chân chậm bước run rẩy. Trước lúc thằng Đán trở lại xí nghiệp theo xe hàng vào Sài Gòn, ông nói với nó giọng tuy yếu nhưng rõ ràng:
       - Anh ở trong đó thế là đủ rồi. Chuyến này vào ở thêm nửa năm nữa thôi, Tôi đang tìm cửa chuyển công tác cho anh về trên tỉnh. Tốn kém đấy, nhưng thời vận chỉ có vậy. Nghe đồn sắp tách tỉnh đến nơi rồi.
       Thằng Đán dúi cho bố một cây vàng, nói để phụ vào việc chạy chọt, nhờ vả các cửa. Khuôn mặt thoáng lộ vẻ sửng sốt, nhưng ông Kính lẳng lặng nhận và cất đi, không nói thêm câu gì.
       Chuyến vào, trên xe cũng chỉ có cậu Lượng và thằng Đán. Thày trò lão Diên đã đáp máy bay vào Sài Gòn ngay sau bữa xí nghiệp tổ chức đón nhận huân chương. Khi xe nghỉ ngơi ở Nha Trang, trong một bữa nhậu đồ biển của hai anh em tại một quán ăn dọc đường Trần Phú, con đường dài nhất thị xã chạy dọc ven bãi biển. Thằng Đán nghe đám mấy bà mấy chị bàn bên kháo chuyện: "Cuối tháng trước, phía dưới bãi dương gần viện Hải dương học người ta vớt được nhiều xác chết giạt trôi vào bờ. Thân thể vữa nát cá rỉa, người mất tay chân, người bị đục hết đôi con mắt. Dân đi biển đồn rằng đó là những người vượt biên xấu số. Cầu giời khấn phật, phù hộ độ trì cho những sinh linh vô tội."
       Ngụm bia trong miệng thằng Đán chợt đắng ngắt. Trước mắt gã, đôi mắt đen ướt nhòe của người thiếu phụ đêm nào thấp thoáng. Tay nắm chặt chiếc khăn tay nằm mềm trong túi quần, nó bỏ dở suất ăn, bước chậm xuống bãi cát trắng. Bầu trời thấp nặng xám chì, biển động dữ dội. Phía xa, từng đợt sóng biển đội bọt bạc trắng xô đuổi nhau vỗ bờ. Mắt dõi nhìn ra phía khơi xa, đầu óc gã trống vắng. Không quay về bàn ăn, hắn chậm bước mở cửa xe leo lên ngồi lặng.
*
*    *
       Ngay sau khi trở lại Sài Gòn, thằng Đán xin nghỉ một tuần lấy cớ thăm người quen bên quận Một. Tìm đến căn nhà lão ba Tàu ở Ngã tư Bảy Hiền. Cẩn thận kiểm đếm cây hai vàng từ tay thằng Đán, lão gọi người giúp việc lấy Honda chở thằng Đán đi. Ngôi nhà họ dừng lại trước cửa là một ngôi nhà đúc ba lầu một trệt trên đường Cộng Hòa. Trên cột cổng, dưới hàng chữ Doctor Trần màu vàng kim gắn hộp chuông điện nhỏ. Người dẫn đường bấm chuông. Giây lát, một phụ nữ trạc ngoài năm mươi tuổi, tóc búi cao vận bộ đồ bà ba đen chắc là người làm công mở khóa cổng đưa họ vào phòng khách rộng rãi tầng trệt. Căn phòng trang trí đơn giản nhưng trước đây chắc đã từng chứa nhiều đồ đạc sang trọng. Khúm núm đặt hai ly nước trắng xuống bàn nước lót kính, bà giúp việc mời hai người đàn ông ngồi xuống chiếc đi văng màu trắng sữa: "Ông chủ nói hai ông chờ ổng chút xíu, ổng xuống ngay!". Mươi phút sau, một người đàn ông đậm người nước da trắng hồng từ trên lầu bước xuống. Mời nước hai người xong, ông quay sang người đàn ông dẫn đường nói với một giọng Hà Nội khá chuẩn: "Tôi có được ông Chín báo tin. Chú có thể về, để ông đây ở lại. Tôi sẽ gọi xe cho ổng về sau khi xong việc." Người làm công của thày Chín cúi mình xin phép ra về. Người đàn ông nhẹ nhàng nói với khách: "Mời ông lên tầng trên, tôi khám cho".
       Đưa khách vào một căn phòng sáng một màu sơn trắng sạch sẽ sau cánh cửa kính tấm lớn thật dày, người đàn ông xin phép vào ngăn trong thay đồ. Thằng Đán ngồi xuống, ngó quanh. Đồ đạc, bàn ghế, gường tủ ở đây tất tật đều mạ kền sáng bóng, sạch sẽ. Trên tường chỉ treo một tấm bằng tiếng Anh có tấm ảnh người đàn ông ban nãy đầu đội chiếc mũ đen có hình thù kỳ lạ, mặc tấm áo thụng dài cùng màu mà gã chưa thấy bao giờ. Nắp mũ vuông bắt chéo phía trên, từ trên nắp rủ xuống một sợi dây ngù. Người trong ảnh so với người bây giờ trông trẻ hơn nhiều, mắt đeo kính trắng vẻ mặt trông đầy vẻ mãn nguyện.
       - Tôi cách đây hơn hai chục năm đấy. Đó là tấm bằng đốc - tơ được cấp khi du học chuyên ngành giải phẩu răng hàm mặt bên Úc Đại Lợi. Ông tới nằm lên chiếc gường kia tôi thăm khám cho.
       Tiếng người đàn ông thoảng nhẹ ngay sau lưng. Thằng Đán nghe lời bước tới chiếc giường có rải tấm ra trắng muốt không một nếp nhăn. Người đàn ông trong bộ blu trắng trông thật tráng kiện. Xoay cây đèn rọi gắn một khuôn kính lúp tròn phía dưới vào gần mặt thằng Đán, ông ta chậm rãi xem xét kỹ từng phân vuông khuôn mặt thằng Đán, nhất là vùng sẹo dăn dúm.
       - Ca này của ông tuy thuộc dạng bị biến dạng thông thường, nhưng diện tích phải phục dạng lại khá rộng. Vùng tổn thương, ngoại trừ hàm răng phía trong, không phạm phải những phần nhạy cảm trên khuôn mặt như màng tang, mắt, mũi, vành miệng. Tôi sẽ làm lại cho ông bắt đầu từ ngay bữa nay. Ông Chín đã thay tôi nhận đủ các chi phí cần thiết rồi. Việc ăn ở, nội trú và quá trình phẫu thuật, thuốc men ông không cần phải lo nghĩ hoặc chi phí gì thêm. Chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của tôi. Mất thời gian đấy, và cũng phải phẫu làm nhiều bước. Mỗi lần như vậy, tôi sẽ làm mê cho ông cẩn thận. Không chút đau đớn gì đâu, kể cả việc lắp răng giả cho ông cũng vậy.
       Cuối buổi sáng, sau một bữa ăn nhẹ gồm một khúc bánh mì phết bơ và cốc sữa đậu hũ, thằng Đán được đưa vào một phòng chờ cạnh khu vực giải phẫu. Nghỉ ngơi qua đầu giờ chiều, người nữ hộ lý đưa gã vào phòng mổ lầu trên. Tắm nhanh trong làn nước vòi sen ấm nóng trong Toilet cuối phòng, gã trút bỏ quần áo ngoài, mặc vào bộ đồ vô trùng màu xanh lá cây. Người bác sĩ tiêm vào dưới cột sống gã một mũi thuốc. Chưa kịp ngó nghiêng chung quanh, gã thấy đầu óc chợt nhẹ bỗng rồi chìm vào cơn mê khá sâu. Gã không còn biết gì nữa, khi ca mổ tái tạo má phải bắt đầu.
       ….. 

(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)

       Thằng Đán với tay chực mở cửa ca bin chiếc xe tải IFA chở hàng cồng kềnh bước lên thì nghe thoáng phía sau giọng Sài Gòn nhẹ bẫng: "Anh Hai, làm ơn cho em quá giang một chặng!". Quay người lại, trước mặt gã là một thiếu phụ trung tuổi, tầm ngoài bốn mươi gọn ghẽ trong bộ đồ bà ba sẫm màu. Vai khoác chiếc giỏ xách giả da màu, khuôn mặt chị ta lấp ló sau chiếc khăn rằn chỉ để lộ đôi mắt mở to đen láy, giọng khẩn khoản.
       - Bà nội ơi! Xe này là xe chở hàng nhà nước, đâu phải xe khách mà bà nội tính quá giang. Tìm xe khác mà đi.
       Cậu Lượng lái xe bất thần ở đâu bước tới, giọng không có vẻ gắt gỏng gì, nhưng lạnh tanh. Thằng Đán đã định chối cho xong, thấy đôi mắt ướt đẫm vẫn chăm chăm dò hỏi, đành hỏi lấy lệ:
       - Chị định đi đâu mà nhờ chúng tôi.
       - Em chỉ xin đi đến đỉnh đèo Rù Rì thị xã Nha Trang thôi. Trời cuối chiều sắp bước sang tối đến nơi rồi, kiếm xe khác khó cho Em lắm. Để mai nhỡ hết công chuyện, anh à! Anh Hai và chú Ba làm phước giúp Em đi.
       Đây đã là trung tâm thị xã Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. "Từ đây tới đó mất khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ. Chỉ tám chín giờ tối là đến nơi. Mình còn đi tiếp ra Vạn Giã, Phú Khánh mới nghỉ đêm kia mà." Thằng Đán nghĩ nhanh rồi chẳng hiểu sao, thấy mềm lòng trước vẻ ngoài yếu ớt của người thiếu phụ. Gã chợt quay sang chú Lượng: "Thôi! Cho chị ta đi nhờ vậy. Cho lên thùng xe kia, ngồi sau đám vải bao gai và bông tái sinh ấy." Cậu Lượng thấy vậy, không cằn nhằn cự cãi gì thêm, lẳng lặng giúp người đàn bà lên thùng xe, xếp một chỗ tạm ổn cho người thiếu phụ sau đám bao gai chất ngang nóc. Phía trước giáp vách ca bin là đám sọt tre lót rơm chứa đồ gốm sứ Đồng Nai và gạch men vệ sinh chất ngất. Chỗ ngồi vậy cũng tạm. Chuyến này hàng đem ra chỉ chất già nửa thùng. Ra tới Quy Nhơn còn nhập tiếp hàng nữa. Rời quán ăn bên đường, chiếc xe trườn ra lộ Một rồi hướng phía Bắc lao đi. Trên xe, thằng Đán lim dim mắt. Hai chai bia Sài Gòn uống giữa bữa ăn chiều cộng với nhịp lắc lư nhè nhẹ của chuyến đi kéo mắt nó díp xuống.
       Có cảm giác như chiếc xe khó nhọc dừng lại rồi tạt mũi đậu lại cách lề đường đến dăm mét. Thằng Đán mở mắt, mệt mỏi. Đèn trên ca bin bật sáng mờ mờ. Ngoài cửa xe, bóng đêm đã phủ dầy. Chắc khoảng hơn tám giờ tối chi đó. Lờ mờ phía xa, bóng một ngọn tháp Chàm u tịch bên đường. Tiếng cậu Lượng lịch kịch gì dưới mũi xe.
       - Anh Đán ơi, máy xe nóng quá thể. Lúc lên xe trong Phan Thiết tính không kỹ, két nước cạn đến nơi rồi. Đấy, có đàn bà lên xe sui thế đấy.
       - Cái thằng "ba xạo"! - Thằng Đán bật cười - Hết nước két là do cậu chểnh mảng chứ đâu phải do đàn bà. Thế bây giờ thế nào.
       Chú Lượng cười gượng gạo, giọng có vẻ chịu lỗi.
       - Thôi! Anh chịu khó chờ Em. Em vác can đi ngược lại mấy cây số kiếm nước đổ két vậy. Biết thế lúc nãy vào đầu Phan Rang em tấp luôn vào cây "nước mui" xong. Chết vì cái tội chủ quan. Mà cái "thằng già" IFA này hôm nay giở điên thế nào không biết nữa, mình mới rời khỏi Phan Thiết hơn trăm cây chứ mấy. Nghỉ xong đêm nay ở Vạn Giã, tới Quy Nhơn em phải cho xe vô tiệm để tụi nó coi lại cho cái két nước. Không chừng két dò chỗ vết hàn chuyến trước rồi.
       - Thôi, ông tướng cất bước nhanh lên cho! Để tớ ất ơ giữa đường, giữa đêm thế này mai mốt tao mách ông Diên trị cho mày một trận.
       Mắng vốn thằng nhỏ vậy thôi, chứ biết làm cách chi bây giờ. Khi bước xuống đường, thằng Đán mới thấy hơi lạnh đầu đêm thấm vào người. Trời tối thui, trên đường không có chiếc xe nào xuôi ngược. Cậu Lượng móc sau ca bin chiếc xe, lấy vội cái can hai mươi lit quầy quả bước ngược trở lại con đường vừa đi.
       Trong đêm trăng đầu tháng mờ ảo, hai bên đường nhìn chung quanh đâu cũng cát là cát. Những cồn cát phía xa trông cao như những ngọn núi, Trải thấp xuống phía dưới,  những trảng cát chập chùng nối tiếp nhau dập dờn như sóng biển. Thưa thớt những hàng dương viền theo những triền cát. Phía xa, lô nhô vài chiếc tháp đứng chôn chân, bí hiểm giữa bóng đêm. Đóng chặt cửa ca bin, kiếm một gốc cây dương bên kia đường cách chỗ đỗ xe mươi thước, thằng Đán bước tới dựa cây duỗi chân mỏi mệt. Bên kia con đường, vọng lại tiếng sóng biển rì rào, ánh sáng thuyền cá hắt vầng lên trời đêm. Gió lồng lộng.
       Chuyến này là chuyến thứ hai thằng Đán theo xe hàng ra Bắc. Lần trước đi cùng mấy anh em bên cung tiêu. Lần này, nó đi một mình với lái xe từ Sài Gòn. Ông Diên ra Quy Nhơn trước cùng kế toán, kho vận ký đơn hàng bổ sung. Xe ra đến Quy Nhơn, mấy anh em sẽ đón hàng lên rồi cùng ra Hà Nội đổ hàng, trước khi về Xí nghiệp dự lễ đón Huân chương lao động. Xem như một công đôi việc. Vừa đưa ông Diên ra dự hội nghị, vừa kết hợp chuyển hàng hóa thu đổi từ phía Nam ra. Có thể, nhân dịp này mà thằng Đán tạt về thăm nhà được mươi ngày.
       Chợt gã nghe thoảng có hơi ấm đàn bà ngay cạnh. Từ lúc nào không biết, thiếu phụ quá giang xe từ Phan Thiết đã nhẹ nhàng ngồi ghé bên cạnh. Thằng Đán lặng im không nói gì. Chợt mái đầu thơm hương dầu tràm ghé nhẹ lên vai gã. "Anh Hai, Anh nhớ nhà nhớ gia đình lắm hôn?". Không trả lời câu hỏi, thằng Đán khẽ giọng hỏi lại: "Thế còn cô, sao đi thân gái một mình thế này?"
       - Em đi theo chồng con em! Sau tiếng nấc nghẹn, người đàn bà khẽ giọng- Cũng cỡ hơn chục năm trời rồi, gia đình Em không được sum họp. Ảnh đi làm ăn từ lâu rồi. Đi xa lắm, rất xa. Nay mới có dịp vợ chồng em có điều kiện gặp nhau.
       Im lặng. Gió biển phía xa rì rào, trên trời cao, vài ánh sao lấp lánh đơn côi. Chợt một vòng tay ấm mềm quàng vội ngang người thằng Đán, mặt người đàn bà thoáng ngước lên ngay dưới mắt. Lại ánh mắt to, đen thẳm với cái nhìn lóng lánh, ướt lệ. Vô thức, thằng Đán khẽ cúi xuống. Rất nhanh, đôi môi mềm ướt gắn lên, thằng Đán nhắm mắt, giật nhẹ người. Theo đà ngả về phía sau của người đàn bà, thằng Đán ngã theo xuống. Hai tâm thân nóng hổi ngập ngừng rồi bỗng quấn chặt lấy nhau. Họ đi vào nhau rất nhanh, ấm nóng. Chợt người phụ nữ dướn mình, thằng Đán thấy mình run lên, bùng nổ. Cả hai cùng chìm xuống, chìm xuống...
       Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất thường. Khi thằng Đán lật người trở lại, nhìn lên trời đêm mông lung thì bóng người thiếu phụ đã nhẹ nhàng lướt đi. Bóng đêm như đồng lõa với việc làm của họ, gã để mặc đầu óc lang bang.
       - Anh Đán ơi! Ngủ đâu mà để xe thế này! Tiếng cậu Lượng thoảng tới. Thằng Đán ngồi dậy, gắt khẽ: "Gì mà kêu như cháy đồi thế! Tao đây, có nước chưa"
       - Khiếp! Anh làm em hãi hãi là. Trên xe đèn đóm tối thui, mở cửa xe không thấy Anh đâu cả. À, ra Anh khoán cho bà cô này trông xe rồi lủi ra đấy ngủ vùi phải không?
       - Ngủ cái đếch gì. Ngồi trên ca bin nóng quá lò nướng, tao lần xuống dưới này nằm chờ mày về. Mà người dưới này, người trên xe trông coi là đúng kiểu rồi còn gì. Lấy được nhiều không. Thằng Đán bước tới.
       - Đầy can. Em đi ngược lại có đến gần ba bốn cây số gì đó mới gặp quán bán nho bên đường. Vào xin nước, tiện thể xách luôn hai giỏ lên xe cho Anh một giỏ, em một giỏ ăn vặt dọc đường đây. Anh cầm lấy này, em chuồi xuống cho bà chị dưới thùng một chùm, chắc chị ta nằm một mình ở đó cũng sợ chết khiếp rồi.
       Nghe tiếng thằng Lượng leo lên thùng xe: "Chị cầm lấy ăn cho đỡ mệt, chỉ hơn tiếng nữa là xe tới đỉnh đèo Rù Rì thôi. Chị thấy đấy, đi với bọn tôi mệt chưa?". Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ cám ơn ngượng nghịu: "Chú Ba tốt quá, đã làm ơn nhận người quá giang lại cho quà thế này, biết trả ơn chú thế nào ta?" "Ơn huệ gì đâu, thấy chị dáng tồi tội nên anh em tôi cho theo thôi. Nếu mỏi, chị có thể bới lấy một xấp bao bố trong góc kia ra mà ngồi dựa vào cho đỡ mỏi. Còn đi hơn trăm cây số nữa kia đấy." Nhảy lên ca bin, cậu Lượng nổ máy gài số. Chiếc xe rung nhẹ rồi lướt đi mỗi lúc một nhanh trong đêm.
       Gần nửa đêm thì chiếc xe hùi hụi leo dốc lên đèo Rù Rì. Thị xã Nha Trang phía xa hắt ánh đèn nhạt màu lên bóng đêm. Trên đỉnh đèo, lốm đốm đây đó đèn bình quán xá, đèn cầy, đèn hột vịt gánh hàng ăn đêm quầng lên từng đám. Đám xe tải, xe khách dăm ba chiếc đỗ bên đường. Trước khi đổ dốc, cánh lái xe muốn nạp thêm chút đồ ăn dằn bụng. Xe dừng nhẹ. Cậu Lượng mở cửa xe bước xuống. Phía dưới đường thoáng thấy bóng người thiếu phụ ghé tai cậu Lượng thì thào chi đó rồi quay lại, bám cửa ca bin phía thằng Đán đu lên.
       - Anh Hai, người Bắc có câu "một đêm nằm năm đêm ở" không hà. Em không biết lấy gì để hàm ơn anh Hai. Anh cầm cho Em yên lòng. Em xin chào vĩnh biệt Anh nghen. Chưa biết liệu mình có còn dịp gặp lại nhau không. Dẫu gì suốt đời, em cũng mãi nhớ tới Anh. Anh cũng vậy nha!
       Trong bóng tối ca bin, tay người đàn bà tìm kiếm bàn tay thằng Đán, nắm siết. Khi chị ta buông tay nhảy xuống đường, thằng Đán thấy trong tay mình một gói vải mềm, nằng nặng răn rắn. Trong đêm bóng người thiếu phụ thấp thoáng giữa những đốm đèn hột vịt rồi thấp dần, thấp dần. Phía dưới đó, tiếng ì ào sóng vỗ dội lên chân đèo. Xa xa trên mặt biển, ánh đèn tàu cá vãi như sao sa. Vài tiếng còi tàu vẳng lại nghe như tiếng tù và dội vào vách núi. Thằng Đán dựa cửa nhìn dõi theo, đầu óc trống rỗng. Nhét gói vải nhỏ vào bụng áo, gã ngồi im.
       ……….

(Còn nữa)