NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 2


(Tiếp theo)
       …….

       - Con chào Bà! Con chào Bà! Con Út mập của Bà đây! Con Bớp đây Bà nè!
       Lũ trẻ nhao nhao, tíu tít. Đứa chạy lại ôm cổ, đứa ghé miệng thơm dây cả nước miếng lên mặt. Chị giang tay ôm tất cả lũ nhóc vào lòng, tay móc quà phân phát cho từng đứa.
       - Con chào dì ạ. Mấy đứa từ từ để Bà yên chỗ đã nào, chưa chi đã xúm xít bám quanh bà vậy thì Bà mệt còn chi. Hôm nay dì qua sớm, không đi chơi đâu sao? Má con trên lầu. Mấy bữa nay bả kêu đau đầu, nhức mỏi tay chân suốt. Bỏ tập dưỡng sinh với mấy bà hàng xóm cả mấy hôm rồi. Dì lên lầu trên chơi với má con. Nào! Mấy đứa, dang ra cho Bà lên lầu chơi với ngoại nào!
       Rời đám con nít, Chị nhẹ bước lên lầu. Trên chiếc giường đôi rộng rãi, chị Hai nằm đó, miệng nở nụ cười buồn.
       - Dì qua chơi đấy à. Bữa nay chị đỡ chút chút rồi. Huyết áp tụt thấp suốt, không lên đủ mức khiến đầu nặng như đá đeo mấy hôm liền.
       - Chị phải chịu khó dùng thuốc, chứ đừng bữa uống bữa bỏ. Chứng thiếu máu não hại sức lắm đấy. Mà phải chịu khó ăn uống chứ. Em nghe bọn nhỏ kêu má chẳng chịu ăn uống gì. Lấy sức đâu mà thuốc thang. Mà Anh đâu chị?
       - Ổng qua mấy ông bạn cựu chiến binh cùng sư đoàn. Mấy hôm vợ ốm quanh quẩn bên chị chắc tù túng, cuồng chân mỏi cẳng sao mà sáng nay thấy vợ đỡ đỡ, bạn gọi là đi liền. Đàn ông bạn bè, đàn đúm quen rồi, ngồi một mình lâu chịu đâu có nổi.

      

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (HAY NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU) - KỲ 1


          Lời người viết:
          Tôi chọn hôm nay, mồng 5 Tết Quý Tỵ - "ngày Tình yêu" (Valentine's Day) để lên trang ngày đầu năm mới với hy vọng một năm mới an lành, tràn đầy yêu thương. Xin gửi tặng đến bạn đọc gần xa, những người đã từng yêu, đang yêu và sẽ yêu một sáng tác văn chương nho nhỏ, truyện dài kỳ:

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 1

          Mông lung, tăm tối không cùng. Giữa muôn vàn va chạm của bản năng sinh tồn, người đàn bà chầm chậm bước ra khỏi thế giới vô thức. Mọi thứ xung quanh chị trông thấy đấy mà không thể gọi được tên. Trong tâm thức, chị không biết mình đang ở đâu. Mọi thứ cứ xa xa, gần gần hình cốt méo mó, vặn vẹo. Đâu đó chợt le lói chút ánh sáng yếu ớt nhập nhoạng. Chị hốt hoảng khi thấy mình không thể cụng cựa được tay chân. Cơ thể chìm xuống, chìm xuống rồi lại bỗng như bồng bềnh, bồng bềnh trỗi lên. Không thể ý thức được không gian, thời gian. Không thể định hình được vật thể trước mắt. Phía xa, từ cõi mịt mùng mê muội, mờ nhòa bỗng hiện dần lên những góc cạnh hình khối vật dụng xa lạ. Chị tỉnh lại chậm chạp sau cơn mê. Trong mớ hỗn độn cảm xúc trở lại chị mơ hồ chợt hiểu và nhớ ra, mình vừa trải qua một cuộc phẫu thuật. Xen giữa màu trắng sạch sẽ của bệnh phòng, những máy móc, dụng cụ gì đó lấp loáng. Trên bàn tay xanh xao, ống truyền mềm nối cơ thể chị với bình thuốc trên giá đỡ đầu giường. Giờ là đêm hay ngày? sao chỉ có mình chị nằm đây. Cùng với sự trở lại của nhận thức, cảm giác cơ thể chậm rãi nhận biết sự mỏi mệt nặng trĩu, mơ hồ những đánh động chai tê của cảm nhận cái đau. Lúc đầu chỉ thoáng qua như vết chạm nhẹ, càng về sau càng rõ ràng hơn sự mất vắng đâu đó của một bộ phận cơ thể. Cuối cùng thì mọi thứ cũng trở về chi tiết hơn, rõ ràng hơn. Sau lớp bông gạc, những co giật nhè nhẹ râm ran phía bụng dưới đã có thể cảm nhận được vị trí của vết mổ. Phải rồi, Chị vừa bị cắt bỏ bộ phận quan trọng nhất của thiên chức làm mẹ. Chứng bệnh u xơ dạ con quái quỷ đã dẫn đến cuộc phẫu thuật này. Với người bác sĩ phẫu thuật, chẳng qua  đây cũng chỉ là một ca mổ bình thường giữa hàng trăm, hàng nghìn lần đưa dao can thiệp vào cơ thể người bệnh. Nhưng với người đàn bà như chị, thế là chấm dứt những mong đợi làm mẹ, chấm dứt những phập phồng trông đợi. Và hơn thế, đó có phải là dấu chấm hết của những giấc mơ yêu thương đôi lứa, kết thúc những trông đợi hân hoan của hạnh phúc làm vợ, của thiên chức làm mẹ? Phải, thế là hết! Chị yêu, đã yêu thật nhiều nhưng sẽ khó, rất khó thậm chí có thể là không bao giờ những yên ấm gia đình chồng vợ đến với chị được nữa. Mà cho đến lúc này, chị đã được làm vợ ai đâu! Ở đâu đó ngoài kia, ở rất xa nơi này người chị hằng yêu dấu hồi nào đâu biết được ca phẫu thuật bình thường này?! Và Anh cũng đâu biết, ca mổ đã lấy đi từ cuộc đời của Chị những gì? Chị biết chỉ mình chị phải chịu đựng điều kinh khủng này. Và mang nó suốt đời, đóng kín niêm phong niềm mong ước đàn bà, có chồng và có những đứa con. Nước mắt tràn mi, chị nghiêng mặt bên gối, để mặc những dòng nước mắt tiếc nuối pha chút tủi hờn thấm loang trên mặt vải chiếc gối mềm.


         

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM (Tiếp) - Truyện ngắn.

(Tiếp theo và hết)
.........

       Tôi quay sang cô nhân viên trực toa:
       - Phiền chị thế này nhé. Tôi vừa cho cô gái dùng trứng, gừng để đánh cảm từ bên trong. Chị khẽ nhắc cô gái chỉ chỗ lấy quần áo ra để cạnh gối. Đắp chăn kín ngang miệng cho cô ấy. Khoảng nửa tiếng nữa, cô ấy sẽ đổ rất nhiều mồ hôi. Khi nào thấy ướt hết quần áo, chị giúp cô ấy cởi bỏ ra, mặc bộ khác vào. Cứ như vậy, ướt lại thay. Chỉ ba lần là thấm hết mồ hôi ra, nếu tốt, cô ấy sẽ được giải cảm. Tôi là đàn ông, không tiện làm việc này.
       - Vâng, anh cứ để tôi.
       Quả nhiên, sau nửa tiếng, cô gái đã ra mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo đang mặc. Cô nhân viên giúp cô gái lau khô người, thay bộ khác xong thì tàu vào ga Vinh.
       - Anh trông nom cố ấy một lúc nhé, tôi phải làm nhiệm vụ đón khách lên tàu.
       Cô nhân viên đường sắt kéo tay tôi lên ngồi ghé bên chiếc giường tầng trên rồi nhảy xuống, ra đầu toa chuẩn bị đón khách. Bà cụ già cùng anh bộ đội nhẹ nhàng chào tôi rồi tiến ra cửa toa. Tàu dừng bánh. Tiếng hành khách lên xuống toa tàu lao xao. Toa tôi chỉ thêm có một hành khách. Một phụ nữ trung tuổi lên toa thay vào chiếc giường của bà cụ. Thế là toa của tôi chỉ có ba hành khách, trong đó, chỉ có mỗi tôi là đàn ông.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

NGƯỜI KHÁCH ĐỒNG HÀNH TRÊN CHUYẾN TÀU BẮC NAM - (Truyện ngắn.)


         Một ngày đầu mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngồi yên lặng trước ly cà phê đen nóng. Tiệm Café Trung Nguyên Sport trên đường Trần Quốc Toản, giáp ngã ba Hai Bà Trưng, quận 1, gần Chợ Tân Định nhìn ra đường phố bên ngoài qua ô cửa sổ kính dày, trong suốt. Mới đầu giờ sáng mà quán đã khá đông khách. Trong tiếng nhạc êm nhẹ, tôi chợt cảm giác có người đang nhìn mình. Kia rồi, chỉ cách nơi tôi ngồi hai dãy bàn, có một người thiếu phụ đang nhìn về phía tôi chăm chú. Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, người thiếu phụ bỏ đôi kiếng mát, lộ rõ toàn bộ gương mặt thanh tú. Trông quen quen. Lục tìm trong ký ức, giữa bao nhiêu khuôn mặt quen biết tôi không thể nhớ ra người thiếu phụ nọ. Nhưng vẻ mặt rất quen, ít nhất là đã được gặp ở đâu đó. Chợt người thiếu phụ bưng ly nước hoa quả rời chỗ tiến đến chiếc ghế còn trống nơi bàn tôi ngồi. Nghiêng mình lịch sự, chị hỏi nhỏ:"Anh cho phép em ngồi cùng bàn nha!". Tôi vội đáp: "Xin chị cứ tự nhiên, tôi chỉ có một mình ở bàn này". Chị nhẹ nhàng ngồi xuống, miệng cười mỉm duyên dáng. Nụ cười, phải rồi…nụ cười này trông thật quen thuộc. Song tôi vẫn chịu, không nhận ra người thiếu phụ là ai.
      

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

LỄ HỘI ĐÌNH CHÙA DƯỠNG THÁI XÃ PHÚC THÀNH, HUYỆN KIM THÀNH TỈNH HẢI DƯƠNG


           Vào thế kỷ 18, 19 làng Dưỡng Thái còn thuộc tổng Bất Nạo, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8/1945 thôn Dưỡng Thái thuộc xã Phúc Thành, Hải Dương. Xã Phúc Thành nằm ở phía Bắc huyện Kim Thành, có hai thôn là Dưỡng Thái và An Thái. Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 07/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ tách thôn An Thái và một phần xóm 3 thôn Dưỡng Thái thành lập Thị trấn Phú Thái. Phần còn lại của thôn Dưỡng Thái là xã Phúc Thành ngày nay. Xã Phúc Thành nằm bên đường Quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải phòng, có vị trí chiến lược  hết sức quan trọng cho giao thương, kinh tế và phát triển văn hóa, du lịch. Phía Bắc, giáp sông Kinh Môn nhìn về phía đỉnh An Phụ nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Phía Nam giáp với xã Kim Anh. Phía Đông giáp thị trấn Phú Thái và sông Kinh Môn. Phía Tây giáp với xã Kim Xuyên. Xã Phúc Thành có cụm di tích lịch sử quốc gia là Đình - Chùa Dưỡng Thái, là một trong số ít các di tích bao gồm cả đình và chùa (toàn tỉnh chỉ có 11 di tích đình - chùa là DTLSQG)([1])cùng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1568 QĐ/BT ngày 20-4-1995. Đình - Chùa Dưỡng Thái còn có vị trí mở đầu tuyến các di tích quan trọng trong tiểu vùng Kim Thành - Kinh Môn với một loạt di tích quan trọng, có ý nghĩa vùng văn hóa trọng điểm của tỉnh Hải Dương như Đình Huề Trì, khu di tích An Phụ - Tượng đài Trần Hưng Đạo, động Kính Chủ…Đó là những địa danh quá quen thuộc đối với khách thập phương và xứng đáng  được coi là một trong những tài nguyên du lịch của tỉnh.
         

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG MỘT MÌNH TRONG CĂN NHÀ CUỐI NGÕ. - (Truyện ngắn.) BÌNH DƯƠNG


       Đêm mùa đông thật lạnh. Chị kéo chiếc chăn len dày lên ngang cổ, khẽ xuýt xoa. Mùa đông năm nay sao lạnh thế. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ cứ chập chờn mãi không chịu đến. Ngoài sân, có tiếng lá rụng thật khẽ. Lại một đêm dài nữa, người đàn bà nằm nghe lá rụng. Căn hộ ba tầng, mỗi tầng chỉ mười lăm mét vuông như quá rộng đối với một mình chị. Thêm một mùa đông nữa, chị mong Anh đến trong nỗi nhớ nhung cồn cào.
       Mùa đông này là mùa đông thứ hai, không không phải vậy. Phải nói rằng đã hơn hai năm nay, Anh không ra Hà Nội. Trong ngăn tủ đứng kia, mấy bộ quần áo của Anh vẫn treo đó. Có cả bộ mặc hè, thu có cả bộ mặc mùa đông. Tất cả đều sạch sẽ, thơm tho in dấu tay Chị giặt giũ. Những bộ quần áo treo trên mắc, nhắc đến Anh thật nhiều, mỗi khi chị mở tủ lấy đồ. Phải, hơn hai năm rồi, không thấy Anh bay ra Hà Nội.
      

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

LỄ HỘI ĐÌNH NGỌC UYÊN


        Đình Ngọc Uyên thuộc Phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương. Ngôi đình xưa đẹp đến mức bia "Ngọc đình bi ký" được lưu giữ trong Đình làng Ngọc Uyên mô tả với rất nhiều mỹ tự:
          …."Ngôi đình ở phía đông thành Phượng, đó chính là Đình Ngọc Uyên. Bao quanh đình hai bên tả hữu là sông Thái Bình. Xa xa cảnh đẹp thu vào tầm mắt là án Ngọc Lặc cao chót vót. Phía trước giao lưu chảy xiết với sông Lục Đầu. Phía sau cây cối tươi tốt xum xuê. Nổi gần đẹp mắt đó là điền Triều (ruộng Triều). Trên dưới phì nhiêu tươi tốt. Nghìn cây cổ thụ râm mát là nơi chim chóc tụ hội véo von. Đường rộng thênh thang, ngựa xe qua lại tấp nập. Ngôi đình quả là một danh lam thắng cảnh vậy"…
          Làng Ngọc Uyên (玉淵)(tên Nôm là làng Đũi) xưa còn một ngôi văn chỉ cạnh đình Ngọc Uyên bây giờ. "Từ chỉ bi ký" - Bia ghi công đức của Hội tư văn bản xã có bài minh chép hai câu như sau:([1])
林 勝 地 第 一 玉 淵
文 風 初 振 逃 脈 永 傳
才 世 出 科 甲 步 聯
碑 成 之 後 福 享 憶 年
          Phiên âm như sau:
          Minh viết:
          Thanh Lâm thắng địa đệ nhất Ngọc Uyên.
          Văn phong sơ chấn đạo mạch vĩnh truyền
          Nhân tài thế xuất khoa giáp bộ niên
          Bi thành chi hậu phúc hưởng ức niên
          Dịch nghĩa rằng:
          Đất Ngọc Uyên là nơi thắng cảnh đẹp nhất huyện Thanh Lâm
          Văn hóa phong tục thuần hậu nổi tiếng mạch đất mãi lưu truyền
          Nhân tài xuất thế qua các khoa giáp đều kế tiếp nhau đỗ đạt
          Ghi lại trên bia để muôn đời, phúc hưởng ngàn năm.
….
         

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo và hết)

       Sau cú ngã phải nằm viện đến hơn nửa tháng, lúc ra viện mạng sườn lão Đán còn phải bó bằng băng dính bản rộng mất vài tháng sau nữa. Nghỉ nhà thêm hai chục ngày, lão ra cơ quan. Cô tạp vụ được lệnh sắm cho thủ trưởng chiếc ấm sắc thuốc dùng điện. Ngày nào cũng vậy, suốt ba tháng liền, bất kể sớm tối từ phòng lão bay ra mùi thuốc bắc nhức mũi. Đến cả con chó lai to tướng của nhà bác Đổng bảo vệ đi làm theo chủ cũng đâm nghiện cái mùi thuốc bắc theo gió thoảng xuống góc sân. Nó thường nằm phục dưới góc nhà bảo vệ, mắt ươn ướt lim dim hấc hấc mũi tìm hương thuốc trong gió. Dễ đến vài ba tháng sau khi sếp hết dùng thuốc bắc, con chó vẫn còn có thói quen hướng cái mõm nhễu rớt rãi lên tầng hai, tìm hơi thuốc quen thuộc, miệng tru từng hồi khe khẽ não nề. Đám thanh niên cơ quan cứ đùa ông Đổng: "Khi nào nó muốn ăn riềng, bác cho chúng cháu đụng với nhé. Có miếng rựa mận của nó, chắc tốt xương lắm đấy!"
      

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Đây là cơ quan thứ hai mà lão Đán chuyển đến từ sau cái đận chạy từ huyện lên tỉnh. Cơ quan đầu tiên là một cơ quan tuyên truyền. Làm việc được đâu dăm năm, đơn thư từ các địa phương, đơn vị gửi tới cứ ào ào. Nội dung đơn thư khoét sâu vào nghi án "B quay" của lão, và không tán thành với vị trí và công việc của lão hiện nay. Họ kiện về tư cách đạo đức, về vị thế tuyên truyền viên của lão, kiện cả đến cái cách ăn nói "phộng phạo", "khôn không ra khôn, ngu không ra ngu" của lão khi xuống địa phương, cơ sở. Lại hì hụi kiếm cách "chạy chỗ". Vẫn "chỗ vịn" cũ, vốn đã "thăng lên" bậc trung ương hơn chục năm rồi. Chỉ với vẻn vẹn có mỗi dòng thư tay ghi chéo bên lá đơn liên hệ chuyển cơ quan công tác "Các đồng chí lưu ý giúp đỡ - Đoàn Suyền". Guồng máy chạy êm thít, tổ chức chuyển lão về đơn vị này, một cơ sở đào tạo nghề. Lại vẫn tiếp tục đơn thư như bươm bướm đổ về các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng có lẽ việc lão chỉ còn dăm ba năm công tác nên đơn thư được găm nằm "ngủ quên" ở đâu đó, không thấy giải quyết gì. Mãi rồi cũng yên. May mà vừa vào đơn vị trước được một năm, lão cũng được kết nạp đảng, nhờ mảnh giấy giới thiệu đã qua lớp bồi dưỡng  đối tượng kết nạp "mua" được từ lão Diên - trạm trưởng Trạm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp thủy tinh "Làng Tre" ngày nào. Duy có điều, chưa bao giờ lão được giới thiệu vào cấp ủy, chưa bao giờ được bầu làm bí thư chi bộ. Ở đâu cũng vậy, cả cơ quan cũ lẫn ở đây, cơ sở đào tạo nghề này. Là trưởng đơn vị thật, nhưng cứ đụng đến cái vai phải ngồi dự hội nghị thành lập hoặc đại hội hội cựu chiến binh là lão đánh bài tránh mặt, ủy quyền dự cho người khác trong ban giám hiệu. Ngày lễ thành lập quân đội, ngày thương binh liệt sĩ, đố có thấy mặt lão. Trong sở, có lẽ duy nhất chỉ có đơn vị này cấp trưởng không phải là bí thư chi bộ, không nằm trong cấp ủy. "Chỉ còn gần hai năm nữa thôi, mình thu xếp hạ cánh thật êm là yên chuyện, hết phim!". Lão nghĩ bụng vậy khi cô cấp dưỡng nhà ăn gõ cửa bưng mâm cơm riêng của lão đưa vào. Với tay mở tủ, ôm vò rượu "Ama Kông" nhờ tay hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên ở Buôn Mê Thuột mua giúp gửi ra, lão rót lấy một chén to. Xong bữa, lão mở cánh cửa sau, định bước ra ngoài hành lang, đi về phía toilet cuối dãy rửa mặt mũi.
       - Chào sếp! Hôm nay sếp ở lại không về với "hoa hậu phường" à?
       - Ô! Cô giáo đấy à, tôi có việc làm thêm buổi tối. Thế nào, mai về Hà Nội phải không?
       - Vâng, em vừa xong học trình chiều nay rồi. Mai tạm biệt bác, Em "xuôi".
       Nhìn người thiếu phụ trẻ vai vắt chiếc khăn tắm tươi rói bước vào toilet cuối hành lang, lão khép cửa phòng riêng lại. Theo luồng gió nam, mùi nước hoa Chanel thoảng tới, lão nhắm mắt hít nhẹ. Phụ nữ bây giờ sung sướng mà sành điệu thật.
      

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo)
       ……….
       Chờ đám nhân viên lục tục tản về phòng làm việc. Lão Phúc Kim mở cánh cửa ngách thông sang phòng Hiệu trưởng. Mở máy lạnh, lão ngả người trên chiếc ghế xoay gãi gãi đầu mỹ mãn. Nếu tiến độ công việc chạy được tốt, khu nhà bên kia xây xong, cũng vừa lúc còn được hơn hai tháng vẽ trò khai trương, khánh thành công trình thật xôm tụ trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu là vừa. Nghiêng người về phía chiếc tủ gương, gã tự ngắm mình. "Ừ! Mà cái thằng bác sĩ nha khoa làm quá khéo, trông cái mặt mình có vẻ trẻ ra thật. Giá như không có…"
        Chương trình hội nghị do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức tại Nha Trang sau hơn hơn hai ngày thì kết thúc. Bữa chiều, Sở giáo dục Khánh Hòa chiêu đãi tiệc mừng hội nghị tại Công ty cổ phần khách sạn Nha Trang - Lầu 7, nằm trên đường Thống Nhất. Con đường buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố, có nhiều cửa hiệu nhà hàng sang trọng, ngon và hấp dẫn du khách có tiếng của Nha Trang. Phòng ăn được thuê đặt trên tầng cao nhất của ngôi nhà. Đứng từ đó, có thể ngắm toàn thành phố rực lên dưới ánh đèn đêm. Phía xa bức tượng Phật ngồi trên tòa sen màu trắng chùa Long Sơn cao ngang ngôi nhà năm tầng, sừng sững trong đêm hắt ánh sáng lade xanh mạ lên bầu trời. Phía biển, từng quầng sáng, quầng sáng tàu cá, tàu du lịch như trôi trong đêm. Vị Giám đốc sở Giáo dục Khánh Hòa nâng ly Chivas Rigan mở lời mời chào thực khách. Với danh nghĩa đơn vị đăng cai, ông ta đã cho gọi riêng mỗi bàn một chai Chivas để chúc sức khỏe các quan chức và đại biểu các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp các tỉnh thành ngồi dự tiệc. Cùng lúc, chức sắc các trường Đại học thủy sản, Cao đẳng Văn hóa Du lịch, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng nghề, Cao đẳng sư phạm….Nha Trang được bố trí ngồi với từng dãy bàn đồng loạt làm theo để chúc rượu hơn một trăm đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Bộ. Không khí bữa tiệc bừng lên, rộn tiếng chúc tụng, hỏi han, nói cười. Bóng nhân viên nhà hàng thướt tha giữa các dãy bàn phủ vải đỏ booc - đô. Trên bục sân khấu, các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn phục vụ trong tiếng nhạc nhẹ êm ái. Bữa tiệc kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc. Khi thày trò Phúc Kim lên xe về tới khách sạn Hải Yến nằm trên đường Trần Phú thì đã hơn mười hai giờ đêm, đầu óc mấy thày trò đã "tây tây". Trước khi lên gường, lão Phúc Kim  còn tháo bộ răng giả nhựa gắn trong vòm miệng phía bên phải rửa cẩn thận bằng nước phích rồi ngâm vào chiếc cốc vại thủy tinh duy nhất có trên chiếc bàn ngủ đầu gường. Sáng sớm ra, khi mở mắt dậy, việc đầu tiên lão làm trong ngày là tìm bộ răng để lắp vào. Hôm nay, lão định rủ cậu lái xe của Sở đi chợ Đầm mua sắm, sau khi đưa sếp phó Sở đi thăm bạn ở Cao đẳng Văn hóa Du lịch bên Đồng Đế. Song lão không tin vào mắt mình khi tìm mãi mới nhìn thấy chiếc cốc cạn trơ đáy nằm chỏng trơ trong bàn gương toilet. Hoảng hồn, hỏi cậu lái xe, nó nói tỉnh queo: "Cái cốc nước bẩn trên bàn ngủ đầu gường bác chứ gì? em đổ nước bẩn trong trong cốc vào bồn cầu rồi. Đêm qua, khát quá mò dậy lấy nước uống, em thấy cốc chứa thứ gì lềnh phềnh, em đổ luôn rồi rửa sạch để lấy nước sạch uống. Uống xong em để cốc trong toilet mà!". "Chết dở, bộ răng của tao, thằng chết dẫm", lão chỉ muốn thét lên mắng nó mà miệng thì im thít không nói được tiếng nào. Mở nắp bồn cầu xem, đã có người xả nước đi từ bao giờ rồi. Trong vắt, chẳng còn gì. Dở khóc dở cười, lão đành bỏ dở cuộc đi, nói cậu lái xe cứ chở sếp đi chơi. "Hôm nay tớ thấy đau răng nhức đầu quá, nghỉ đã".
       Khi sếp sở và lái xe đi rồi, lão mới xuống quầy tiếp tân, nhờ nhân viên khách sạn chỉ chỗ và gọi xe giúp đến phòng khám nha khoa tư nhân. Tại đó, sau chút đắn đo, lão đồng ý làm tuốt cả hàm răng mới, làm cỏ luôn số răng lởm khởm còn lại từ thuở thiếu thời. Mất đúng bốn ngày. Ngày ngày, Sếp sở cứ đi chơi với cậu lái xe, tiện đâu ăn đấy. Còn lão, với chiếc khẩu trang bịt kín mồm đi làm hàm răng mới, đến bữa lại kiếm bát cháo ngao, cháo cá dằn bụng. Làm xong răng, ngắm hóa ra được, không đến nỗi nào. Mà cái thằng nha sĩ làm đến khéo. Răng sứ nhé, cứ là bóng mịn, sáng láng đào sâu chôn chặt. Không còn phải tháo ra tra vào nữa, rách việc. Đắt sắt ra miếng, mất toi chiếc nhẫn năm chỉ vàng. Lão liếc nhìn tấm ảnh ông bố đặt trên nóc tủ cùng chiếc bát hương nhỏ. Dù ở nhà đã đặt bàn thờ, song lão vẫn cứ đặt thêm một bát hương ở đây, những thầm muốn ông cụ tiếp tục đỡ cho mình hàng ngày.
       Ông Kính mất chỉ vài tháng sau khi thằng Đán chuyển ra từ phía nam. Trong những ngày quanh quẩn bên ông già, thằng Đán được ông kể lại gốc gác gia đình mình.
       Họ không phải là cư dân bản địa của vùng đất này. Họ vốn gốc ở bên Bắc Giang. Ông nội gã trước cũng chẳng làm quan nhiêu to tát gì, chỉ là tay trương tuần quèn chốn hương thôn. Mất đến gần ba quan tiền để mua lấy vai tiên chỉ lúc ngoại tứ tuần chẳng qua cũng để ne nẹt dân làng. Cách mạng tháng tám như gió cuốn bốc trôi đám hương hào bá lý, gia đình gã cùng họ hàng trôi dạt mỗi người mỗi xứ. Ông nội gã đem cả nhà sang ở phố núi bên này. Lớn lên, ông Kính lớ ngớ thế nào, đang học đệ tứ trường làng thì bị bắt đi lính. Tưởng mất xác ở Điện Biên Phủ thì Pháp thua trận, ông chạy thoát được về nhà. Việc tham gia dạy bình dân học vụ ở địa phương vài năm sau hòa bình như một cơ may để ông Kính được nhận một chân nhân viên cửa hàng sách huyện. Sau khi hoàn thành công tư hợp doanh, ông được giao phụ trách cửa hàng cho đến lúc nghỉ một cục. Một lý lịch không mấy sạch sẽ, công thêm hơn ba tháng "đi nhầm giày" khiến ông ta chẳng được cất nhắc gì đã đành mà cứ mỗi lần sắp xếp lại tổ chức, cơ quan phát hành sách tỉnh lại đưa ông vào danh sách cho dãn biên. Về được như ông cũng là quá may rồi.
       Ông Kính hoàn thành được việc lo chạy cho gã lên một cơ quan trên tỉnh xong thì chợt lăn ra ốm. Ông cụ mất vào một đêm trời chuyển gió mùa đông bắc. Trước lúc mất vài tiếng, ông chỉ nói được với thằng Đán: "Cẩn thận đấy! Cái mặt của nhà anh cả…". Bỏ dở câu nói ông thở dài. Đám ma ông diễn ra không ồn ào, số người đưa ông ra đồng cũng không đông. Ấy vậy mà mấy bà trong thôn cũng xì xầm.
       - Bà có trông thấy thằng cả Đán nhà ông lão không?
       - Tôi tìm mãi đâu thấy nó.
       - Bà này mắt mũi kèm nhèm, cái thằng có cái mặt nửa nọ nửa kia ấy chống gậy đi ngay sau cữu chứ đâu nữa.
       - Sao cái mặt nó trông là lạ thế nào ấy nhỉ?
       - Nó mất tiền chữa cái mặt sẹo từ hồi trong Sài Goòng kia. Nhưng nói thật chứ tôi nhìn cái mặt mới của nó cứ thấy sờ sợ thế nào ấy. Không giống với cái mặt người. Nó đơ đơ dài dại, mà bì bì thế nào ấy. Trông đểu cáng, ác ác là.
       Không chỉ mấy bà hàng xóm thấy thế mà ngay cả người nhà nó cũng thấy vậy. Bọn trẻ con thì sợ ra mặt. Nếu để bố nó vằn mắt lên thì đó là cái mặt đáng dùng để hù trẻ con. Thằng Đán lúc đầu không để ý lắm. Nhưng chỉ vài năm sau, tự gã cũng thấy cái mặt mình nó thế nào ấy. Bên mổ tái tạo trơ cứng dần đi. Khi có điều gì không vừa lòng, mặt nó bên đỏ bên tái, bên giật giật còn một bên cứ lì ra. Chỗ da cấy từ mông lên còn tệ hơn. Nó cứ như miếng da ngựa chứ không phải da người nữa. Lúc thâm, lúc đen, lúc xanh tái đến nó soi gương trông cũng thấy khó chịu nữa là người ngoài. Và cái cười thì thật là thảm. Mếu không ra mếu, cười không ra cười. Cái mặt ghép đã phản chủ. Nó biết, lão bác sĩ chỉ kéo đắp, dãn căng sẹo mà không cứu được các chân rễ thần kinh trên đó. Lúc nào cũng một cảm giác, nóng một bên và lì, lạnh một bên. Quen thì quen, mà lão không bao giờ điều khiển được nửa mặt bên phải.
.....
(Còn nữa)