NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA TÔI.

Cách nay hơn một năm, trên những trang viết trên Blog này tôi đã “khoe” về một tập thể có chung một nỗi đam mê: “đam mê ca hát”. Mà không phải của người trẻ; người trẻ nói đến hát xướng có vẻ là thừa, vì đó vốn là bản tính của lứa tuổi khi cuộc đời đang hồ hởi nếm trải niềm vui sống, khát khao hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ. Điều tôi nói đến khi  đó là niềm đam mê ca hát của người có tuổi. Trong tập thể với một số ít người ngót ngét…bảy mươi ấy, đa số đã ngoài lục tuần, số còn lại được cho là “trẻ” cũng hơn năm mươi cả rồi. Họ tự nguyện tập hợp nhau lại, trên nền tảng một tổ chức từng có từ thời chống Mỹ cứu nước: “Đội văn nghệ xung kích thành phố Hải Dương”. Đã có ý tưởng làm mới bằng cách tự gọi mình là đội văn nghệ “Tiếng hát mãi xanh” hoặc “Nhóm nhạc Thời gian”…Rồi ký ức tuổi trẻ lại thuyết phục họ lấy lại tên “Đội văn nghệ xung kích” dù biết rằng, môi trường để tồn tại cái tên này…khó có thể quay lại được. Dù sao, cái tên cũng không quan trọng bằng sự tập hợp có tổ chức, có sinh hoạt định kỳ và có “mục tiêu hát” cụ thể. Hát để thỏa mãn niềm đam mê, hát để biết rằng mình “còn trẻ, còn khỏe”; hát cho nhau nghe, hát với bạn bè và còn “hát cho đồng bào tôi”…nghe được.


Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

CÙNG NGẮM CÔNG TRÌNH ĐỀN THỜ CHU VĂN AN TRÊN NÚI PHƯỢNG HOÀNG, XÃ VĂN AN, HUYỆN CHÍ LINH TỈNH HẢI DƯƠNG

Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt Wikipedia trên Internet viết về Thày Chu Văn An thế này:
….”Chu Văn An (chữ Hán朱文安; 12921370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn (樵隱), tên chữ là Linh Triệt (靈澤), là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.
Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh TrìHà Nội.
Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (13001357) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đờiDụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.



Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

LÊN THĂM NGŨ NHẠC LINH TỪ - KHU DI TÍCH CÔN SƠN KIẾP BẠC, HUYỆN CHÍ LINH TỈNH HẢI DƯƠNG

           Tọa lạc trên đỉnh Phượng Hoàng gồm 5 kệ thờ được dựng bằng đá nằm trên 5 đỉnh núi, có rừng thông bao phủ cảnh rất hữu tình. Từ nơi đặt bàn thờ chính khách vãn cảnh có thể thả mình trong mây nước ngắm phong cảnh mênh mông bát ngát xung quanh, có thể nhìn thẳng về sông Cầu, sông Thương và cả vùng núi trùng điệp phương Bắc. 
Núi Ngũ Nhạc nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn, có 5 đỉnh. Trên các đỉnh núi này người xưa cho xây 5 miếu thờ sơn thần nên gọi là “Ngũ Nhạc linh từ”. Chính vì cách gọi tên “Ngũ Nhạc linh từ” nên nhiều người nhầm hiểu Từ là Đền. thực ra ở Ngũ Nhạc chỉ có miếu. Miếu có quy mô nhỏ dài 3m rộng 2m, cao khoảng trên 1m. Kiến trúc giống như một cái lăng, không có mái, trên miếu chỉ có một lư hương thờ trung thiên. Cách gọi “Ngũ Nhạc linh từ” chỉ là một cách gọi theo kiểu từ ghép Đền Miếu như một vế của câu đối ở đền Kiếp Bạc: “Từ miếu hinh hương cơ tứ hải”.
 Xét về ngữ nghĩa của chữ Nhạc có nghĩa là: Năm núi Nhạc, còn chữ Nhạc có nghĩa là núi thiêng.
     Đạo giáo ở Trung Quốc chẳng những phong danh hiệu cho Ngũ Nhạc mà còn phân chia chức năng cho từng quả núi.
- Đông Nhạc - Thái Sơn: Tiêu biểu cho sự tôn nghiêm của Ngũ Nhạc và quản việc cát hung, hoạ phúc của nhân gian.
- Nam Nhạc - Hoành Sơn: Thống đốc các loài thuỷ tộc.
- Tây Nhạc - Hoa Sơn: Quản Ngũ kim và họ nhà chim.
- Bắc Nhạc – Hằng Sơn: Chủ quản sông, biển, ao, hồ, các loài thú, rắn, rết, côn trùng.
- Trung Nhạc – Tùng Sơn: Chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực.
Do ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, ở Côn Sơn, nguời xưa đã xây dựng 5 miếu thờ trên cùng một dãy núi, vì thế mà có tên Ngũ Nhạc linh từ. 5 miếu trên Ngũ Nhạc có thể được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII – XIV – là thời kì phát triển của đạo giáo Việt Nam. Vào thời Trần có đạo sĩ Huyền Vân luyện đan ở núi Phượng Hoàng nên vua Trần đặt tên là động Huyền Thiên. Ở Côn Sơn có động Thanh Hư và Ngũ Nhạc có 5 miếu thờ Sơn thần mang đậm chất của đạo Giáo.
Trên 5 đỉnh núi có 5 miếu thờ 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung phương. Căn cứ vào tên gọi lư hương bằng đá ở miếu cao nhất “Đông lư miếu” 5 miếu này lần lượt có tên:
Đông phương miếu: Tượng trưng cho hành mộc – màu xanh.
Tây phương miếu: Tượng trưng cho hành kim – màu trắng.
Nam phuơng miếu: Tượng trưng cho hành hoả - màu đỏ.
Bắc phương miếu: Tượng trưng cho hành thuỷ – màu đen.
Trung phương miếu: Tượng trưng cho hành thổ – màu vàng.
5 miếu mang những chức năng quản việc cát, hung, hoạ, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Vì thế mới lý giải được vì sao đường cao, dốc dài, dây gai chắn lối mà các tín đồ phật tử vẫn hành hương lên Ngũ Nhạc linh từ để cầu phúc, tránh hoạ, mong cho mùa màng phong đăng hoà cốc, quốc thái, dân an.
Sau khi được trùng tu, Ngũ nhạc linh từ được khánh thành vào ngày 13/2/2006, tức 16 tháng Giêng âm lịch, đúng vào dịp khai mạc lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc.

Tháng tám âm lịch tới đây, lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc lại mở. Khách thập phương về dự khai hội hãy dành thời gian lên đỉnh Ngũ nhạc để vãn cảnh núi non mây trời kỳ vỹ này. Ngũ Nhạc Linh Từ không chỉ là địa chỉ thiêng cho du lịch văn hóa tâm linh mà nay còn được nhiều hội viên khí công dưỡng sinh chọn làm nơi tiếp thụ khí thiêng trong luyện công, dưỡng khí. Dưới đây là video hình ảnh ghi lại sau một chuyến hành hương. 


Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ (Bài đăng tiếp kỳ trước)

……
Chiều hôm đó, gần năm giờ lễ tân nhà khách báo Anh Bảy đợi tôi dưới sảnh. Tôi vội xuống, lên xe. Dọc đường, tôi dè dặt nói với Anh Bảy về tâm trạng lúng túng khi dự một cuộc tiếp cơm như thế này. Anh Bảy cười lớn, giọng thân tình: "Thằng Ba này sao mà nhát vậy! Chuyện cũng thường thôi, cha Văn Công hễ nói đến sách báo, thơ văn là vui nổ trời. Nhân có chuyện chú Em vào, Ổng muốn gặp gỡ bạn văn, thơ. Lâu lâu, tụi mình lại ngồi nhậu với nhau một bữa thế này. Lát nữa chú em biết ngay thôi. À mà Anh nói chú biết nhé. Hồi trên cứ, thằng Bảy này là ông Mai của vợ chồng Văn Công đó. Bữa làm lễ, tao vừa làm Mai vừa làm chủ hôn, lại vừa thay mặt cả hai gia đình đó!" Thảo nào? - tôi nghĩ bụng khi nghĩ đến lối nói Anh Văn Công dùng bữa trước "Tôi được Anh Bảy phôn cho..." một cách thân mật. Xe đưa chúng tôi đến phố Phan Chu Trinh, rồi giảm tốc độ rẽ vào một khu khách sạn bề thế. Tôi đọc tấm biển trên cột cổng " Khách sạn giao tế Thắng Lợi- Hotel relattion Thang Loi ". Bên dưới dòng tiếng Anh còn một dòng tiếng Nga nữa. Chúng tôi được tiếp viên khách sạn đưa đến một phòng ăn nhỏ, trong đó chỉ có dăm bảy người. Anh Văn Công chào lớn: "Anh Bảy tới rồi, ngồi đi, ngồi đi!" Anh Bảy xếp tôi ngồi cạnh Anh. Anh lần lượt giới thiệu thực khách để tôi chào hỏi. Người ngồi cạnh tôi, có dáng người nhỏ nhắn, trán cao hơi hói và đôi mắt tinh nhanh sau cặp kính là...nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Tôi ngẩn người, tròn mắt. Anh Giang Nam cười lớn: "Lạ lắm hả, biết bài thơ nào của tui không?" Tác giả của bài thơ "Quê hương" nổi tiếng là vậy đó, quảng giao và vui vẻ. Tôi đứng dậy chào Anh, Anh Văn Công cười: "Cứ ngồi, cứ ngồi. Bất ngờ hả?". Rồi lần lượt các Anh: Bằng Tín - Phó Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, Anh Đỗ Như Phước- Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô tỉnh Phú Khánh, Anh Đặng Ngọc Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, Nhà văn Nguyên Hồ, nhà thơ Đào Xuân Quý.....và một vài khuôn mặt khác không nhớ hết tên. Bữa ăn không thật thịnh soạn và cấp "nhà nước" như tôi nghĩ. Đơn giản, nhẹ nhàng song đầm ấm và rất vui. Các Anh thay nhau đọc thơ, đàm luận đôi lúc còn "dọn vườn" thơ của nhau khiến bàn tiệc lúc lúc lại rộn lên. Tôi thú thật với Anh Giang Nam rằng mình chỉ biết "giữ sách" chứ văn chương không rành, Anh nói vui: "Thế thì cậu cứ nghe, khi nào thấy chán thì bảo mình. Mà nếu nghe không vào thì "chiêu" mấy ngụm bia cho đã!" Anh Bảy cũng động viên tôi: "Đây là "tiệc thơ", ai có thơ cứ đọc, ai không thích uống thơ thì...uống bia". Tôi thấy thoải mái dần, khi nhỏ nhẹ chuyện với người này, khi nhỏ nhẹ với người khác. Bỗng Anh Văn Công gọi: "Thiêm nè, mình có việc muốn nhờ cậu đó". Tôi hướng về phía Anh, lắng nghe. "Hồi trên cứ, mình viết được khá nhiều thơ. Thơ được đăng trên báo Liên khu Năm có, thơ được Văn nghệ miền in, được Nhà xuất bản Giải phóng in cũng có. Thế nhưng hồi đó, có thơ đăng, thơ in nhưng có được biếu sách mấy đâu. Nhưng mình biết, các thư viện miền Bắc thế nào cũng có. Nhân đây, nếu có thể giúp được, Ông tìm giúp lại cho mình vài tập. Cứ gửi qua đường Bưu điện là mình nhận được". Anh Giang Nam cũng góp thêm: "Việc đó mấy vị "giữ đền" này làm được đấy. Thiêm, Em hứa cái rụp đi cho Ảnh yên lòng!" Chưa biết sẽ tìm và bằng cách gì để có mấy tập thơ đó, nhưng tôi cũng thưa: "Em sẽ gắng, có được Em xin gửi vào cho Anh". Nói vậy nhưng bụng cũng ...lo. Cuộc vui kéo mãi đến hơn tám giờ tối, để lại một không khí quần tụ, ấm cúng và hết sức thân thiết trong tôi. Chia tay với các Anh, tôi cũng nói lời chào tạm biệt và hứa nếu có dịp trở lại xin được đến thăm các Anh. Anh Văn Công nắm tay tôi thật chặt, nói thêm: "Tìm được hay không tìm được mấy cuốn sách cho mình không quan trọng, đừng vì thế mà mất quá nhiều công. Biết có sách ngoài đó là được rồi. Đi đường khoẻ mạnh nghen, cho gửi lời thăm mấy Anh và gia đình ngoài đó. Có dịp ra ngoải công tác, qua Hải Dương mình sẽ ghé vô!" Anh Thiết - Phó Chánh văn phòng UBND vội ghé tai tôi: "Gắng tìm cho Ảnh, Ảnh lo kiếm mãi không được đó!" Tôi bắt tay Anh, nói nước đôi: "Sẽ cố gắng. Khi nào tìm được tôi sẽ báo tin để các Anh biết."(Năm 1986, theo sự điều động của Tổng cục Thống kê, nhà tôi và các cháu chuyển vùng vào Phú Khánh công tác. Tôi đã gửi được qua nhà tôi hai cuốn "Tiếng hát miền Nam" và "Bất khuất" cho Anh. Có được hai tập sách đó là nhờ sự giúp đỡ của Anh Long - Trưởng phòng Lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam (Anh đã mất năm 1988 - 1989 gì đó).


Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ - (BÀI ĐĂNG TIẾP KỲ TRƯỚC)

(Tiếp theo)
          ……
          Sau buổi lễ kỷ niệm, UBND thị xã Tuy Hoà, ngành văn hoá và thư viện Hải Phú tổ chức chiêu đãi tại nhà khách thị uỷ. Lợi xếp tôi ngồi cùng bàn với Anh Bảy Tính cùng các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ, Uỷ ban và Phòng văn hoá thị xã. Đang ăn, anh Bảy gọi "Năm, mày qua đây tao dặn này". Người đàn ông được gọi sáp đến, anh Bảy giới thiệu với tôi: "Đây là Năm Quang, quyền trưởng phòng văn hoá thị xã Tuy Hoà. Hoạt động văn hoá dữ lắm đó" Quay sang Anh Năm, người có dáng thấp đậm, tóc cũng nhuốm bạc, tuổi cỡ xấp xỉ năm mươi, Anh Bảy dặn: "Chăm sóc thằng nhỏ cho kỹ, chuyển nó qua nhà khách Con gà vàng. Giữ chơi vài hôm cho nó lại sức, rồi bảo thằng Tư khi vô Nha Trang họp đưa nó về chỗ tao". Anh Quang dạ dạ rồi vỗ nhẹ vai tôi: "Chú em khỏi lo đi, anh Quang mà chăm thì khỏi khụ khựa gì hết". Bữa đó, tôi không biết đã phải chạm ly với bao nhiêu người, cũng may tiệc chỉ dùng La de (Bia lên men) và không phải dô trăm phần trăm như bây giờ nên chịu được. Người mà Anh Bảy kêu tên "thằng Tư" chính là Anh Nguyễn Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Tuy Hoà lúc đó.


Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ

       Lời người viết: Trong suốt những năm tháng công tác, cũng như nhiều người khác tôi có khá nhiều những kỷ niệm, dấu ấn vui buồn. Một trong những kỷ niệm ấy đã được viết lại và cơ quan chủ quản đã in thành sách cùng nhiều tác giả khác dưới tiêu đề: "Những kỷ niệm khó quên"- Tập hồi ký Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa Thông tin (28/6/1945 - 28/6/2005). Sách do Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương xuất bản, 2005.
        Nay tôi đưa lại trên trang Blog này để hồi nhớ lại những sự việc xưa:

        Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1985, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Hải Hưng nhận được giấy mời của Thư viện Hải Phú (Thị xã Tuy Hoà - tỉnh Phú Khánh) mời dự lễ kỉ niệm 10 năm thành lập thư viện kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương. Ban Chủ nhiệm Thư viện cử tôi - Phó Chủ nhiệm Thư viện vào dự lễ kỷ niệm này.
        Với tôi, sau chuyến đi Thanh Hoá năm 1978 đây là chuyến đi dài nhất được thực hiện tới lúc đó. Năm 1985, là thời điểm mà cả nước đang còn rất khó khăn, việc thực hiện "Giá - Lương - Tiền" mới chỉ bắt đầu, lương tháng tôi được lĩnh vỏn vẹn có tám mươi lăm đồng (85đ 00). Với gia đình tôi, đây quả là chuyến đi ngàn dặm khiến cả nhà lo lắng. Vợ tôi lặng lẽ nhét vào túi tôi một trăm đồng, như thế tôi cầm đi hai phần ba tiền lương của cả nhà. Cộng với tiền tạm ứng Bác Dương Văn Lập - Kế toán Sở ứng cho 1 tháng lương, vốn liếng "xuyên Việt" của tôi ngót nghét 200 đồng.


Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NHÂN NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27 THÁNG 7 THẮP MỘT NÉN NHANG KÍNH VIẾNG HƯƠNG HỒN CÁC LIỆT SĨ HY SINH TẠI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ SAU 81 NGÀY ĐÊM KHÓI LỬA MÙA HÈ NĂM 1972

           Một năm trước đây, những ngày này, gia đình chúng tôi rong ruổi trên dường vào Thành cổ Quảng Trị với hy vọng biết được nơi em trai tôi ngã xuống. 81 ngày đêm bom đạn khói lửa, em tôi và các đồng đội dũng cảm của chú ấy đã đem máu của mình nhuộm đỏ dòng sông Thạch Hãn. Khi đó, chắc không một ai trong những sinh linh trinh trắng ấy biết rằng, thân xác của họ để lại dưới dòng sông lạnh lẽo sau hơn bốn mươi năm lại mỗi lúc mỗi linh thiêng. Hàng triệu, hàng triệu lượt người đã đến bên dòng sông định mệnh ấy để khóc thương thân nhân của mình, để thả hoa thắp nến, đốt nén tâm nhang nghi ngút khói hương giữa trời xanh, sông nước Thạch Hãn. Để ngậm ngùi đọc bốn câu thơ hàm xúc của người lính Lê Bá Dương, người từng đứng cùng chiến hào đẫm máu năm nào viết cho những linh hồn đồng đội bất tử:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.


           Chuyến đi ấy, tôi đã kể lại trên trang Blog này dưới tiêu đề bài viết "Hương hồn em trai tôi bên bờ sông Thạch Hãn". Cho tới tận hôm nay, bài viết này đã được hàng nghìn lượt người truy cập, có cả địa chỉ từ các quốc gia xa xôi như: Sec, Canada, Mỹ…
          Giờ đây, xem lại những khuôn hình ghi lại những khoảnh khắc trĩu lòng cùng người thân đi kiếm tìm nơi em trai mình ngã xuống, tôi càng thấm thía hơn bốn mươi năm xa biệt thân xác em tôi giữa sóng nước xa vời Thạch Hãn. Nay tôi tập hợp lại những hình ảnh đó, đưa lên trang Blog này để trò chuyện với linh hồn em tôi, ngõ hầu từ dưới đáy lòng sông, em tôi nhận được niềm thương xót vô vàn của Bố, Mẹ (nay dù khuất xa ngót chục năm trời) và chúng tôi  anh chị em, con cháu trong nhà. Như một nén hương giữa vạn triệu nén hương các thân nhân gia đình liệt sĩ, những ngày này đang thành kính đốt lên để dẫn những linh hồn từ mờ xa gần lại với người thân.
          Chúng tôi xin mãi gửi máu xương và linh hồn Em tôi 
cho đất trời và bà con cô bác bên dòng Thạch Hãn chăm sóc. 
Xin trân trọng biết ơn. 


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 22.

(Tiếp theo và Hết)
       ……….

 

Kết.

 

       Trên lầu ba căn hộ nhỏ xinh, người đàn bà tuổi vừa bảy mươi lặng ngồi bên cửa sổ. Mái tóc bạc trắng thời gian được chải bới cẩn thận ôm lấy khuôn mặt dịu dàng, hiền khô. Cặp mắt già nua nhìn vô định vào không gian phía trước. Mới sáng ra, trời Sài Gòn như loãng ra dưới nắng hè chói chang. Phía trên khung cửa chiếc điều hòa gắn trên tường thả những luồng không khí mát dịu xuống căn phòng. Chợt Bà ngoái lại khi nghe tiếng chân bước của đứa cháu.

       - Hồng sang khi nào đấy con. Lát nữa con gọi cho thằng Long nói nó chuẩn bị hương hoa, đồ lễ xuống Bình Hưng Hòa thăm mộ ba má nghe con.!

       - Dạ, con bàn với cả mấy nhà hồi hôm rồi. Bá Thanh, Cậu Long con sẽ đưa xe xuống đón dì và chúng con ra nghĩa trang sớm cho đỡ nắng. Dì đừng lo lắng quá.



Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 21.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

      

       Chị nói vội trong nước mắt, tay quàng vai người bạn đời của Anh cùng kéo đến bên người đàn ông yêu quý. Trong khoảnh khắc, Chị nhận một tia nhìn thật ấm áp của người đàn bà chủ nhà. Hai người đàn bà nhìn thẳng vào mắt nhau, ánh mắt trong veo chân thành gần gụi.



Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 20.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Chiếc máy bay Airbus A330-200 VN-A377 của hãng Hàng không Vietnam Airlines giảm độ cao. Trên khoang hành khách phổ thông, Tuyết và con cháu Hồng nhìn nhau. Dưới đất kia là thành phố Hà Nội với lô xô nhà cửa, đường sá. Sân bay Nội Bài đang chuẩn bị đón chuyến bay của họ. Tâm trạng hai dì cháu hết sức phấn chấn. Với con Hồng, từ khi gia đình định cư ở thành phố Hồ Chí Minh đây là chuyến bay thứ hai trở về nơi ba má nó sinh ra chị em nó. Chuyến trước vào đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, cả nhà cùng dì Tuyết bay ra Hà Nội rồi về quê chịu tang bà ngoại. Các cậu, dì trong nhà đón họ trong nước mắt. Cả nhà không được chứng kiến giây phút Bà trút hơi thở cuối cùng. Nhưng bù lại, vừa kịp dự lễ khâm liệm Bà. Khi đó, con Hồng mới vừa tốt nghiệp Đại học. Chị Thanh nó mới vừa xây dựng gia đình. Chuyến về quê, cũng là chuyến anh rể vốn gốc quê Tiền Giang biết quê ngoại. Khung cảnh làng quê những năm đó còn khốn khó lắm. Cuộc sống ở quê kham khổ, thiếu thốn đủ thứ. Ba má cứ sụt sùi tiếc nuối vì mới cách đó chừng hơn ba năm, trên đường ra công tác phía Bắc trở vào đã đón được ngoại vào chơi đến vài ba tháng. Song rốt cuộc, cả nhà không thể giữ được Bà ở trong đó lâu hơn. Bà một mực đòi về, và lý do thật đơn giản: "Thế Bà sống trong này với các anh các chị, lấy ai hương khói thờ phụng ông ngoài đó. Thôi để Bà về, có bề gì Bà còn được nằm xuống cạnh ông!". Rồi cả nhà cũng phải chiều Bà, để Bà ra. Lần đó, Bà ra Bắc với Cậu Hai. Mới đó, mà đã hơn chục năm có lẻ rồi. Chuyến này hai dì cháu ra, định sẽ về quê nữa để bàn với Cậu Hai xây mộ cho cả hai ông bà và cùng họ tộc tôn tạo nhà thờ họ vào năm tới. Dù trong bụng nôn nao việc gặp cả nhà Anh, nhìn vẻ mặt háo hức của con cháu Chị cũng thấy vui theo. Bụng bảo dạ: "Mình ra thăm người ốm, có chi mà ngại!" nhưng cảm giác chộn rộn không thể ghìm xuống được. Những người sống bên Anh sẽ đón mình với thái độ thế nào nhỉ?!