NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 22.

(Tiếp theo và Hết)
       ……….

 

Kết.

 

       Trên lầu ba căn hộ nhỏ xinh, người đàn bà tuổi vừa bảy mươi lặng ngồi bên cửa sổ. Mái tóc bạc trắng thời gian được chải bới cẩn thận ôm lấy khuôn mặt dịu dàng, hiền khô. Cặp mắt già nua nhìn vô định vào không gian phía trước. Mới sáng ra, trời Sài Gòn như loãng ra dưới nắng hè chói chang. Phía trên khung cửa chiếc điều hòa gắn trên tường thả những luồng không khí mát dịu xuống căn phòng. Chợt Bà ngoái lại khi nghe tiếng chân bước của đứa cháu.

       - Hồng sang khi nào đấy con. Lát nữa con gọi cho thằng Long nói nó chuẩn bị hương hoa, đồ lễ xuống Bình Hưng Hòa thăm mộ ba má nghe con.!

       - Dạ, con bàn với cả mấy nhà hồi hôm rồi. Bá Thanh, Cậu Long con sẽ đưa xe xuống đón dì và chúng con ra nghĩa trang sớm cho đỡ nắng. Dì đừng lo lắng quá.



Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 21.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

      

       Chị nói vội trong nước mắt, tay quàng vai người bạn đời của Anh cùng kéo đến bên người đàn ông yêu quý. Trong khoảnh khắc, Chị nhận một tia nhìn thật ấm áp của người đàn bà chủ nhà. Hai người đàn bà nhìn thẳng vào mắt nhau, ánh mắt trong veo chân thành gần gụi.



Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 20.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Chiếc máy bay Airbus A330-200 VN-A377 của hãng Hàng không Vietnam Airlines giảm độ cao. Trên khoang hành khách phổ thông, Tuyết và con cháu Hồng nhìn nhau. Dưới đất kia là thành phố Hà Nội với lô xô nhà cửa, đường sá. Sân bay Nội Bài đang chuẩn bị đón chuyến bay của họ. Tâm trạng hai dì cháu hết sức phấn chấn. Với con Hồng, từ khi gia đình định cư ở thành phố Hồ Chí Minh đây là chuyến bay thứ hai trở về nơi ba má nó sinh ra chị em nó. Chuyến trước vào đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, cả nhà cùng dì Tuyết bay ra Hà Nội rồi về quê chịu tang bà ngoại. Các cậu, dì trong nhà đón họ trong nước mắt. Cả nhà không được chứng kiến giây phút Bà trút hơi thở cuối cùng. Nhưng bù lại, vừa kịp dự lễ khâm liệm Bà. Khi đó, con Hồng mới vừa tốt nghiệp Đại học. Chị Thanh nó mới vừa xây dựng gia đình. Chuyến về quê, cũng là chuyến anh rể vốn gốc quê Tiền Giang biết quê ngoại. Khung cảnh làng quê những năm đó còn khốn khó lắm. Cuộc sống ở quê kham khổ, thiếu thốn đủ thứ. Ba má cứ sụt sùi tiếc nuối vì mới cách đó chừng hơn ba năm, trên đường ra công tác phía Bắc trở vào đã đón được ngoại vào chơi đến vài ba tháng. Song rốt cuộc, cả nhà không thể giữ được Bà ở trong đó lâu hơn. Bà một mực đòi về, và lý do thật đơn giản: "Thế Bà sống trong này với các anh các chị, lấy ai hương khói thờ phụng ông ngoài đó. Thôi để Bà về, có bề gì Bà còn được nằm xuống cạnh ông!". Rồi cả nhà cũng phải chiều Bà, để Bà ra. Lần đó, Bà ra Bắc với Cậu Hai. Mới đó, mà đã hơn chục năm có lẻ rồi. Chuyến này hai dì cháu ra, định sẽ về quê nữa để bàn với Cậu Hai xây mộ cho cả hai ông bà và cùng họ tộc tôn tạo nhà thờ họ vào năm tới. Dù trong bụng nôn nao việc gặp cả nhà Anh, nhìn vẻ mặt háo hức của con cháu Chị cũng thấy vui theo. Bụng bảo dạ: "Mình ra thăm người ốm, có chi mà ngại!" nhưng cảm giác chộn rộn không thể ghìm xuống được. Những người sống bên Anh sẽ đón mình với thái độ thế nào nhỉ?!




Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 19.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
      
       Chiếc taxi chạy chậm lại rồi dừng đỗ. Trên xe bước xuống một già một trẻ. Họ hướng đến khu công viên gần đấy. Chậm bước tản bộ bên đứa con gái út, Ông suy nghĩ miên man. Bên cạnh, con Lan khoác nhẹ cườm tay bố thỉnh thoảng đưa chiếc khăn mềm chấm nhẹ vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Hôm nay, tính từ bữa ra viện, thế cũng đã hơn hai tuần rồi. Sức khỏe ông đã khá nhiều, tuy mọi cử động phản xạ vẫn chậm và ít cảm giác. Hơn một tháng trời qua, cả nhà cứ sôi lên. Ông nằm viện mấy tuần lễ liền. Bà trông già đi vì lo lắng. Ơn trời, cơn bạo bệnh cũng bị ngăn chặn kịp trả lại cho cả nhà niềm vui vì mỗi ngày sức ông mỗi khá lên. Hôm ông ra viện, con cháu tíu ta tíu tít. Đám trẻ con thấy ông trở về hào hởi, hết dứa nọ đến đứa kia giành nhau sán đến bên ông. Dù chưa hết xanh xao và mỏi mệt, ông vẫn kéo từng đứa đến bên nựng khéo rồi vỗ về, vuốt ve chúng. Cơn choáng nhẹ tưởng đã dứt ông ra khỏi cháu con từng có lúc làm ông buồn bã nay không còn. Con cháu, người thân trong nhà giờ lại quây tụ đủ đầy quanh ông bất kể giờ nào. Không khí gia đình đầm ấm như liều thuốc bổ lấy lại thần sắc cho ông. Nghĩ đến những ngày nằm bất động trên giường bệnh, sự trở lại đời sống bình thường thật quá quý giá.
       - Bố gắng đi thêm vài bước nữa rồi mình ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá kia.


Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 18.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Nghĩ đến những việc ấy vào giờ này, Chị không nín được nụ cười. Người "tẩm ngẩm tầm ngầm" thế mà sâu sắc đáo để. Đàn bà như Chị, không có ai nghĩ được những việc "ngồ ngộ" như thế. Cả hai đứa, vợ sinh nở xong chồng cũng chỉ cháo não, giặt giũ được vài ngày. Rồi mất mặt luôn cả tháng. Ngày đi làm cơ quan, tối lại lóc cóc đạp chiếc xe "Phượng hoàng" tróc sơn, bỏ bớt hộp xích vì đã rỉ tã rồi ra Khu triển lãm Giảng Võ làm thuê suốt đêm với đám bạn bè họa sĩ. Hai đứa trẻ sinh ra đều trúng hai mùa triển lãm "Thành tựu kinh tế kỹ thuật". Con đầy tháng, bố "cày đêm toàn tập" cũng kiếm đủ tiền trang trải việc vợ con sinh nở. May mà Anh lại có mấy cô bạn gái thân rất nhiệt tình. Ngày nào cũng vậy, cứ thoát được việc cơ quan, việc nhà là mấy cô lại "đổ bộ" sang cứu trợ. Cơm nước, sữa con cháo mẹ, giặt giũ…đủ kiểu đỡ Chị. Lắm lúc nghĩ cứ…ngượng vì làm phiền người khác nhiều quá. Anh chặc lưỡi "Mình có tốt với bạn thì bạn mới giúp mình thế. Khi họ cần, mình lại xả thân thôi!" Mà Anh làm thế thật. Bạn bè ai cũng quý, cũng nể. Đấy, nghe tin nằm viện thế này mà hôm nào rảnh là đám bạn lại ghé qua, đủ cặp không thiếu một ai.


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 17.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
       Người đàn bà luống tuổi ngồi lặng lẽ bên chiếc giường bệnh nhân trên tầng năm Viện tim mạch trung ương. Gian phòng được thuê riêng theo chế độ dịch vụ y tế. Không khí thanh sạch, mát dịu. Đầu giường, những chiếc máy với lỉnh kỉnh dây nhợ và màn hình, đồng hồ, bảng điện nhấp nháy đèn xanh đỏ. Chồng Chị nằm đó, khuôn mặt xanh tái thiêm thiếp giữa đống gối ga trắng muốt. Đường ống mềm nối từ mu bàn tay Anh lên ống dịch truyền phía trên. Anh mới tỉnh lại một vài tiếng đồng hồ sau một cơn choáng nhẹ trước đó. Đôi môi mệt mỏi trễ xuống, hàng râu chưa kịp cạo lởm chởm nhuốm bạc. Nhìn Anh, Chị khẽ thở dài, tay vuốt nhẹ lên bàn tay nổi gân xanh của chồng, mắt ngân ngấn nước.


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 16.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
       Lần lượt mở toang các cửa ra hiên, cửa sổ mỗi tầng lầu, Chị lôi chiếc máy hút bụi vào từng phòng, từng ngóc ngách căn nhà dọn dẹp. Bỏ vắng cả chục ngày mà căn nhà chỉ thiếu hơi người ở chứ không bụi bậm, bừa bộn. Hết lầu dưới lên lầu trên, từng không gian sinh hoạt được chăm sóc kỹ càng trông tươi tắn hẳn. Đám rèm cửa lớn bé được tháo ra, tống gọn vào thùng carton chờ gọi nhà hàng dịch vụ tới đem về giặt ủi máy công nghiệp. Sàn gỗ ốp lát mỗi tầng lần lượt được lau chùi sáng bóng, thơm mùi hoa tỏa ra từ các máy xịt thơm phòng và khử mùi hoàn toàn tự động giấu sẵn trong các kết cấu kiến trúc. Lên tầng thượng, Chị mở cánh cửa tum bước ra ngoài thu dọn lá rụng từ giàn hoa giấy lấy bóng mát, chống nóng. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng mới xây chiếm độ cao trên không gian thành phố mới thấy tốc độ xây dựng nhanh đến chóng mặt ngót chục năm vừa qua. Bộ mặt quy hoạch kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày mỗi mới mẻ, hiện đại. Gần ba mươi năm có mặt tại thành phố sống động nhất nước này, chị cũng như mọi người dân sinh sống nơi đây chứng kiến nhiều sự thay đổi năm nọ qua năm kia đến choáng ngợp. Từ vị trí ngôi nhà của mình, ngắm nhìn mỗi thay đổi chung quanh mới thấm thía sự biến đổi do tác động thời gian lên tuổi tác của mỗi con người. Ráng chiều đang buông xuống. Những vạt nắng cuối cùng đang nhẹ nhàng rời khỏi mặt tiền những ngôi nhà cao tầng phía xa. Bầu trời bắt đầu điểm những vệt mây xẫm dần.


Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 15.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
       Chiếc xe cấp cứu hú còi ưu tiên chạy giữa dòng người xe đan chen. Chị ngồi lặng bên chiếc cáng thương, tay giữ nhẹ cườm tay người đàn ông đang thiêm thiếp.
       - Liệu có kịp đưa ảnh đến bệnh viện không chị?
       - Kịp em à. Với trang thiết bị trên xe, không có gì đáng phải lo lắng cả. Vấn đề là ở khả năng đề kháng của anh ấy. Lẽ ra, ngay đầu sáng anh ấy phải báo cho chị biết về cơn choáng nhẹ hồi đêm. Khi thấy chuông báo, chị chạy lên thì anh ấy đã hôn mê rồi. Chỉ đủ thời gian sơ cứu rồi gọi xe. Cho đến lúc này, tim mạch vẫn không có biểu hiện xấu. Đến rồi, bệnh viện kia rồi. Kịp cấp cứu rồi em ơi!


Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 14.


(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
       - …..Anh tìm gặp lại Tuyết sau gần ba mươi năm mất dấu. Cô ấy vẫn sống một mình, khi không còn khả năng sinh nở sau ca mổ cắt bỏ dạ con và phần phụ vào những năm đầu 1980. So với cuộc sống vợ chồng mình bây giờ, Anh thấy cô ấy quá thiệt thòi và bạc phận. Người đàn bà, giấc mơ không thành về tình yêu thương đôi lứa, tình vợ chồng cầm sắt và những đứa con…trong hoàn cảnh vậy làm sao có thể cầm lòng được. Anh thương cô ấy quá.
       Anh không thấy vợ hồi đáp lại câu chuyện dài của mình. Chỉ thấy một hơi thở dài kìm nén và thoáng tiếng cựa mình dè dặt. Chị trở mình xoay mặt vào trong tường, im lặng. Không gian như chết lặng, Anh biết câu chuyện của mình có thể đã chạm đến điều gì đó khá nghiêm trọng trong tâm can vợ. Một sự tổn thương tình cảm chăng? Hay vì đến vài năm sau ngày Anh và Tuyết gặp laị nhau ở Sài Gòn, giờ Anh mới nói lại câu chuyện này với vợ?!


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 13.


(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Sau hành trình 42 tiếng đồng hồ, đoàn tàu Thống Nhất trả Anh xuống sân ga Hàng Cỏ. Khác với mọi chuyến đi công tác khác, Anh ra cửa ga rồi lặng lẽ vào ngồi trong phòng đợi. Giờ mới là 5 giờ sáng, con đường Lê Duẩn trước cửa ga mới chỉ có ít người xe qua lại. Trời Hà Nội cuối thu se se, mới đầu buổi sáng mà trời đã dợm trước một màu xanh cao vời vợi. Từ chỗ ngồi, Anh nhìn ra hè đường phía đối diện. Hình ảnh người thanh niên năm nào ngoài hai mươi tuổi ngơ ngác đứng ngóng người yêu trên hè phố xưa ùa về. Khi ấy, Anh đến đó để rồi vô vọng kiếm tìm không ra người mình hẹn gặp. Nay, sau gần ba mươi năm, người đàn ông tóc đốm bạc ngồi lặng ngẫm nghĩ về tuổi trẻ của mình. Đường phố, những ngôi nhà và những con người tại không gian xưa nay đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, Anh đã tìm lại được người mình phải tìm, mối dây ân tình đã được nối lại, nhưng cuộc sống riêng của mỗi người lại theo hai lối rẽ khác nhau. Hai số phận, hai cuộc đời vẫn còn đó những ràng buộc sâu nặng. Họ đã gặp nhau, dù hoàn cảnh đã khác. Mãi tới hơn 7 giờ sáng, Anh mới lên taxi trở về nhà. Còn được nghỉ ngơi một ngày nữa, mai Anh sẽ tới cơ quan. Vợ Anh không có nhà, căn hộ trong tòa nhà chung cư lớn đón Anh trong yên lặng. Hơn một giờ đồng hồ sau, có tiếng chìa khóa tra vào ổ lạch xạch.


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 12.


(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Trong ánh đèn ngủ xanh dịu, họ nằm bên nhau buông nhịp thở nhẹ nhõm. Chợt Chị lần kiếm bàn tay Anh, đặt lên vùng bụng mềm mại. Tay Anh đang mơn man da thịt nồng ấm bỗng khựng lại khi nhận thấy dưới mấy đầu ngón tay mình đụng đến một đường gờ dài trên làn da êm mịn. Anh bật nhổm dậy, đưa mắt sững sờ có ý hỏi Chị. Chị khẽ khàng: "Đó là lý do em ở vậy một mình đấy". Từ đôi mắt Chị, Anh nhận thấy ánh nhìn sâu thẳm của nỗi buồn tê tái. Rồi Chị thủ thỉ kể Anh nghe về những năm tháng họ xa nhau. Thế ra, đêm trên đất hoa đào Nhật Tân năm nào Anh đã từng gieo vào cơ thể xuân thì của Chị mầm sống đầu tiên. Trời đất chứng giám cuộc tình mặn mòi của họ và đã ban cho Chị niềm vui hoài thai rồi lại lấy đi mầm sống nhỏ nhoi ấy để lại biết bao niềm tiếc nuối xót xa. Sự chia xa vội vã, bất ngờ làm tan chảy cơ hội làm vợ, làm mẹ của Chị tưởng đã là nỗi đau buồn lớn lao. Song không ngờ, sự việc còn đi xa hơn thế. Điều kiện sinh hoạt, sự khác biệt thông thổ, khí hậu và hoàn cảnh sống giữa chiến tranh trên đất bạn lại làm Chị thiệt thòi hơn nhiều khi buộc phải cắt bỏ dạ con trước nỗi lo ác bệnh. Sự may mắn chỉ đến với Chị là sự sống của Chị không bị đe dọa thêm nữa. Nhưng số phận lại buộc Chị chấp nhận thực tế thật phũ phàng. Hạnh phúc gia đình không thể làm lại được. Tước bỏ niềm mong đợi chồng con, ước mong mang nặng đẻ đau bị đóng kín giữa lúc tuổi Chị tràn đầy sức xuân. Trên đời, thế là Chị chỉ còn có niềm vui hạnh phúc đôi lứa ngắn ngủi, duy nhất với Anh như kỷ vật. Không ai còn có thể thay thế Anh được nữa. Cùng với nỗi xa cách, thân phận Chị gắn với nỗi mất Anh. Mất mát như thế là quá lớn. Chị quyết ở vậy, không chỉ vì không đem nổi hạnh phúc gia đình con cái cho bất kỳ người đàn ông khác, mà đơn giản Chị sợ một quan hệ chồng vợ vô vị, không con cái.


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 11.


(Tiếp theo kỳ trước)
       …..
       Chiếc taxi bốn chỗ dừng đỗ trước con hẻm trên đường Hai Bà Trưng, quận Một. Theo chân Chị, Anh bước vào phía trong. Phía ngoài, con hẻm trông không lớn, nhưng bên trong các ngôi nhà dựa vào nhau san sát. Tận cuối hẻm, một phần của bên hông ngôi nhà ba lầu chắn họ lại. Mặt trước của ngôi nhà chắc có mặt tiền trên một đường phố nào đó phía Tây. Một chiếc cầu thang sắt dẫn lên ô cửa nhỏ tầng hai. Bước qua cửa, trước mắt Anh là ba bốn cánh cửa khác nhau của mấy căn phòng cùng chung một hành lang hẹp. Chị tra khóa, mở cửa căn hộ sau cùng và nhanh nhẹn bước vào. Phía sau những cánh cửa đóng kín của các căn hộ khác, không chút âm thanh nào lọt qua. Trái ngược với không gian ồn ã ngoài kia, trong này mọi thứ đều lặng phắc.


Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 10.


(Tiếp theo kỳ trước)
          ........
            Ngày đó, sau chuyến đi vô vọng tới bệnh viện huyện Đan Phượng và nhận được thông tin chuyển vùng công tác bất ngờ về Chị, Anh trở về trong tâm trạng thật buồn. Chiến tranh kêt thúc, đất nước thống nhất liền một giải. Sau những hồ hởi vì niềm vui hòa bình, cuộc sống cựa mình chậm chạp. Đóng kín tâm trạng, Anh chật vật cố quên đi quá khứ yêu thương. Tình yêu năm nào để lại dấu hằn như vết thương chờ lành sẹo. Không có người con gái nào làm Anh vơi nhớ Chị, những quan hệ mới không đủ lấp đầy cảm xúc yêu đương từng có. Tình yêu đầu đời trong gian khó, vất vả để lại quá nhiều mốc dấu mà những quan hệ mới không sao khỏa lấp nổi. Mọi tâm trí Anh đổ dồn vào công việc chuyên môn. Có lẽ điều đó giúp được Anh phần nào khi những kết quả làm việc dẫn Anh đến một vài thành công nho nhỏ. Những năm tháng miệt mài theo học các khóa đào tạo sau đại học khiến Anh vơi bớt nỗi buồn riêng. Kết thúc những năm học vừa học vừa làm vất vả, Anh bảo vệ thành công luận văn sau đại học. Anh chuyển vùng công tác về Hà Nội, gần quê hương và các bậc sinh thành. Những quan hệ mới, cộng với sự vun quén của gia đình, bè bạn  giúp Anh lập gia đình khi tuổi vừa ngoài ba mươi, tuổi mà quan niệm xưa từng cho rằng đã phải "tam thập nhi lập". Người bạn đời của Anh cũng là công chức nhà nước, kém Anh sáu tuổi không tài sắc nổi trội mà hiền hậu, nhu mì. Xuất thân từ một gia đình bình thường, cô học hành rồi ở lại công tác tại Hà Nội. Họ xây đắp gia đình nhỏ giữa muôn vàn khó khăn, chật vật sinh sống trong lòng thủ đô đất chật người đông. Xoay trở đủ kiểu, ngoài giờ công tác Anh tìm đủ việc để làm thêm kiếm sống. Tùng tiệm chi tiêu, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại với nhu cầu sống tối thiểu, họ lần lượt cho ra đời hai đứa con gái. Ít năm sau, lần lượt các bậc sinh thành của hai bên gia đình Anh qua đời. Như bao tổ ấm khác giữa thủ đô cái gia đình nhỏ bé ấy lội được qua những năm khó khăn để rồi bước vào thế kỷ mới với tâm trạng chờ đợi cuộc sống sớm cải thiện. Hết lo đời sống gia đình, lại lo nuôi con ăn học. Chẳng mấy chốc, những đứa con của họ tách dần khỏi gia đình. Chúng có công ăn việc làm, có gia đình riêng. Hai vợ chồng Anh bằng lòng với cuộc sống khiêm nhường giữa thành phố đông đúc. Họ đang hoàn thành nốt những năm tháng cuối của sự nghiệp cá nhân. Trước mắt họ, là những năm tháng chờ đợi được nghỉ ngơi an nhàn. Anh chỉ còn dăm năm công tác, vợ Anh đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Giờ thì, khi những đứa trẻ con được sinh ra bà lại mải miết lo cho các cháu. Có khi, cả tháng trời Anh ở nhà một mình.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 9.(Phần 2)

(Tiếp phần 1)
....

     Khi Em buộc phải rời xa Anh cũng là lúc cuộc đời Em rẽ sang khúc quanh khác. Em chuyển ngành khỏi cơ quan dân sự bởi nguyện vọng gia đình và theo vợ chồng chị gái em công tác tại một đoàn chuyên gia quân sự giúp nước bạn Lào cho tới năm 1982. Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam kết thúc, năm 1983 đơn vị bọn em từ Lào lại được lệnh bổ sung vào quân số quân đoàn 7, tiếp tục công tác tại thủ đô Phnom Penh cho đến ngày rút khỏi nước bạn về thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1989. Chỉ sau đó ít tháng, em xuất ngũ, chuyển ngành về một cơ quan dân sự. Chị Loan và anh Cương hiện đã nghỉ hưu cả dăm năm nay rồi. Gia đình anh chị hiện cư trú tại quận 3, gần cơ quan em làm việc hiện nay. Anh chị và các cháu đều khỏe. Hai cháu Thanh, Hồng đã xây dựng gia đình và mỗi đứa đã có một hai mặt con cả. Chỉ còn cháu Dương, ngoài ba mươi rồi mà chưa vợ con gì. Dương nó công tác ở nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất, vẫn đang ở cùng bố mẹ. 

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 9.(Phần 1)


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
          Trong tiếng rì rào đều đều của động cơ, khung cảnh bên đường loang loáng lướt qua. Chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi lướt nhẹ trong nắng sớm. Trong xe, những khuôn mặt ngái ngủ gật gà gật gù. Tiết tấu vui vẻ và nhạc điệu bài hát "Hà nội những năm hai nghìn" của nhạc sĩ Trần Tiến ngân nga thoảng nhẹ. Anh đưa mắt nhìn mọi người chung quanh. Họ là những đồng nghiệp của Anh. Phía trước, một cuộc hội thảo khoa học đang chờ họ giữa thành phố Hạ Long. Xuất phát từ Hà Nội năm giờ sáng, chỉ hơn nửa tiếng nữa họ sẽ có mặt tại nơi dừng nghỉ. Khuôn mặt bình thản của cậu Long - lái xe cơ quan hướng chăm chú về phía trước. Trên xe, chỉ có Anh và cậu ta là tỉnh như sáo. Mấy cô cậu cùng đi đang tuổi ăn tuổi ngủ tranh thủ chợp mắt bù giấc ngủ sớm bị cắt xén bất thường bởi chuyến đi. Cuộc hội thảo nằm trong chương trình hợp tác của Viện với một số tỉnh thành vùng Đông - Bắc. Họ sẽ làm việc và nghỉ ngơi ở đó bốn ngày. Mới đó vậy thôi mà lằn ranh giữa hai thế kỷ vừa bị bỏ lại, đây đã là những  ngày tháng đầu tiên của thế kỷ mới. Năm 2000, nội cái tên gọi đã đủ gây nên nỗi háo hức thay đổi.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 8


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Hơn bốn tháng sau đó, Anh có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện huyện Đan Phượng. Những y bác sĩ trong khoa thân mật chào đón Anh, người bệnh nhân cũ của họ, người bạn trai của đồng nghiệp ngày nào. Mọi người vui đó mà lại bối rối ngay đó. Họ không thể tưởng tượng ra rằng, Anh không hề biết cô Tuyết bác sĩ gây mê hồi sức đã chuyển khỏi bệnh viện. Họ cứ nghĩ rằng, Anh ghé qua để nhắn giúp Tuyết việc gì. Phải khó khăn lắm, cô Nhung y sĩ mới nói được rằng: "Em tưởng Anh biết việc Tuyết nó chuyển ngành sang bên quân đội rồi chứ. Thế Anh không biết gì thật sao?" Thế ra là Tuyết đã chuyển về quân y viện binh chủng tăng thiết giáp nơi chị gái công tác. Đơn vị Chị cùng bộ tư lệnh quân chủng nơi anh rể làm trợ lý tư lệnh trưởng sau khi tiếp cận công việc tại quân khu Bốn đã được Bộ tổng điều sang giúp các bạn Lào xây dựng hậu cứ Xa-va-na-khet cho quân đội giải phóng nhân dân Lào. Chị Nguyệt, Phó giám đốc bệnh viện, chị Lan trưởng khoa Ngoại có chồng công tác bên quân đội dù không được biết chi tiết cũng đều xác nhận thông tin này. Các chị cũng bất ngờ vì Tuyết và Anh không gặp nhau được bữa nào kể từ sau ngày Tuyết chuyển ngành. Nhẹ nhàng an ủi Anh, các chị đều cho rằng khi ổn định  công việc, thế nào Tuyết cũng thư cho Anh biết tình hình. So với mặt trận phía Nam, thư từ gửi về Việt Nam từ chiến trường C thuận lợi hơn. "Thế nào rồi Tuyết nó cũng viết thư về cho chú. Chịu khó chờ một chút!" Chị Nguyệt nhỏ nhẹ an ủi anh, song đôi mắt chợt nhìn đi thật xa, trống vắng. Chị biết, nói vậy cũng chỉ để an ủi thôi, chị nào có thể giúp gì cho chàng trai này được hơn thế. 

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 7.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       Cửa ga Hàng Cỏ hôm nay bỗng trông sao thật bất thường. Mọi khi, giữa trưa vắng con phố mặt ga đâu có nhiều người xe đến vậy. Xe đến, xe đi cứ nườm nượp, lượng người đổ xuống toàn là bộ đội, thanh niên xung phong. Cũng có cả người mặc quần áo dân sự, nhưng không nhiều bằng. Cửa ga trông to là vậy, nay chỉ mở một phần, cứ nuốt vào được một khối người, lại đóng chặt lại. Cứ theo lịch trình bình thường thì giờ này, không có chuyến tàu khách nào đi, về. Chỉ có tàu hàng và tàu công vụ. Không khí có vẻ căng căng. Đứng bên hè đường Nam Bộ phía đối diện, Anh cứ nhớn nhác tìm kiếm. Không thấy bóng Chị đâu. Cả tiếng đồng hồ đã trôi qua, bụng đã thấy bồn chồn bần thần. Trong túi, bức điện khẩn của Chị nằm đó, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Em muốn gặp Anh gấp, rất gấp. Đợi Em ở cửa ga Hàng Cỏ lúc một giờ chiều, ngày….ở chỗ cũ" Giữa không khí khẩn trương của người, xe, quân nhân với ngổn ngang quân trang, quân dụng trước mặt, Anh càng thấy sốt ruột. Chuyện gì mà Chị điện cho Anh lên đây?! Ra đến Phủ Lý lúc sáng sớm để gửi xe đạp lên tàu, chuyến tàu khách hơn tám giờ sáng ậm ạch mãi mới đưa Anh về tới Hà Nội. Y hẹn, Anh có mặt ở chỗ này từ lúc hơn 11 giờ trưa.


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 6.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..
       Họ về đến nhà chị Phượng lúc hơn 11 giờ đêm. Căn phòng nhỏ bé lọt giữa khu tập thể cơ quan vắng ngắt vắng ngơ. Các nhà cửa khóa im nghỉm. Cả cơ quan đi sơ tán, có mấy gian cuối dãy le lói chút đèn đêm. Họ là cơ số ở lại trông nom khu nhà. Đêm lạnh, không có ai hỏi han gì đôi bạn trẻ. Cảnh đêm hôm có người từ nơi sơ tán về qua nhà đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi tiếng mở khóa vào giờ này không khiến cho người còn có mặt trong khu nhà bận tâm. Nhà nào chẳng vậy, đi sơ tán suốt, trong nhà chẳng còn mấy gia sản gì quý giá ngoài vài chiếc giường trơ khỏng vạt giường, hoặc bộ bàn ghế khập khiễng mốc mác. Hý hoáy một lúc, rồi Chị cũng bật được ngọn đèn góc nhà. Ánh đèn vàng nhờ yếu ớt đủ soi sáng gian nhà nhỏ bé. Căn hộ mái ngói trần cót rộng chừng mười lăm mét vuông dù không có người ăn ở hàng ngày, song vẫn ngăn nắp gọn ghẽ. Chiếc tủ đứng gỗ tạp kê góc nhà, ngay cạnh chiếc giường đôi. Cuối giường, chiếc chiếu phủ lên đống chăn màn xếp gọn ghẽ. Cách sắp xếp gường chiếu chứng tỏ vài ba ngày lại có người đảo qua nghỉ lại. Trên tường, ngoài mấy tấm ảnh gia đình, đây đó chỗ treo tấm tranh tết, chỗ dán mấy tấm quảng cáo phim, tranh cổ động về bầu cử, sản xuất, chiến đấu…Nơi trang trọng nhất là một bàn thờ gắn tường, trên đó còn nguyên bát hương với một ít chân hương, chiếc đèn dầu nhỏ bên vài chiếc chén hạt mít men nâu. Một khung ảnh lồng bức tranh truyền thần một người đàn ông bán thân đầu đội khăn xếp, áo the đen. Chị khẽ thì thào: "Bàn thờ ông nội các cháu nhà chị Phượng đấy." Thấp dưới bàn thờ một chút có chiếc khung ảnh trong cài mấy chiếc ảnh đen trắng. Tấm lớn nhất chụp hình một đôi vợ chồng, người đàn ông mặc quân phục, người đàn bà tươi cười mặc chiếc áo cánh sẫm cổ trái tim. Mấy chiếc ảnh nhỏ chụp hai đứa trẻ, một gái một trai. Đứa con trai lớn khoảng năm tuổi, con em gái cỡ hơn ba tuổi ngỏn nghẻn cười. "Căn nhà này thuộc cơ quan chồng chị Phượng. Tấm ảnh này vợ chồng anh chị chụp cách đây ba năm đấy. Giờ Anh ấy đang ở chiến trường Nam Bộ. Mấy chiếc ảnh nhỏ là bọn trẻ vừa mới chụp. Chị Phượng có được bà mẹ chồng thích lắm. Trông nom, chăm sóc mấy mẹ con chị ấy hết lòng. Bà ngoài sáu mươi rồi, nhưng còn khỏe và nhanh nhẹn. Bọn trẻ suốt ngày quanh quẩn bên bà cụ. Từ nhà bà nội sang bệnh viện chỉ hơn chục phút xe đạp. Chị Phượng đi làm suốt ngày bên khoa sản cũng yên tâm." 


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 5.


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Vừa trút mình khỏi chiếc áo ngoài, tay đang lần gỡ chiếc cúc bé xíu của chiếc áo ngực thì Chị giật mình. Có tiếng động rất khẽ ngoài tấm mành cửa buồng tắm. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, một khuôn mặt lộ vẻ căng thẳng ló vào. Chị suýt hét lên thất thanh. Một bàn tay ướt nhẽo bịt vội tiếng kêu vừa chực thoát ra khỏi miệng, bàn tay còn lại run rẩy vuốt ve bờ vai trần. Giọng nói khê nặc mùi thuốc lào phều phào bên tai. "Cậu đây, đừng kêu thế. Ngoan nào!" Chị vội vùng mạnh người, tay ôm chặt bầu ngực vừa lộ ra non nửa, thoát nhanh cánh tay chỉ chực siết vào của gã đàn ông. "Không! Không…tôi kêu lên đây này!"
       - Thôi! Thôi! không việc gì phải ầm lên thế. Thấy trời lạnh, Cậu mang cho cháu phích nước nóng đây. Cầm lấy này, tắm nhanh kẻo lạnh.


Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

XUÂN NÀY - TRỞ LẠI NHA TRANG


       Xuân này, tôi lại có dịp trở lại thành phố Nha Trang biển đẹp. Sau gần 20 năm rời xa, nay tôi trở lại gặp một Nha Trang đang mang trên mình một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn du khách. Từng con đường, từng công trình cũ mới đan xen nhau gợi nhớ bao kỷ niệm một thời. Hãy cùng tôi ngắm những hình ảnh chụp từ những khoảnh khắc phiêu du kỷ niệm.